Cần quan tâm hơn nữa đến chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ truyền thông – giáo dục sức khoẻ

Chính phủ đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo VBQPPL – Dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức, người lao động công tác tại các cơ sở y tế công lập.

Trong hệ thống y tế Việt Nam, công tác truyền thông – giáo dục sức khỏe (TT-GDSK) đóng vai trò là “cầu nối” giữa chuyên môn y tế với người dân, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe và chủ động phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, đội ngũ cán bộ làm công tác này tại nhiều địa phương đang phải đối mặt với không ít khó khăn, nhất là về chế độ chính sách, kinh phí hoạt động và cơ sở vật chất kỹ thuật.

Vừa là nhà báo ngành y, vừa là chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu. Tại các CDC tỉnh, Khoa TT-GDSK tuy chỉ có từ 5–7 cán bộ nhưng là đơn vị nòng cốt đảm nhận khối lượng lớn công việc: từ xây dựng tài liệu, sản xuất tin bài, phối hợp với báo chí, tổ chức truyền thông cộng đồng, cho đến tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác y tế.

Không chỉ vậy, trong các tình huống khẩn cấp như đại dịch COVID-19, đội ngũ này còn trực tiếp tham gia tuyến đầu: lấy mẫu, điều tra dịch tễ, tiêm chủng, thăm khám và hỗ trợ điều trị, đúng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Họ vừa là bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, vừa là những người làm báo, những người kể chuyện về ngành y bằng sự thấu cảm, trải nghiệm thực tiễn và lòng tận tâm.

Tại Hội nghị chuyên đề tăng cường năng lực mạng lưới TT-GDSK do Bộ Y tế tổ chức, nhiều đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ: chế độ chính sách chưa đủ hấp dẫn, cán bộ TT-GDSK phần lớn là kiêm nhiệm, chưa có quy định rõ ràng về vị trí việc làm, không được bố trí định mức kinh phí hoạt động thường xuyên. Nhiều cán bộ ở tuyến xã chỉ là y sĩ, điều dưỡng được giao thêm nhiệm vụ truyền thông nhưng không có chế độ phụ cấp hay bồi dưỡng phù hợp.

Trước thực trạng đó, khi Chính phủ đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức, người lao động tại các cơ sở y tế công lập, cần đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông – giáo dục sức khoẻ. Đây là lực lượng nòng cốt, thường xuyên trực chiến, làm việc cả ngày lẫn đêm, bám sát cơ sở, đồng hành cùng các hoạt động chuyên môn, tuyên truyền y tế. Tuy nhiên, hiện nay phụ cấp dành cho đội ngũ này lại đang ở mức rất thấp – thấp nhất trong nhóm các đối tượng được hưởng phụ cấp ngành y tế.

Vì vậy, cần bổ sung quy định cụ thể để đảm bảo cán bộ làm công tác TT-GDSK được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề ở mức từ 40% trở lên, tương xứng với vai trò, khối lượng công việc và tính chất đặc thù của lĩnh vực này. Có như vậy mới khuyến khích được sự gắn bó, phát triển đội ngũ và giữ chân những người làm truyền thông y tế thực thụ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh: Bộ Y tế sẽ giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, nghiên cứu đề xuất chế độ chính sách phù hợp cho đội ngũ cán bộ TT-GDSK để giúp họ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với ngành. Đồng thời, quy định rõ vai trò, chức năng của từng tuyến, nâng cao năng lực và kỹ năng truyền thông y tế cho đội ngũ này.

Tại Quảng Ninh, đội ngũ truyền thông ngành y tế luôn chủ động, sáng tạo, tích cực triển khai các hoạt động truyền thông nguy cơ, truyền thông thay đổi hành vi, góp phần quan trọng vào công tác phòng chống dịch, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Tuy nhiên, để công tác TT-GDSK thực sự trở thành một trụ cột bền vững trong hệ thống y tế địa phương, rất cần có sự quan tâm đúng mức từ chính sách nhân lực đến đầu tư hạ tầng – trong đó, việc nâng mức phụ cấp ưu đãi là bước đi then chốt, thể hiện sự ghi nhận và công bằng đối với những người đang ngày đêm lặng thầm gìn giữ sức khỏe cộng đồng.


——————————
Theo CDC Quảng Ninh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *