AN TOÀN THỰC PHẨM – TRÁCH NHIỆM TỪ MỖI GIA ĐÌNH, MỖI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Thực phẩm là nguồn nuôi sống con người mỗi ngày, nhưng nếu thực phẩm không an toàn, không được kiểm soát đúng cách, thì chính nó lại là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của mỗi người.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã lựa chọn chủ đề Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2025 là:

“Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”

Chủ đề năm nay nhấn mạnh vai trò kiểm soát an toàn thực phẩm tại những địa điểm, hình thức ăn uống phổ biến trong đời sống hằng ngày – cũng là nơi dễ phát sinh nguy cơ mất an toàn thực phẩm nếu người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm, tuân thủ đúng quy định.

Vì sao an toàn thực phẩm lại cần được đặc biệt quan tâm?

Những bữa ăn hàng ngày tại các bếp ăn tập thể của công nhân, học sinh, nhà trẻ, bệnh viện, hay các quán ăn, hàng rong, chợ dân sinh… đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu người sản xuất, kinh doanh thực phẩm không tuân thủ các quy định vệ sinh, hoặc vì lợi nhuận mà coi nhẹ trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp.

Hậu quả của thực phẩm bẩn là rất nghiêm trọng: ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm, nguy cơ nhiễm hóa chất độc hại, ảnh hưởng lâu dài đến gan, thận, tim mạch, ung thư, sức khỏe sinh sản… và sức khỏe của cả cộng đồng.

Người tiêu dùng thông minh cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?

  • Lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc, sạch sẽ, đảm bảo an toàn.

  • Ưu tiên mua hàng tại những địa chỉ uy tín, đã được kiểm định chất lượng.

  • Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu, mốc hỏng hoặc không rõ hạn sử dụng.

  • Rửa tay sạch sẽ trước khi chế biến và trước khi ăn uống.

  • Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo quản thực phẩm đúng cách.

  • Từ chối sử dụng thực phẩm bẩn, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn.

Trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm

  • Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.

  • Đảm bảo vệ sinh an toàn trong toàn bộ quá trình chế biến, bảo quản và kinh doanh thực phẩm.

  • Trung thực về nguồn gốc, thành phần sản phẩm.

  • Bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng chính là bảo vệ uy tín, thương hiệu và sự phát triển lâu dài của chính mình.

Khuyến cáo từ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn

Mỗi người dân chính là người bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho bản thân và gia đình khi chủ động:

  • Lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn.

  • Phát hiện và phản ánh ngay các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.

  • Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong mọi khâu: từ chọn nguyên liệu – chế biến – ăn uống – đến bảo quản thực phẩm.

Đường dây nóng tiếp nhận phản ánh vi phạm an toàn thực phẩm:
Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn – Điện thoại: 032.633.8335 (trong giờ hành chính)

Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn kêu gọi mỗi tổ chức, mỗi hộ gia đình và từng người dân hãy cùng nhau chung tay xây dựng môi trường thực phẩm an toàn – văn minh – lành mạnh. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi chính đáng của mỗi người, vì một cộng đồng khỏe mạnh, vì tương lai phát triển bền vững.

———————————————-

Phòng Dân số – Truyền thông & Giáo dục sức khoẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *