Nguyên Tắc Kiểm Soát Đường Huyết Ở Bệnh Nhân Đái Tháo Đường

Đái tháo đường (tiểu đường) là một bệnh lý tiến triển âm thầm, ít triệu chứng nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được kiểm soát và điều trị tốt. Ngoài việc tuân thủ sử dụng thuốc, kiểm soát chế độ ăn, theo dõi tái khám định kỳ và thực hiện các xét nghiệm thường xuyên là những điều cần thiết để giúp người bệnh kiểm soát đường huyết tốt hơn và phòng ngừa các biến chứng. Dưới đây là 5 nguyên tắc quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường:

  1. Kiểm soát theo dõi đường huyết

Người bệnh cần thường xuyên đo và ghi lại nhật ký kết quả đo đường huyết tại nhà. Các thời điểm đo bao gồm: đo đường huyết lúc đói (trước khi ăn sáng, ăn trưa hoặc ăn chiều), đo đường huyết sau ăn (cách 2 giờ sau khi ăn sáng, ăn trưa hoặc ăn chiều), trước khi ngủ, trước hoặc sau khi tập thể dục. Ngoài phương pháp sử dụng máy đo đường huyết thông thường, các thiết bị theo dõi đường huyết liên tục hiện nay cũng hỗ trợ hiệu quả cho người bệnh, giúp bác sĩ đưa ra các tư vấn cần thiết và điều chỉnh chế độ điều trị kịp thời.

  1. Cần có chế độ ăn hợp lý

Chế độ ăn hợp lý là nền tảng trong điều trị đái tháo đường. Một chế độ dinh dưỡng khoa học giúp kiểm soát tốt đường huyết, cân nặng và giảm thiểu các biến chứng.

  • Hạn chế tinh bột: Carbohydrate (tinh bột) là nguồn năng lượng chính, nhưng cần kiểm soát lượng tiêu thụ. Nên ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và trái cây để cung cấp năng lượng ổn định.
  • Chất béo: Lựa chọn thực phẩm chứa chất béo không bão hòa như dầu ô liu, lạc, vừng, và tránh các chất béo bão hòa.
  • Hạn chế muối: Giảm lượng muối trong chế độ ăn để hạ huyết áp và bảo vệ thận. Người bệnh nên ăn không quá 1.500 mg muối mỗi ngày, tương đương với nửa muỗng cà phê.
  1. Giảm cân nếu cần thiết

Nếu bị thừa cân, giảm cân là cách hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả. Giảm cân giúp giảm lượng đường và mỡ trong máu và cải thiện huyết áp. Người bệnh cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt và cắt giảm thực phẩm giàu chất béo và năng lượng.

  1. Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Người bệnh cần thường xuyên đến gặp bác sĩ để thăm khám và có chế độ chăm sóc hợp lý. Đặc biệt, cần kiểm tra mắt, thần kinh, thận và các biến chứng khác. Gặp bác sĩ nha khoa hai lần mỗi năm để kiểm tra răng miệng và lưu ý về tình trạng bệnh tiểu đường khi khám. Người bệnh cần tự kiểm tra hoặc nhờ người thân kiểm tra bàn chân hàng ngày để phát hiện sớm các dấu hiệu nhiễm trùng.

  1. Tập luyện thể dục thường xuyên

Tập thể dục cùng với chế độ ăn hợp lý là nền tảng của mọi phác đồ điều trị bệnh tiểu đường. Người bệnh được khuyến khích vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày mỗi tuần. Nên uống đủ nước, ngủ đủ giấc, và tránh xa rượu, bia, thuốc lá, nước uống có gas và các chất kích thích có hại cho sức khỏe.

Việc tuân thủ các nguyên tắc này giúp người bệnh đái tháo đường kiểm soát tốt đường huyết và phòng ngừa biến chứng một cách hiệu quả.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *