Thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm là giai đoạn cao điểm của bệnh tay chân miệng tại Việt Nam. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.
Đến nay, một số địa phương có ca mắc cao như TP.HCM, tính đến tuần 16 năm 2025, đã ghi nhận 3.721 trường hợp mắc tay chân miệng. Nếu như trong tuần 15, thành phố ghi nhận 476 ca mắc thì sang tuần 16, con số này đã tăng lên 544 ca. Tính đến ngày 21/04, Hà Nội đã ghi nhận 1.876 trường hợp tại 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó có 1 ca tử vong.
Tại Quảng Ninh, tính đến cuối tháng 4/2025, toàn tỉnh ghi nhận 83 trường hợp mắc tay chân miệng tại 9/13 địa phương, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2024. Các trường hợp mắc lẻ tẻ, phân độ 1 và 2a, chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Những điều cần lưu ý về bệnh tay chân miệng
-
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi.
-
Bệnh lây qua đường tiêu hóa và hô hấp, thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, họng, nước bọt, phân hoặc dịch từ mụn nước của người bệnh; tiếp xúc qua tay, đồ chơi, vật dụng cá nhân nhiễm virus, đặc biệt trong môi trường tập thể như nhà trẻ, trường học, khu vui chơi.
Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng
-
Sốt nhẹ hoặc cao.
-
Đau họng, loét miệng.
-
Phát ban dạng mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông.
-
Trẻ quấy khóc, biếng ăn, mệt mỏi.
Bệnh tay chân miệng nguy hiểm như thế nào?
-
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng đều nhẹ, có thể tự khỏi sau 7 – 10 ngày. Tỷ lệ tử vong tuy không cao nhưng diễn biến bệnh có thể rất nhanh chóng và khó lường, nhất là ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, cơ địa yếu hoặc được phát hiện, điều trị muộn.
-
Trong một số trường hợp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây những biến chứng nguy hiểm như:
-
Viêm màng não: Gây sốt cao, co giật, nôn ói, rối loạn tri giác.
-
Viêm não, viêm thân não: Dễ dẫn đến hôn mê, bại liệt, thậm chí tử vong.
-
Viêm cơ tim, phù phổi cấp: Tiến triển nhanh và đe dọa tính mạng nếu không xử lý kịp thời.
-
Mất nước, suy kiệt: Do loét miệng khiến trẻ bỏ ăn, bỏ bú.
-
Vì sao mùa hè và kỳ nghỉ lễ là thời điểm nguy hiểm dễ mắc bệnh tay chân miệng?
Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Quảng Ninh cho biết, mùa hè là thời điểm nguy hiểm dễ mắc bệnh tay chân miệng bởi: thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho virus phát triển mạnh; hoạt động du lịch, tụ tập đông người tăng nguy cơ lây nhiễm chéo; trẻ em nghỉ học thường được đưa đến các khu vui chơi, nơi công cộng, dễ tiếp xúc với nguồn bệnh.
Đặc biệt, tay chân miệng thường có hai đỉnh dịch trong năm, vào tháng 3-5 và tháng 9-10. Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo các bậc phụ huynh cần lưu ý một số biện pháp giúp phòng bệnh tay chân miệng như sau:
-
Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ. Mang theo xà phòng, dung dịch rửa tay nhanh, khăn giấy ướt khi đi du lịch.
-
Vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống sôi; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay hoặc ngậm đồ chơi.
-
Vệ sinh môi trường: Làm sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn. Đặc biệt xử lý các chất thải của trẻ hợp vệ sinh.
-
Hạn chế tiếp xúc: Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
-
Giám sát sức khỏe trẻ: Theo dõi nhiệt độ, biểu hiện ăn uống, các biểu hiện trên da của trẻ.
-
Theo dõi sức khỏe: Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao, quấy khóc, loét miệng, nổi mụn nước, cần đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng bệnh. Do đó, việc nâng cao ý thức phòng ngừa và phát hiện sớm triệu chứng là yếu tố then chốt để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trong mùa hè và kỳ nghỉ lễ sắp tới.
Một số bài viết khác:
Ứng dụng công nghệ trong Ngành Y tế Quảng Ninh – Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hướng tới Đại Hội
Đảng bộ Sở Y tế Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020–2025: Kiến tạo hệ thống y tế hiện đại, nhân văn, hội nhập
ỨNG DỤNG DAO SIÊU ÂM TRONG PHẪU THUẬT – NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐIỀU TRỊ CHO BỆNH NHÂN
HƯỞNG ỨNG NGÀY HEN TOÀN CẦU NĂM 2025
Ngành Y tế Quảng Ninh – Dấu ấn nhiệm kỳ 2020–2025: Thành tựu và định hướng phát triển
Đại hội Đảng bộ Sở Y tế Quảng Ninh lần thứ XXIII: Bước tiến mới vì sức khỏe nhân dân