Trong hành trình 60 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ Sở Y tế Quảng Ninh luôn phát huy vai trò hạt nhân chính trị, là trung tâm đoàn kết, lãnh đạo toàn ngành vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn, thử thách; không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Qua mỗi kỳ Đại hội, Đảng bộ không chỉ lớn mạnh về tổ chức mà còn trưởng thành vượt bậc về tư duy lãnh đạo, năng lực hành động và để lại nhiều dấu ấn đổi mới có tính chiến lược.
Giai đoạn 1954–1963: Những viên gạch đầu tiên cho nền y tế tỉnh nhà
Năm 1954, tỉnh Hải Ninh trực thuộc Liên khu Việt Bắc. Đến tháng 7/1956, tỉnh được chuyển về Khu tự trị Việt Bắc, và từ tháng 4/1957, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ Trung ương.
Tại thời điểm tiếp quản, hạ tầng y tế của tỉnh còn nhiều thiếu thốn: Bệnh viện Móng Cái có quy mô 30 giường bệnh, trang thiết bị đơn sơ như một máy X-quang nửa sóng, 1 kho thuốc chữa bệnh giang mai và 18 nhân viên y tế. Bệnh viện Tiên Yên khi đó có hai cơ sở: cơ sở 1 là khu nhà cấp 4 trong trại lính, cơ sở 2 là trường THCS Thị trấn, với vài bộ tiểu phẫu và lượng thuốc điều trị sốt rét, giang mai rất hạn chế.
Trước tình hình nhân lực mỏng, trình độ chuyên môn yếu, đầu năm 1955, Ty Y tế Hải Ninh được thành lập, đặt trụ sở tại thị xã Tiên Yên. Đồng thời, Bệnh viện tỉnh Hải Ninh được xây dựng với quy mô 70 giường bệnh, do y sĩ Mai Đình Nghệ làm Quản đốc. Bệnh xá Móng Cái được tổ chức lại từ bệnh viện Pháp để lại, do y sĩ Nguyễn Cư phụ trách.
Thời điểm đó, toàn tỉnh chỉ có 100 giường bệnh cho 130.000 dân, tương đương bình quân 1 giường/1.300 dân. Nhờ sự quan tâm của Trung ương, đến năm 1962–1963, tỉnh đã có 526 giường bệnh/151.462 dân, nâng tỷ lệ lên 1 giường/288 dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ thầy thuốc được tăng cường đáng kể, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Từ năm 1961, ngành Y tế đã thực hiện được các ca phẫu thuật lớn như mổ ruột thừa vỡ, thủng dạ dày, mổ đẻ, cắt u nang buồng trứng, giun chui ống mật…
Cùng thời điểm, khu y tế Hồng Quảng cũng hình thành các đơn vị y tế trọng điểm như Bệnh xá Quảng Yên (50 giường, ban đầu là trại lính, sau chuyển về dãy nhà 2 tầng do Mỹ viện trợ cho Pháp) và Bệnh viện Nhân dân Bãi Cháy (100 giường, triển khai tại các lô nhà cấp 4 ở xóm chợ Bãi Cháy).
Ngày 30/10/1963, hợp nhất tỉnh Hải Ninh và Khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh. Các cơ sở y tế hai khu vực được giữ nguyên, một số bác sĩ và cán bộ y tế được điều chuyển về Bệnh viện tỉnh và Trường Trung học Y tế Quảng Ninh.
Trong giai đoạn này, tổ chức Đảng trong ngành Y tế còn phân tán: các đơn vị tuyến huyện sinh hoạt tại chi bộ thuộc Đảng bộ huyện, trong khi văn phòng Sở và các đơn vị tuyến tỉnh tổ chức thành chi bộ riêng. Tuy nhiên, trong điều kiện chiến tranh, khó khăn, thiếu thốn, các chi bộ vẫn kiên cường, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Giai đoạn 1964–1985: Thành lập Đảng bộ khối Y tế tỉnh – bám trụ phục vụ chiến đấu và phát triển
Sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ ồ ạt đưa quân vào Việt Nam, gây chiến tranh cục bộ ở miền Nam, đồng thời mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc (từ tháng 2/1965) với trọng tâm là không quân.
Là địa bàn trọng điểm, Quảng Ninh chịu nhiều trận đánh ác liệt của không quân Mỹ tại các mục tiêu chiến lược như Bến phà Bãi Cháy, cảng Hòn Gai, Cửa Ông, cầu 20, Nhà máy điện Cọc 5… Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Quảng Ninh chỉ đạo ngành Y tế phải “bám trụ, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu và chăm sóc sức khỏe nhân dân”.
Thực hiện chỉ thị của tỉnh, Đảng bộ ngành Y tế xác định rõ tinh thần: cán bộ, nhân viên ngành Y tế phải sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ tính mạng nhân dân. Công tác sơ tán, cấp cứu lưu động, thiết lập trạm y tế dã chiến được tổ chức bài bản, kịp thời. Mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp, đáp ứng yêu cầu thời chiến. Các chi bộ, đảng viên trong ngành đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên cường trong lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ.
Năm 1978, Đảng bộ khối Y tế tỉnh chính thức được thành lập, tạo nền tảng tổ chức vững chắc, thống nhất cho hoạt động lãnh đạo toàn ngành. Đây là dấu mốc quan trọng về tổ chức, góp phần nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, điều hành và phát triển ngành Y tế.
Giai đoạn 1986–2000: Đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng tổ chức Đảng
Bước vào thời kỳ Đổi mới (1986), đất nước chuyển mình theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngành Y tế Quảng Ninh bắt đầu thực hiện chuyển đổi mô hình tổ chức, cơ chế quản lý, mở rộng xã hội hóa trong công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và đào tạo nhân lực.
Đảng bộ khối Y tế lãnh đạo việc củng cố tổ chức Đảng trong các đơn vị trực thuộc, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ y tế “vừa hồng vừa chuyên”. Vai trò của tổ chức Đảng và đảng viên trong các bệnh viện, trung tâm y tế ngày càng thể hiện rõ nét trong các hoạt động chuyên môn, cải tiến kỹ thuật và chăm sóc bệnh nhân.
Nhiều đơn vị trong ngành đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, Chi bộ trong sạch vững mạnh. Các phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo Bác Hồ được triển khai sâu rộng, trở thành động lực thúc đẩy đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn, quản lý và phục vụ nhân dân.
Giai đoạn 2001-2019: Xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện – Khẳng định vị thế ngành Y tế Quảng Ninh
Đảng bộ Sở Y tế Quảng Ninh liên tục được củng cố, kiện toàn, với tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực – hiệu quả. Đảng ủy Sở đã lãnh đạo toàn ngành thực hiện thành công nhiều chương trình y tế trọng điểm, khẳng định vị thế tiên phong trong toàn quốc.
Các kỳ Đại hội Đảng bộ đều xác định rõ các định hướng chiến lược: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số y tế, phát triển y tế chuyên sâu – kỹ thuật cao, tăng cường y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tổ chức Đảng tiếp tục khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng ngành Y tế Quảng Ninh hiện đại, nhân văn, hội nhập.
Giai đoạn 2020–2025 – Dấu ấn đột phá:
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Diện, Bí thư Đảng bộ Sở Y tế khóa XXII, nhiệm kỳ này ghi dấu ấn phát triển vượt bậc trong toàn ngành. Với tư duy đổi mới, tinh thần dám nghĩ, dám làm, Đảng bộ đã lãnh đạo ngành y tế vượt qua đại dịch COVID-19 một cách hiệu quả, đảm bảo công tác phòng chống dịch gắn liền với phát triển hệ thống y tế bền vững. Các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch:
• Tỷ lệ hài lòng người bệnh đạt trên 95%
• 100% trạm y tế xã được đầu tư nâng cấp, đạt chuẩn quốc gia giai đoạn II
• 100% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử
• Đổi mới toàn diện mô hình y tế cơ sở gắn với chuyển đổi số
• Đầu tư phát triển các chuyên ngành sâu, triển khai thành công kỹ thuật cao như: ghép thận từ người cho chết não, phẫu thuật tim hở…
Nhiều thành tựu nổi bật được ghi nhận: ngành Y tế Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên triển khai thành công mô hình “3 trong 1” tại tuyến huyện; đi đầu cả nước về số hóa bệnh án, không dùng tiền mặt trong khám chữa bệnh; thực hiện thành công ca ghép thận từ người cho chết não đầu tiên tại địa phương vào tháng 4/2025…
Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước có đủ 3 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh đạt tiêu chuẩn hạng I (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy và Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí), hình thành mạng lưới y tế vùng, liên thông cấp cứu 115, khám chữa bệnh từ xa.
Định hướng đến năm 2030:
Đảng bộ Sở Y tế Quảng Ninh tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong xây dựng nền y tế hiện đại, công bằng, chất lượng và hội nhập. Phấn đấu xây dựng hệ thống y tế thông minh, y tế số toàn diện từ quản trị điều hành đến phục vụ người bệnh. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030:
• Tuổi thọ trung bình đạt trên 77 tuổi.
• Hoàn thiện mạng lưới y tế theo mô hình trục – vệ tinh vùng Đông Bắc
• Tăng tỷ lệ bác sĩ/vạn dân và giường bệnh/vạn dân ở mức cao so với cả nước
• Đẩy mạnh y tế dự phòng, quản lý bệnh mạn tính, nâng cao sức khỏe nhân dân
• Phát triển các trung tâm kỹ thuật cao, từng bước hội nhập quốc tế
Với bề dày truyền thống, tinh thần đoàn kết, bản lĩnh đổi mới và khát vọng phát triển, Đảng bộ Sở Y tế Quảng Ninh sẽ tiếp tục giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo, xây dựng ngành Y tế ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn, đáp ứng tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới – góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
——————————————-
Nguồn – CDC Quảng Ninh.
Một số bài viết khác:
Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn tổ chức hội nghị truyền thông hưởng ứng Ngày Thalassemia Thế giới 08/5/2025
Bệnh viện Xí nghiệp Than Hòn Gai (1955–1963): Dấu ấn khởi nguyên của y tế vùng mỏ Quảng Ninh
Khoa Nội – Truyền nhiễm
KHOA YHCT-PHCN
Từ Bệnh viện Tám Mái đến Bệnh viện A Bãi Cháy: Dấu ấn y tế thời kỳ sơ khai (1956–1959)
Ứng dụng công nghệ trong Ngành Y tế Quảng Ninh – Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hướng tới Đại Hội