HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG BỆNH LAO 24/3/2025

Ngày 24/3 hằng năm được chọn là Ngày Thế giới Phòng chống Lao nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh lao và tăng cường các nỗ lực trong việc chấm dứt căn bệnh nguy hiểm này trên toàn cầu.

Chủ đề Ngày Thế giới Phòng chống Lao năm 2025 tại Việt Nam:
“Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao”

Hưởng ứng sự kiện này, Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn kêu gọi cộng đồng nâng cao hiểu biết về bệnh lao, chủ động phát hiện sớm, điều trị đúng và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Địa điểm: Phòng khám Chất lượng cao – Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn
Liên hệ đặt lịch khám: 032.633.8335 (trong giờ hành chính)

BỆNH LAO LÀ GÌ? CƠ CHẾ LÂY NHIỄM

Bệnh lao do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó lao phổi chiếm 80–85% và là nguồn lây nhiễm chính.

Vi khuẩn lao lây qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, khạc nhổ hoặc nói chuyện, khiến vi khuẩn phát tán trong không khí. Ví dụ:

  • Nói chuyện có thể phát tán khoảng 200 vi khuẩn

  • Ho phát tán khoảng 3.500 vi khuẩn

  • Hắt hơi phát tán từ 4.500 đến 1.000.000 vi khuẩn

Bệnh lao không lây qua:

  • Di truyền

  • Bắt tay, ôm, tiếp xúc thông thường

  • Dùng chung bát đũa, quần áo

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT BỆNH LAO

Nếu có các triệu chứng sau kéo dài hơn 2 tuần, bạn cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra:

  • Ho kéo dài (ho khan, ho có đờm, ho ra máu)

  • Sốt nhẹ vào chiều tối

  • Gầy sút, chán ăn, mệt mỏi

  • Ra mồ hôi trộm về đêm

  • Đau ngực, khó thở

NHỮNG AI CÓ NGUY CƠ CAO MẮC BỆNH LAO

Một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lao bao gồm:

  • Người tiếp xúc gần với bệnh nhân lao phổi (người thân, đồng nghiệp, nhân viên y tế…)

  • Người mắc bệnh mạn tính: đái tháo đường, COPD, hen suyễn, suy thận mạn…

  • Người suy giảm miễn dịch: bệnh nhân HIV/AIDS, ung thư, người sử dụng corticoid kéo dài

  • Người cao tuổi, người nghiện rượu, hút thuốc lá, thuốc lào

  • Người từng mắc lao hoặc đã điều trị lao trước đây

Nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ cao, hãy chủ động tầm soát lao sớm tại Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn.
Liên hệ đặt lịch khám: 032.633.8335 (trong giờ hành chính)

CÁCH PHÁT HIỆN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH LAO

Khi có triệu chứng nghi ngờ hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao, bạn nên đến Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn để được khám sàng lọc. Các phương pháp kiểm tra bao gồm:

  • Chụp X-quang phổi

  • Xét nghiệm đờm tìm vi khuẩn lao

Bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được điều trị đúng phác đồ. Người bệnh cần:

  • Uống thuốc đúng liều, đúng giờ, đủ thời gian

  • Không tự ý ngưng thuốc hay đổi thuốc

  • Thông báo ngay cho bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường (buồn nôn, vàng da, chóng mặt…)

  • Tái khám đúng lịch hẹn và làm đầy đủ các xét nghiệm

  • Thực hiện vệ sinh ho, khạc đúng cách để hạn chế lây nhiễm

  • Duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất, vận động thể dục phù hợp, không hút thuốc lá và uống rượu bia

Người mắc lao không cần cách ly tuyệt đối. Chỉ cần đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc trong tháng đầu điều trị là có thể sinh hoạt bình thường trong cộng đồng.

THÔNG ĐIỆP PHÒNG CHỐNG BỆNH LAO

Để bảo vệ bản thân và những người xung quanh, mỗi người hãy:

  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng

  • Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người nghi mắc lao

  • Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng

  • Tiêm vắc-xin BCG phòng lao cho trẻ sơ sinh đầy đủ, đúng lịch

Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn kêu gọi toàn thể người dân cùng chung tay nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm bệnh lao – vì một Việt Nam không còn bệnh lao.

Địa điểm: Phòng khám Chất lượng cao – Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn
Liên hệ đặt lịch khám: 032.633.8335 (trong giờ hành chính)

———————————-

Phòng Dân số – Truyền thông và Giáo dục sức khỏe

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *