Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất – Cẩn trọng với những triệu chứng không ngờ

Không có yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tăng huyết áp hay tiểu đường, không có tiền sử bệnh lý tim mạch vẫn có thể mắc bệnh cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất. Đó là trường hợp của bệnh nhân P.T.N (66 tuổi) tại Quan Lạn – Vân Đồn, đã phải cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn ngày 22/3.

Bệnh nhân P.T.N tiền sử không có bệnh lý tim mạch trước đây. Trước khi được đưa vào cấp cứu tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quan Lạn khoảng 3 tiếng, bệnh nhân ở nhà đột ngột xuất hiện cơn hồi hộp trống ngực, cảm giác tim đập rất nhanh và mạnh như nhảy ra khỏi lồng ngực, kèm theo choáng váng đầu óc. Người nhà đã đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại Phòng khám Quan Lạn. Qua thăm khám và thực hiện điện tâm đồ, ghi nhận nhịp tim nhanh đều, phức bộ QRS hẹp, tần số lên tới 200 chu kỳ/phút. Bệnh nhân được chẩn đoán cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất. Sau khi xử trí bằng thuốc kiểm soát nhịp tĩnh mạch nhưng không hiệu quả, các bác sĩ đã hội chẩn cùng Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn và chuyển bệnh nhân lên tuyến trên ngay trong đêm.

Tại Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn, bệnh nhân trong tình trạng đau tức ngực trái, khó thở, lơ mơ, huyết áp thấp, nhịp tim vẫn ở mức 190 nhịp/phút. Nhận thấy tình trạng nguy cấp, các bác sĩ đã hội chẩn với chuyên gia tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh và tiến hành sốc điện chuyển nhịp cấp cứu. Sau sốc điện, nhịp tim trở về nhịp xoang 70–80 nhịp/phút, huyết áp ổn định 110/70 mmHg. Bệnh nhân tỉnh táo, đỡ đau ngực, không còn khó thở và được chuyển lên tuyến trên tiếp tục điều trị.

Theo BSCKI Nguyễn Khắc Mạnh – Trưởng khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức cấp cứu và chống độc, “Cấp cứu tim mạch là những tình huống khẩn cấp, có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời và đúng hướng. Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất là một trong những tình huống như vậy.”

Nhịp nhanh kịch phát trên thất là một dạng rối loạn nhịp tim nhanh, xuất hiện và kết thúc rất đột ngột. Một số cơn có thể kéo dài hàng giờ nếu không được điều trị, nguy hiểm đến tính mạng.

Triệu chứng phổ biến gồm:

  • Hồi hộp, đánh trống ngực, cảm giác lo lắng

  • Đau ngực, khó thở, choáng váng, thậm chí ngất xỉu

  • Cảm giác tim đập dồn dập ở ngực hoặc mạch đập ở thái dương

  • Tim đập nhanh vài phút hoặc vài giờ rồi đột ngột trở lại bình thường

  • Có thể tự bắt mạch thấy nhịp tim cao hoặc phát hiện qua đo huyết áp

Nhịp nhanh kịch phát trên thất có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả người không có tiền sử bệnh tim. Bệnh không thể tự khỏi và cần có sự can thiệp y tế chuyên môn. Vì vậy, phát hiện và điều trị kịp thời là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất.

Một số khuyến nghị giúp giảm thiểu và hạn chế cơn xảy ra:

  • Duy trì lối sống lành mạnh, không sử dụng chất kích thích

  • Kiểm soát tốt cân nặng, huyết áp, mỡ máu

  • Chế độ ăn uống hợp lý

  • Tập thể dục đều đặn

  • Hạn chế căng thẳng, stress kéo dài

Nhịp nhanh kịch phát trên thất là một bệnh lý tim mạch phức tạp cần được theo dõi chặt chẽ. Việc hiểu đúng về bệnh sẽ giúp người dân chủ động phòng ngừa, các bác sĩ tuyến cơ sở có thể kịp thời xử trí hoặc chuyển tuyến đúng thời điểm, từ đó góp phần bảo vệ tính mạng và sức khỏe cho bệnh nhân. Trường hợp của bệnh nhân P.T.N cũng là một minh chứng rõ ràng cho sự phối hợp hiệu quả giữa các tuyến trong hệ thống y tế, đặc biệt là vai trò xử trí cấp cứu ban đầu và hỗ trợ chuyên môn của Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn.

—————————————–

Phòng Dân số – TT&GDSK

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *