Trong hệ thống y tế, đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông giáo dục sức khỏe (TTGDSK) đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là lực lượng tuyến đầu trên mặt trận phòng bệnh, nâng cao nhận thức cộng đồng và góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ này vẫn còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với tính chất công việc và mức độ đóng góp.
Công tác TTGDSK không chỉ đơn thuần là tuyên truyền thông tin y tế mà còn bao gồm nhiều nội dung quan trọng như:
– Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác y tế tới từng hộ dân, từng nhóm cộng đồng.
– Truyền thông thay đổi hành vi theo hướng tích cực, phòng bệnh hơn chữa bệnh, góp phần giảm tải cho hệ thống khám chữa bệnh.
– Đồng hành cùng hệ thống y tế trong truyền thông nguy cơ, phòng chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa; có mặt ở những điểm nóng, vùng sâu, vùng xa để truyền tải thông điệp bảo vệ sức khỏe một cách kịp thời, hiệu quả.
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, công tác TTGDSK càng khẳng định vai trò then chốt và không thể thay thế:
– Tuyên truyền kịp thời, chính xác, thống nhất các chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác phòng, chống dịch đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội và toàn thể Nhân dân.
– Tạo môi trường đồng thuận xã hội, giúp người dân tin tưởng, hợp tác trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch: khai báo y tế, cách ly, xét nghiệm, tiêm chủng, hạn chế tụ tập…
– Góp phần ngăn chặn tin giả, tin sai lệch, bảo vệ thành quả chống dịch của cả hệ thống chính trị và ngành Y tế.
Thực hiện hiệu quả các chiến dịch truyền thông nguy cơ, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và hình thành thói quen mới trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
“Vừa làm báo chí, vừa làm bác sĩ” – Đặc thù riêng có của cán bộ truyền thông ngành Y tế:
Một điểm đặc biệt ít người biết đến nhưng cần được nhấn mạnh: cán bộ Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe không chỉ làm công tác báo chí, truyền thông, mà họ còn là những bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, vừa có nghiệp vụ chuyên môn, vừa có kỹ năng truyền thông cộng đồng.
Trong những năm chống dịch COVID-19 – “chống dịch như chống giặc”, họ không chỉ viết tin, dựng phóng sự, truyền thông trên mạng xã hội… mà còn trực tiếp xuống cơ sở khám bệnh, điều tra dịch tễ, lấy mẫu, truy vết, hỗ trợ điều trị, tiêm chủng và thực hiện nhiều công việc nguy cơ cao như bất kỳ một cán bộ y tế nào tuyến đầu. Họ là những chiến sĩ thầm lặng đa nhiệm, đi đầu cả về chuyên môn y tế lẫn truyền thông, trong khi phụ cấp vẫn ở mức thấp nhất nhóm ngành.
Hiện trạng phụ cấp theo dự thảo: mới chỉ ở mức 30%:
Theo Dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức, người lao động công tác tại các cơ sở y tế công lập do Bộ Y tế đang lấy ý kiến nhân dân, mức phụ cấp ưu đãi 30% hiện được áp dụng cho các viên chức được phân công thường xuyên, trực tiếp làm các công việc như truyền thông giáo dục sức khỏe.
Đây là một bước tiến tích cực trong việc công nhận vị trí nghề nghiệp của cán bộ TTGDSK, tuy nhiên vẫn chưa phản ánh đúng thực tế đặc thù, áp lực và cường độ công việc mà lực lượng này đang gánh vác.
Trong khi các nhóm nghề khác trong ngành Y tế được đề xuất hưởng phụ cấp từ 40% đến 70% tùy theo điều kiện công tác và mức độ độc hại, nguy hiểm thì mức 30% dành cho cán bộ TTGDSK là thấp nhất, cho thấy còn độ vênh giữa chính sách và thực tiễn.
Đề xuất: Phụ cấp ưu đãi nghề tối thiểu 40% cho cán bộ TTGDSK
Chúng tôi kiến nghị Bộ Y tế và Chính phủ xem xét điều chỉnh, nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ TTGDSK từ 30% lên tối thiểu 40%, để đảm bảo công bằng trong ngành và tạo động lực cho đội ngũ chuyên trách.
Việc điều chỉnh chính sách không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng với công lao của cán bộ TTGDSK, mà còn là động lực để thu hút nhân lực có năng lực, tâm huyết, đồng thời giữ chân những người đang trực tiếp làm công tác này tại cơ sở – nơi sức khỏe cộng đồng bắt đầu được bảo vệ từ nhận thức và hành vi.
Một chính sách đúng – một bước đi xa. Chăm lo tốt cho đội ngũ truyền thông giáo dục sức khỏe hôm nay, chính là đầu tư cho nền tảng y tế bền vững, chủ động, hiện đại và nhân văn trong tương lai.
—————————————
Theo: CDC Quảng Ninh.
Một số bài viết khác:
CẢNH GIÁC VỚI BIẾN THỂ COVID-19 MỚI – XEC
Từ 01/6 dừng cấp thẻ BHYT giấy: Người dân cần làm gì để bảo đảm quyền lợi đi khám, chữa bệnh BHYT
Vân Đồn triển khai tập huấn sàng lọc rối loạn tâm thần năm 2025
Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường công tác khám, phát hiện và điều trị ca bệnh COVID-19
Cần quan tâm hơn nữa đến chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ truyền thông – giáo dục sức khoẻ
KHÔNG HOANG MANG – KHÔNG CHỦ QUAN TRƯỚC COVID-19