Bệnh nhân B.V.Đ (74 tuổi), cư trú tại xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, được chuyển cấp cứu từ đảo Quan Lạn đến Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn trong tình trạng đau ngực trái, cơn đau lan lên vai và sau lưng. Ngay sau khi tiếp nhận, đội ngũ y bác sĩ đã khẩn trương thăm khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết và nhanh chóng chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim – một tình trạng tim mạch nguy hiểm cần được can thiệp sớm để hạn chế nguy cơ tử vong và biến chứng nghiêm trọng.
Xác định đây là trường hợp cần can thiệp mạch vành sớm, Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đã lập tức liên hệ và thực hiện chuyển tuyến khẩn cấp đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Trong quá trình tiếp cận bệnh viện tuyến trên, bệnh nhân đã xuất hiện rung thất – rối loạn nhịp tim nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng. Nhờ sự phản ứng nhanh và hỗ trợ kịp thời, bệnh nhân được xử lý cấp cứu bằng sốc điện thành công.
Sau khi được chụp mạch vành, kết quả cho thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước từ đoạn 2. Bệnh nhân đã được tiến hành đặt stent, tái thông mạch vành. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã ổn định và đang trong giai đoạn hồi phục tích cực.
Theo thống kê tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong do bệnh lý tim mạch, trong đó nhồi máu cơ tim là nguyên nhân hàng đầu. Tuy nhiên, theo Viện Tim mạch học Quốc gia, chỉ khoảng 2% bệnh nhân nhồi máu cơ tim đến được bệnh viện trong “thời gian vàng” – dưới 2 tiếng kể từ khi xuất hiện cơn đau. Khoảng 40% bệnh nhân đến viện trong vòng 12 giờ, khiến tỷ lệ cứu sống giảm đáng kể và nguy cơ di chứng tăng cao.
Nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm, diễn tiến nhanh, nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Trường hợp xử trí thành công của Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của tuyến y tế cơ sở trong cấp cứu ban đầu, cũng như khẳng định năng lực chuyên môn, tinh thần chủ động và tận tâm của đội ngũ y bác sĩ trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Để phòng ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim, người dân – đặc biệt là người lớn tuổi hoặc có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp cao, mỡ máu, đái tháo đường, béo phì, hút thuốc lá – cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát tim mạch và theo dõi các chỉ số nguy cơ. Với những ai đã từng bị nhồi máu cơ tim, việc duy trì lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập luyện thể dục phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa tái phát.
Khi có các dấu hiệu như đau tức ngực, khó thở, mệt mỏi đột ngột, ngất, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra các biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong.
Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn
Địa chỉ: Thôn 12, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn
Điện thoại: 032.633.8335
———————————-
Phòng Dân số – Truyền thông và Giáo dục sức khỏe
Một số bài viết khác:
Sởi có thể mắc lại nhiều lần: Đừng chủ quan dù đã từng nhiễm bệnh!
Bộ Y tế thông tin về bệnh hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại Nga
Bộ Y tế đề xuất cho người dưới 18 tuổi được hiến tạng
Bộ trưởng Y tế: Tốc độ già hóa dân số Việt Nam thuộc nhóm nhanh nhất châu Á
THÔNG BÁO LỊCH NGHỈ LỄ GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG
TẬP HUẤN NÂNG CAO NĂNG LỰC CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ BỆNH NHÂN TĂNG HUYẾT ÁP