Theo thông tin từ Bộ Y tế, thời gian tới Việt Nam sẽ triển khai thí điểm giấy chứng nhận điện tử tiêm vắc xin COVID – 19 và triển khai hệ thống thông tin cấp chứng nhận tiêm chủng COVID-19 trên toàn quốc.
Chiều 22/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Triển khai giấy chứng nhận tiêm vắc xin COVID-19” với 63 tỉnh thành trên cả nước. Đây là hoạt động trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Y tế và Tổ chức PATH với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh trong việc triển khai hệ thống thông tin cấp chứng nhận tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án triển khai giấy chứng nhận điện tử tiêm vắc xin phòng COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: “Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy việc áp dụng công nghệ thông tin cho các hoạt động như thu thập dữ liệu để phòng chống dịch bệnh. Đây là một thời khắc quan trọng cho thấy rằng việc áp dụng các phương pháp tiếp cận sáng tạo trong bối cảnh hiện nay sẽ đẩy mạnh việc sử dụng các hệ thống số hóa và đáp ứng nhanh khi thế giới đang dần tiến tới trạng thái bình thường mới”.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là một trong 6 trong nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin cao nhất trên thế giới, với tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là gần 100%, 2 mũi là 99% và tỷ lệ người đã tiêm mũi 3 đạt 43,5 %. Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn phục hồi hoạt động kinh tế – xã hội. Kể từ cuối năm 2021, Việt Nam đã nỗ lực phát triển giấy chứng nhận tiêm vắc xin phòng COVID-19 điện tử để chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế trở lại. Ngày 20/12/2021, Bộ Y tế đã ban hành biểu mẫu và quy trình cấp giấy chứng nhận tiêm chủng điện tử (hộ chiếu vắc xin) theo Quyết định số 5772/QĐ-BYT để tiến hành việc cấp và theo dõi số lượng giấy xác nhận tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân bằng chữ ký số; triển khai việc xác nhận tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho đối tượng tham gia tiêm chủng, đảm bảo cho mỗi người dân đã tiêm chủng có giấy chứng nhận điện tử tiêm vắc xin COVID-19 với đầy đủ các thông tin phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho người dân khi nhập cảnh ra nước ngoài.
Theo đó, Chứng nhận tiêm chủng điện tử sẽ hiển thị các thông tin cá nhân và thông tin tiêm chủng của người sử dụng thông qua mã QR code. Có 11 trường thông tin hiển thị gồm: Họ và tên; Ngày tháng năm sinh; Quốc tịch; Bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; Số mũi tiêm đã nhận; Ngày tiêm; Liều số; vắc xin; Sản phẩm vắc xin, Sản phẩm vắc xin; Nhà cung cấp hoặc sản xuất vắc xin; Mã số của chứng nhận. Các thông tin trên sẽ được ký số, mã hóa và được đóng gói dưới dạng QR định dạng 2D. Quy trình cấp Hộ chiếu vắc xin gồm 3 bước; hạn sử dụng là 12 tháng.
Tuần qua, Bộ Y tế đã thí điểm triển khai giấy chứng nhận tiêm chủng điện tử tại 3 cơ sở y tế là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K và Bệnh viện E. Kết quả cho thấy hệ thống đã sẵn sàng, đáp ứng tốt việc triển khai cấp hộ chiếu vắc xin điện tử. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiến hành triển khai giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin COVID-19 điện tử rộng rãi trên toàn quốc.
Đặc biệt, trong khuôn khổ dự án hợp tác, Bộ Y tế đã phối hợp với tổ chức PATH, có sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh để liên kết dữ liệu tiêm chủng quốc gia theo chuẩn do Tổ chức Y tế Thế giới, Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của người dân ở trong và ngoài nước.
Hiện nay, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, biểu mẫu hộ chiếu vắc xin của Việt Nam đã được công nhận song phương với 17 quốc gia. Theo Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu Y tế, Cục Công nghệ thông tin, hộ chiếu vắc xin điện tử có ý nghĩa tương đương hộ chiếu vắc xin giấy. Ngoài ra, với tính năng ưu việt hộ chiếu vắc xin điện tử còn giúp người dân thuận lợi hơn trong việc đi lại và giao thương quốc tế.
Tại Quảng Ninh, tỉnh nằm trong top các tỉnh thành có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 cao trên toàn quốc, với tỷ lệ bao phủ mũi 3 đạt 94%. Trong năm qua, tỉnh đã xây dựng và triển khai nền tảng tiêm chủng để quản lý công khai, minh bạch dữ liệu tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên hệ thống phần mềm. Hệ thống dữ liệu tiêm chủng trên toàn tỉnh được xây dựng, liên kết đồng bộ với hệ thống quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị quản lý, cơ sở tiêm chủng tổng hợp, báo cáo kết quả, quản lý đối tượng, xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm chủng, cũng như phục vụ nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, Quảng Ninh đã phối hợp Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Quốc gia đồng bộ dữ liệu tiêm chủng COVID -19 từ hệ thống lên các ứng dụng hỗ trợ phòng chống dịch như Bluezone trước đây và sau này là PC COVID. Nhờ đó, các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng tra cứu, cập nhật thông tin đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên điện thoại thông minh. Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh và những nền tảng về công nghệ thông tin, Quảng Ninh luôn sẵn sàng để triển khai giấy chứng nhận điện tử tiêm vắc xin và hệ thống thông tin cấp chứng nhận tiêm chủng vắc xin COVID-19.
Nguồn: CDC Quảng Ninh
Một số bài viết khác:
Ngày An Toàn Người Bệnh Thế Giới – 17/9 Chủ đề: Cải Thiện Chẩn Đoán – Vì Sự An Toàn Của Người Bệnh
Ngày Sơ Cấp Cứu Thế Giới – 14/9 với Chủ đề: Sơ Cấp Cứu và Thể Thao – Bảo Vệ Sức Khỏe và An Toàn Cộng Đồng
Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn mang niềm vui Trung Thu đến các bệnh nhi năm 2024
Phình động mạch chủ bóc tách
Tật thừa Răng
Viêm gan B “kẻ giết người” thầm lặng