Liệt dây thần kinh số VII (Liệt Bell) thuộc chứng trúng phong kinh lạc trong Y học cổ truyền, còn gọi là “Khẩu nhãn oa tà”. Đây là một bệnh lý thần kinh ngoại biên phổ biến, đặc biệt thường gặp trong mùa lạnh.
Trong hai tháng vừa qua, Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng – Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đã tiếp nhận hơn 50 ca bệnh bị liệt dây thần kinh số VII do lạnh, nhiễm trùng hoặc chấn thương và đã điều trị hiệu quả.
Theo bác sĩ Đoàn Thị Phượng – Trưởng Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, chỉ trong chưa đầy 2 tuần từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 vừa qua, khoa đã tiếp nhận 6 trường hợp bị liệt VII ngoại biên do nhiễm lạnh. Các bệnh nhân nhập viện với triệu chứng: mắt không nhắm kín, miệng lệch, gặp khó khăn trong ăn nhai, uống nước và giao tiếp.
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ
Tại Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn, bệnh nhân được điều trị bằng phối hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại với các phương pháp như:
- Điện châm
- Thủy châm
- Cứu ngải
- Xoa bóp bấm huyệt
- Đắp paraffin
- Chiếu đèn hồng ngoại
Sau khoảng 5 ngày, bệnh nhân có dấu hiệu hồi phục rõ rệt. Từ 10 ngày đến 2 tuần, hơn 90% bệnh nhân phục hồi hoàn toàn, gương mặt trở lại trạng thái bình thường, lấy lại khả năng giao tiếp và ăn nhai.
Trường hợp điển hình
Ông Ngô Công Hùng (56 tuổi) tại Cửa Ông – Cẩm Phả nhập viện trong tình trạng mắt không nhắm kín, miệng bị lệch. Sau khi được chẩn đoán liệt dây thần kinh số VII, ông đã rất lo lắng vì tình trạng này ảnh hưởng đến khuôn mặt và sinh hoạt hàng ngày. Sau 2 tuần điều trị tại Khoa Y học cổ truyền với các phương pháp ít đau đớn và chi phí hợp lý, ông đã hồi phục hoàn toàn, trở lại cuộc sống bình thường.
DẤU HIỆU CẢNH BÁO LIỆT DÂY THẦN KINH VII
Nếu xuất hiện một trong các biểu hiện dưới đây, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và điều trị kịp thời:
- Tê bì nửa mặt
- Mờ nếp nhăn trán, mất rãnh mũi má
- Lệch nhân trung, méo miệng
- Mắt bên liệt nhắm không kín
- Nói khó, ăn uống rơi vãi một bên mép miệng
- Không huýt sáo, thổi lửa được
Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể gặp các biểu hiện thần kinh thực vật đi kèm như:
- Chảy nước mắt, khô mắt
- Giảm vị giác, giảm tiết nước bọt
- Cảm giác đau sau tai
Một số bài viết khác:
Sởi có thể mắc lại nhiều lần: Đừng chủ quan dù đã từng nhiễm bệnh!
Bộ Y tế thông tin về bệnh hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại Nga
Bộ Y tế đề xuất cho người dưới 18 tuổi được hiến tạng
Bộ trưởng Y tế: Tốc độ già hóa dân số Việt Nam thuộc nhóm nhanh nhất châu Á
THÔNG BÁO LỊCH NGHỈ LỄ GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG
TẬP HUẤN NÂNG CAO NĂNG LỰC CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ BỆNH NHÂN TĂNG HUYẾT ÁP