NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ TỰ KỶ – LAN TỎA YÊU THƯƠNG VÀ THẤU HIỂU

Ngày 02/04 hàng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Thế giới Nhận thức về Tự kỷ với mục đích kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về rối loạn này, giúp trẻ tự kỷ sớm được phát hiện, điều trị, được yêu thương nhiều hơn và dễ dàng hòa nhập cuộc sống hơn.

Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển thần kinh ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, tương tác xã hội và hành vi của trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Những người mắc chứng tự kỷ có thể gặp khó khăn trong việc biểu đạt cảm xúc, thích nghi với môi trường xung quanh và có những sở thích, hành vi lặp đi lặp lại. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính trên thế giới cứ 100 trẻ em thì có 1 trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ.

Hiện nay, không có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn chứng tự kỷ, nhưng việc can thiệp sớm và áp dụng các phương pháp phù hợp có thể giúp trẻ cải thiện kỹ năng giao tiếp, hòa nhập và phát triển tốt hơn. Một số phương pháp phổ biến gồm:

  1. Liệu pháp hành vi (ABA – Applied Behavior Analysis): Giúp cải thiện kỹ năng xã hội, giao tiếp và hành vi thông qua các bài tập hệ thống, hỗ trợ trẻ thích nghi với môi trường.

  2. Liệu pháp ngôn ngữ và giao tiếp: Giúp trẻ cải thiện khả năng nói, hiểu ngôn ngữ và diễn đạt cảm xúc.

  3. Liệu pháp hoạt động (Occupational Therapy): Hỗ trợ kỹ năng vận động, tự chăm sóc bản thân và thích nghi với sinh hoạt hàng ngày.

  4. Giáo dục đặc biệt: Chương trình học cá nhân hóa, phù hợp với năng lực của từng trẻ, hỗ trợ phát triển kỹ năng học tập và xã hội.

  5. Liệu pháp tâm lý: Giúp trẻ kiểm soát cảm xúc, giảm lo âu, căng thẳng.

  6. Hỗ trợ từ gia đình: Gia đình đóng vai trò quan trọng trong điều trị, giúp trẻ cảm thấy an toàn, được yêu thương và phát triển toàn diện.

Tại lớp Tâm bệnh – Khoa Nhi – Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn hiện đang tiếp nhận can thiệp cho gần 15 trẻ có vấn đề về rối loạn phát triển. Với những phương pháp giáo dục đặc biệt, các bác sĩ tại Trung tâm đang nỗ lực từng ngày để giúp trẻ tăng khả năng vận động, giao tiếp, phát triển kỹ năng xã hội, từ đó giúp các em có cơ hội trải nghiệm, học hỏi và hòa nhập tốt hơn với cuộc sống hàng ngày.

Tự kỷ là một hội chứng, không phải là bệnh. Để trẻ mắc chứng tự kỷ có thể hòa nhập cộng đồng, ngoài các phương pháp chuyên môn từ bác sĩ và chuyên gia, sự quan tâm của gia đình, tình yêu thương từ cha mẹ và sự thấu hiểu từ cộng đồng chính là chìa khóa quan trọng để nâng cao hiệu quả điều trị và giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.

—————————————

Phòng Dân số – Truyền thông và Giáo dục sức khỏe

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *