Đằng sau “nỗi sợ đấu thầu’

Đằng sau vấn đề thiếu thuốc, thiếu thiết bị vật tư y tế tại các bệnh viện là câu chuyện về trách nhiệm, là nỗi lo ‘vượt rào’, vi phạm, khiến không ít cán bộ ngành y chấp nhận chọn giải pháp an toàn…

Suốt hơn nửa năm qua, hàng loạt bệnh viện kêu trời vì thiếu thuốc, thiếu thiết bị vật tư y tế, sinh phẩm phục vụ công tác khám chữa bệnh. Rất nhiều cuộc làm việc, nhiều chỉ đạo được đưa ra, yêu cầu phải tập trung xử lý vướng mắc, không để bệnh viện thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị vật tư y tế, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh. 

Đã có rất nhiều cuộc họp bàn tìm cách tháo gỡ những nút thắt đang “trói chân trói tay” bệnh viện trong mua sắm, đấu thầu. Vậy nhưng, trong hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng mới đây về công tác y tế, câu chuyện dao mổ rạch 3 lần mới qua da bệnh nhân vẫn gây chú ý, phản chiếu một thực tế là: Rốt cuộc chưa có cải thiện bao nhiêu; nỗi sợ hãi vẫn còn bấy nhiêu; và các thầy thuốc dường như vẫn cô độc. Không thay đổi mấy, nghĩa là suốt nhiều tháng qua, nỗi sợ đấu thầu lơ lửng trên đầu bác sĩ, gián tiếp ảnh hưởng tới chất lượng khám chữa bệnh.

Vướng ở đâu tháo ở đó nhưng vướng ở gốc thì sẽ tạo bế tắc. Vậy cái gốc ấy thế nào? Đằng sau “nỗi sợ đấu thầu” là gì?

Hồi tháng 7, TS. Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy từng gửi tới Bộ Y tế 6 kiến nghị nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc mua thuốc và vật tư y tế, trong bối cảnh thuốc, hóa chất nơi này chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu điều trị. 6 kiến nghị này gần như “điểm huyệt” tất cả những cái vướng, cái mắc khiến bệnh viện khó khăn, người bệnh mất cơ hội được chăm sóc tốt nhất.

Hôm 21/8, tại cuộc làm việc của Thủ tướng, ông Thức tiếp tục khiến hội nghị ‘nóng’ lên với thông tin: “Đã có bác sĩ ngoại khoa đến gặp tôi bức xúc vì trước đây dùng dao mổ tốt không có vấn đề gì, nay mua dao mổ rẻ thì phải rạch 3 lần mới qua da người bệnh”.

“Dao mổ rẻ rạch 3 lần mới qua da” nghe qua tưởng như chuyện ‘nói đùa cho vui’, nhưng đó lại là sự thật được chính một lãnh đạo bệnh viện đầu ngành nêu ra trong cuộc họp đặc biệt quan trọng. Thông tin đó gây sốc, không chỉ với người dự họp, mà chắc chắn, gây sốc với tất cả người dân.

Lý do gì khiến nhiều bệnh viện rơi vào cảnh khó khăn đến thế? Theo bác sĩ Thức, đó chủ yếu là bởi vướng quy định về đấu thầu. Ngành y, với các chuyên khoa đặc biệt, cần những thiết bị y tế tốt, độ chính xác cao… nhưng theo quy định lại phải “mua với giá rẻ nhất”, hỏi làm sao có được “thiết bị tốt nhất”?

Quy trình đấu thầu hiện nay của các bệnh viện đều căn cứ vào số lượng tiêu thụ, danh mục thuốc hàng năm để lên kế hoạch mua sắm. Sau đó, mặt hàng giá rẻ nhất sẽ trúng thầu. Chính giá trúng thầu đó lại trở thành giá kế hoạch cho năm sau. Trong khi đó, nguyên lý của đấu thầu là giá trúng thầu không được cao hơn giá kế hoạch, dẫn đến một lúc nào đó những công ty thuốc chất lượng tốt, giá cao sẽ không thể tham gia cuộc đua.

Hay như quy định tại điều 11 thông tư 58 năm 2016 của Bộ Tài chính yêu cầu phải đủ 3 báo giá mới xây dựng kế hoạch mua sắm được. Tuy nhiên theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, có những mặt hàng độc quyền hoặc hãng chỉ có 1-2 đại diện ở 1 quốc gia, không đủ báo giá theo quy định, không thể nào mua sắm nổi.

Đành rằng, những vướng mắc trên đều là do quy định, nhưng quy định cũng là do con người đặt ra, nhìn thấy rõ những bất cập, vướng mắc, tại sao không thể ngay lập tức đưa ra một quy định mới bổ sung, sửa đổi quy định cũ, để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, bất cập kia?

Có lẽ vì mọi việc vẫn phải đúng trình tự, thủ tục, quy trình. Dù thực tiễn có đặt ra yêu cầu cấp thiết, thì quy định, quy trình, thủ tục vẫn là cái buộc phải tuân theo, nếu không muốn trở thành người vi phạm vì “vượt rào”, phá cách…

Cơ chế, chính sách, pháp luật đều do con người tạo lập ra, không thể quá lạc hậu, không thể quá cấp tiến, mà phải luôn song hành với nhu cầu từ thực tiễn.

Thực tế, thời gian qua, không ít cán bộ y tế đã vướng lao lý, cũng vì liên quan đến đấu thầu, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế. Ở đây, ta không thể kết luận ai vô tình làm không đúng, ai cố tình làm sai. Cái đó thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra, của viện kiểm sát và bản án do tòa tuyên. Có điều, khi chứng kiến nhiều cán bộ, lãnh đạo vướng lao lý vì vi phạm quy định về quản lý kinh tế tại bệnh viện, dù họ vô tình hay cố ý, thì cảm giác tiếc nuối, xót xa là không phải không có.

Nhìn vào những vướng mắc, những bất cập trong các quy định về đấu thầu đang được chỉ ra, rõ ràng khi xem xét các hành vi vi phạm của cán bộ, nhân viên y tế trong những vụ án liên quan, cần có cách tiếp cận khách quan, đặt trong bối cảnh cơ chế, chính sách pháp luật về đấu thầu vật tư, trang thiết bị y tế đang có nhiều vấn đề chưa được hoàn thiện.

Nhiều lãnh đạo bệnh viện từng chia sẻ rằng, hiện nay đa số các y, bác sĩ giỏi chuyên môn nhưng khá lúng túng trong công tác quản lý đầu tư công, nhất là khâu tổ chức mua sắm thuốc và trang thiết bị, vật tư y tế. Dù các bệnh viện đã được trao cơ chế tự chủ trong mua sắm thuốc và trang thiết bị, vật tư y tế nhưng cụ thể khi vào việc thì phần lớn nhân sự cũng “sợ” bị ép phải tham gia công tác này, bởi đa số thiếu kiến thức trong việc nắm bắt thông tin, vận hành cơ sở pháp lý trong đấu thầu, đâu là phạm vi được phép, đâu là ranh giới vi phạm pháp luật. Tâm lý “sợ sai, sợ vi phạm” vì ranh giới đúng – sai trong các quy định về đấu thầu khá mong manh, cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc đấu thầu tại bệnh viện chậm trễ.

Tại Hội nghị với ngành y hôm 21/8, chính Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra rằng, những khó khăn vướng mắc của ngành y tế hiện nay là vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, được phát hiện từ thực tiễn. Vậy trước yêu cầu của thực tiễn, các bộ ngành phải cùng nhau chung tay tháo gỡ vướng mắc đó. “Quy định do chúng ta đặt ra, vướng mắc ở đâu thì phải tháo gỡ ở đó. Các địa phương cũng phải chỉ ra các vướng mắc cơ chế khi thực hiện trong thực tiễn, thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải xử lý” – Thủ tướng yêu cầu.

Việc quan trọng nhất lúc này hẳn nhiên là phải bắt tay vào sửa đổi bổ sung gấp quy định về đấu thầu. Nhiều người đặt câu hỏi, rằng tại sao các bộ ngành không linh hoạt hơn, dùng nghị định mới để thay thế hoặc bổ sung cho những nghị định cũ? Điều này có gì khó khăn không khi chính Thủ tướng là người đã nhiều lần gợi mở và yêu cầu như thế?

Để giải quyết triệt để những bất cập, vướng mắc có lẽ vẫn phải chờ đợi thêm, khi dự thảo Luật Đấu thầu (trong đó có một chương riêng về đấu thầu thuốc) sẽ được trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 diễn ra vào tháng 10 tới. Tuy nhiên, chờ đợi sửa đổi luật, chờ khi luật được thông qua và đi vào thực tiễn là cả một quá trình, trong khi thực tiễn đòi hỏi phải giải quyết ngay những bất cập, khó khăn, vướng mắc để giúp các bệnh viện yên tâm thực hiện công tác đấu thầu, đúng luật…

Có lẽ, trong khi chờ Luật ban hành chính thức, các bộ ngành chức năng phải cùng linh hoạt, dùng nghị định mới để sửa đổi, thay thế nghị định cũ. Việc này có thể làm ngay, làm sớm, đáp ứng đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, vì sức khỏe của chính người dân.

Đó cũng là làm đúng chỉ đạo của Thủ tướng, hợp lòng dân, không ngại!

Nguồn: SKĐS

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *