CẢNH BÁO: SỐT XUẤT HUYẾT – ĐỪNG ĐỂ “CHUYỆN MUỖI” TRỞ THÀNH VẤN ĐỀ LỚN

Cứ 12 phút, thế giới lại có một người tử vong vì sốt xuất huyết Dengue. Theo báo cáo từ Bộ Y tế, từ ngày 14/12/2024 đến ngày 17/02/2025, Việt Nam đã ghi nhận 16.607 ca, trong đó có một ca tử vong do sốt xuất huyết Dengue.

Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) đánh giá sốt xuất huyết Dengue là một trong các thách thức lớn đối với ngành y tế Việt Nam năm 2025.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, lây truyền chủ yếu qua vết đốt của muỗi vằn Aedes aegypti. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm và thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Đặc biệt, một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần trong đời; nếu tái nhiễm lần hai, nguy cơ diễn biến nặng sẽ cao hơn so với lần đầu. ​

Cơ chế lây truyền của muỗi Aedes aegypti:

Khi muỗi cái hút máu người bệnh nhiễm virus Dengue, virus sẽ ở trong cơ thể muỗi và ủ bệnh từ 3-7 ngày. Sau thời gian này, muỗi có thể truyền virus sang người lành qua vết đốt. Muỗi Aedes aegypti thường đậu trên quần áo treo, mùng màn hơn là trên tường nhà, do đó việc phun hóa chất tồn lưu ít hiệu quả với loại muỗi này. ​

Chu trình phát triển của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết:

Trứng muỗi: Muỗi Aedes aegypti ưa đẻ trứng ở những nơi nước trong và sạch. Trứng muỗi bám vào thành vật dụng chứa nước và có thể tồn tại trong điều kiện khô hạn tới 6 tháng. Khi gặp nước, trứng sẽ nở thành bọ gậy.​

Bọ gậy (lăng quăng): Sau 3 ngày, trứng nở thành bọ gậy.​

Loăng quăng: Khoảng 7 ngày sau, bọ gậy phát triển thành loăng quăng.​

Muỗi trưởng thành: Sau 3-4 ngày, loăng quăng phát triển thành muỗi trưởng thành. ​

Biện pháp phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả:

Diệt muỗi trưởng thành: Sử dụng hóa chất phun sương để tiêu diệt muỗi trưởng thành đang có nguy cơ gây dịch. Tuy nhiên, hiệu quả của biện pháp này chỉ mang tính nhất thời.​

Loại trừ nơi sinh sản của muỗi: Không để nước đọng trong và xung quanh nhà; đậy kín hoặc lật úp các dụng cụ chứa nước như chum, vại; dọn dẹp các vật có thể đọng nước mưa như vỏ dừa, mảnh bát, chai lọ vỡ, lốp xe…​

Thau rửa dụng cụ chứa nước: Trước khi lật úp chum vại hoặc các vật dụng chứa nước, nên thau rửa thành dụng cụ để diệt trứng muỗi. Với bể chứa nước lớn dùng để ăn uống, sinh hoạt không thể thau rửa, có thể thả cá để diệt bọ gậy, loăng quăng.​

Vệ sinh môi trường: Dọn dẹp các vật dụng có thể chứa nước như lọ hoa, bát nước cúng ngoài trời, nơi muỗi thường đẻ trứng.​

Phòng chống muỗi đốt: Sử dụng màn khi ngủ, mặc quần áo dài tay, sử dụng kem chống muỗi và các biện pháp bảo vệ cá nhân khác.​

Lưu ý đặc biệt:

Mặc dù ở nhà cao tầng hoặc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết vẫn có thể xâm nhập và trú ngụ trong nhà. Muỗi Aedes aegypti thường đốt người vào chiều tà hoặc sáng sớm và đốt rất êm nên khó phát hiện. Do đó, việc phòng chống sốt xuất huyết cần có sự tham gia của tất cả mọi người, mọi gia đình trong cộng đồng, không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành y tế. ​

Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn kêu gọi toàn thể người dân nâng cao ý thức phòng chống sốt xuất huyết bằng cách thực hiện nghiêm túc các biện pháp trên. Hãy cùng chung tay để “chuyện muỗi” không trở thành vấn đề lớn, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

———————————-
Phòng Dân số – Truyền thông & Giáo dục sức khỏe

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *