Trước diễn biến số ca mắc COVID-19 gia tăng trở lại tại nhiều quốc gia và rải rác tại Việt Nam, ngành Y tế đang đặt ra câu hỏi: Người mắc bệnh có cần cách ly y tế không? Những cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế sẽ giúp người dân hiểu rõ và chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
COVID-19 không còn thuộc nhóm bệnh đặc biệt nguy hiểm
Theo Bộ Y tế, hiện nay COVID-19 được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm B, tương tự như cúm mùa, sốt xuất huyết… Điều này đồng nghĩa với việc COVID-19 không còn được xem là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh và gây tỷ lệ tử vong cao như giai đoạn đầu của đại dịch.
Tuy nhiên, do xu hướng số ca mắc đang gia tăng, Bộ Y tế vẫn yêu cầu các cơ sở y tế trên toàn quốc chủ động rà soát kế hoạch thu dung, điều trị, không để bị động nếu dịch lan rộng trở lại.
Ca bệnh tăng tại nhiều tỉnh, thành nhưng không có ca tử vong
Từ đầu năm 2025 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 148 ca mắc COVID-19 tại 27 tỉnh, thành, không có trường hợp tử vong. Trên thế giới, số ca mắc cũng tăng tại một số nước như Brazil, Anh, Thái Lan…, cho thấy dịch vẫn có khả năng tái bùng phát cục bộ.
Tại Quảng Ninh, ngành Y tế ghi nhận 27 ca mắc cộng dồn trong năm 2025, phân bố tại Hạ Long (14 ca), Móng Cái (06), Cẩm Phả (03), Uông Bí (01), Bình Liêu (01), Đông Triều (01), Vân Đồn (01). Tổng số mắc cộng dồn từ đầu vụ dịch đến nay là 365.541 ca, trong đó có 230 ca nhập cảnh và 365.311 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Người mắc COVID-19 có cần cách ly y tế?
Câu trả lời là: không bắt buộc, nhưng rất khuyến khích tự cách ly tại nhà để tránh lây lan cho người xung quanh.
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế:
– Người bệnh điều trị ngoại trú nên tự cách ly tại nơi lưu trú ít nhất 5 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng hoặc có kết quả dương tính.
– Nên đeo khẩu trang đầy đủ đến hết ngày thứ 10 để hạn chế lây nhiễm cho người khác.
– Nếu cần rời khỏi nơi ở, phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc gần.
– Người ở cùng nhà hoặc chăm sóc người bệnh cũng cần đeo khẩu trang, vệ sinh tay và thường xuyên khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc.
Các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ nên:
– Đeo khẩu trang, tự theo dõi sức khỏe và hạn chế tiếp xúc với người khác.
– Nếu có nguy cơ cao (người già, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh nền…) nên xét nghiệm sớm để được chẩn đoán xác định.
– Nếu tự test nhanh cho kết quả dương tính, cần báo cho trạm y tế nơi lưu trú để được hướng dẫn, hỗ trợ y tế phù hợp.
Với người bệnh điều trị nội trú:
– Sẽ được cách ly tại khoa cấp cứu hoặc buồng cách ly chuyên khoa.
– Các buồng khám, buồng đón tiếp tại khoa cấp cứu và buồng cách ly lâm sàng phải đảm bảo thông khí tốt, đủ điều kiện kiểm soát lây nhiễm.
– Các khoa có ca bệnh phải chuyển người bệnh vào khu vực riêng biệt để điều trị, không để lây chéo trong bệnh viện.
Từ đầu năm 2020 đến hết 2023, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch COVID-19, ghi nhận hơn 11,6 triệu ca mắc, đứng thứ 13 thế giới về số ca bệnh. Tỉ lệ tử vong thấp (0,4%), với 43.206 trường hợp tử vong trên tổng số ca nhiễm.
Đặc biệt, Việt Nam đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19, giúp tạo lá chắn cộng đồng và giảm thiểu đáng kể số ca tử vong cũng như ca bệnh nặng.
Người dân không nên chủ quan trước diễn biến mới của dịch, nhưng cũng không nên hoang mang lo lắng. Điều quan trọng là mỗi người cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch:
– Đeo khẩu trang nơi công cộng
– Rửa tay thường xuyên
– Giữ gìn vệ sinh nơi ở và nơi làm việc
– Hạn chế tiếp xúc gần khi nghi ngờ mắc bệnh
Ngành Y tế Quảng Ninh tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, đảm bảo an toàn cho cộng đồng, nhất là tại các cơ sở y tế, trường học, nơi tập trung đông người.
Chung tay phòng, chống dịch bệnh – vì một Quảng Ninh khỏe mạnh, an toàn và phát triển.
————————————–
Theo: Sức Khỏe Quảng Ninh
Một số bài viết khác:
CẢNH GIÁC VỚI BIẾN THỂ COVID-19 MỚI – XEC
Từ 01/6 dừng cấp thẻ BHYT giấy: Người dân cần làm gì để bảo đảm quyền lợi đi khám, chữa bệnh BHYT
Vân Đồn triển khai tập huấn sàng lọc rối loạn tâm thần năm 2025
Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường công tác khám, phát hiện và điều trị ca bệnh COVID-19
Cần quan tâm hơn nữa đến chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ truyền thông – giáo dục sức khoẻ
KHÔNG HOANG MANG – KHÔNG CHỦ QUAN TRƯỚC COVID-19