Những lưu ý cần thiết để nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách

Sữa mẹ là món quà tuyệt vời mà tạo hóa đã ban tặng cho những người được làm mẹ. Sữa mẹ không chỉ đem tới cho trẻ nhiều dưỡng chất quý giá, mà còn giúp trẻ chống được các nguy cơ viêm nhiễm, bệnh tật. Bản thân người mẹ nuôi con bằng sữa mẹ cũng có nhiều lợi ích về mặt kinh tế, sức khỏe và tình cảm.

Để giúp các bà mẹ có thêm thông tin về nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách, Bác sĩ Nguyễn Thị Trang, Khoa Chăm sóc Sức khỏe bà mẹ, trẻ em, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh sẽ chia sẻ về vấn đề này.

PV: Xin chào bác sĩ, thưa bác sĩ như chúng ta đã biết sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu cho trẻ, vậy khi nào bà mẹ nên bắt đầu cho con bú và trẻ bú đến khi nào thì cai sữa?

Bác sĩ Nguyễn Thị Trang: Bà mẹ nên cho trẻ bú sớm trong vòng 01 giờ đầu sau khi sinh. Không nên cho trẻ uống các loại nước uống trước bữa bú đầu tiên như cam thảo, mật ong, nước đường hoặc sữa công thức để tránh ảnh hưởng đến việc tạo sữa sau này của bà mẹ. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không ăn, uống bất cứ thức ăn, nước uống nào khác kể cả nước trắng, trừ các trường hợp phải uống bổ sung các vitamin, khoáng chất hoặc thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Và cho trẻ bú kéo dài đến 24 tháng hoặc lâu hơn. Từ 6 tháng đến 24 tháng sữa mẹ vẫn là nguồn quan trọng cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Tuy nhiên sữa mẹ sẽ không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày tăng lên theo sự phát triển của trẻ, vì vậy cần cho trẻ bú kéo dài ít nhất đến 24 tháng hoặc lâu hơn cùng với chế độ ăn uống bổ sung hợp lý.

PV: Cho trẻ bú như thế nào là đúng cách thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Thị Trang: Để trẻ bú đúng cách trước hết chúng ta cần bế trẻ đúng cách, bà mẹ có thể bế trẻ theo nhiều tư thế thoải mái khác nhau tùy vào hoàn cảnh của bà mẹ và em bé. Đầu và thân trẻ nằm trên cùng một đường thẳng, toàn thân trẻ sát vào người mẹ, mặt trẻ quay vào vú mẹ, mũi trẻ đối diện với núm vú, đối với trẻ sơ sinh, bà mẹ không những đỡ đầu, vai trẻ mà còn phải đỡ mông trẻ. Bà mẹ cần đặt 4 ngón tay áp vào thành ngực ở dưới vú, ngón trỏ nâng vú, ngón tay cái để ở phía trên bầu vú, các ngón tay của bà mẹ không nên để quá gần núm vú không nên khum lại như chiếc gọng kìm để đỡ vú vì sẽ chặn dòng sữa chảy.

Việc trẻ ngậm bắt vú cũng hết sức quan trọng: bà mẹ nên để núm vú chạm vào môi trẻ, khi miệng trẻ mở rộng nhanh chóng đưa miệng trẻ vào vú sao cho môi dưới của trẻ hướng ra ngoài, quầng vú ở phía trên miệng trẻ còn nhiều hơn ở phía dưới. Bé bú chậm, sâu, có lúc ngừng nghỉ, má căng phồng khi bú, trẻ sẽ tự nhả vú khi bú no.

Các tư thế cho bé bú

PV: Chúng ta có thể nhận biết trẻ đang đói và trẻ đã bú no sữa như thế nào thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Thị Trang: Khi trẻ đói trẻ sẽ biểu hiện bằng sự quấy khóc, ngủ ít, bé chóp chép miệng, mút đầu ngón tay, rúc đầu và tìm bấu vú mẹ. Khi trẻ no sữa sẽ có biểu hiện khi bú sẽ nghe thấy tiếng nuốt chậm, sâu có khoảng nghỉ sau khi no bé sẽ tự nhả bầu vú mẹ và ngủ đẫy giấc trong vòng 2-3 giờ. Bé bú đủ thường vui vẻ sau mỗi lần được bú, làn da căng chắc khỏe, bé đi tiểu 6-8 lần/ngày không mùi có màu vàng nhạt. Bé tăng cân và phát triển về chiều dài và vòng đầu. Bầu vú mẹ không còn cảm giác căng đau đó là những biểu hiện cho thấy bé đã bú no.

PV: Với những bà mẹ có nhiều sữa trẻ không bú hết mà muốn tích trữ cho trẻ bú dần thì sẽ bảo quản sữa như thế nào để sữa không bị hỏng hay biến chất, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Thị Trang: Sau khi sữa mẹ được vắt ra phải được đựng trong các dụng cụ sạch. Ở nhiệt độ phòng (19-26°C) thời gian bảo quản tốt nhất 4 tiếng (có thể để từ 6-8 tiếng). Ở trong ngăn mát tủ lạnh (< 4°C) thời gian bảo quản tốt nhất 4 ngày (có thể để tới 8 ngày). Ở trong ngăn đá tủ lạnh từ (-18 đến -20°C). Tốt nhất 6 tháng (có thể lên tới 12 tháng). Ghi ngày giờ vào mỗi cữ sữa khi vắt ra để tiện theo dõi hạn sử dụng của sữa. Khi cho trẻ ăn đối với sữa đã bảo quản cần tiến hành ra đông sữa và làm nóng sữa bằng cách đưa sữa từ ngăn đông sang ngăn mát tủ lạnh sau đó để ở nhiệt độ thường cho tan hết đá, lắc đều sữa rồi làm nóng sữa bằng nước nóng khoảng 40°C, tránh đun sôi sữa.

Hướng dẫn bảo quản sữa mẹ
Một mẹ có thể nuôi được nhiều bé nhờ việc hiến tặng sữa (Ảnh nhân viên bảo quản sữa tại Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh)

PV: Các mẹ ít sữa quá mà nhu cầu của con thì nhiều hơn thì có thể trộn sữa mẹ với sữa công thức không? Hay là vừa cho trẻ bú mẹ, vừa uống sữa công thức được không, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Thị Trang: Trong những ngày đầu sau sinh vì lúc này dạ dày của bé rất nhỏ chỉ bằng quả nho, bé chỉ cần vài giọt sữa của mẹ cũng đã đủ cho bé. Sữa non của mẹ chưa có nhiều không đồng nghĩa là mẹ ít sữa không đủ sữa cho con. Bà mẹ nên kiên trì cho trẻ bú nhiều hơn để kích thích sữa về vì thế không nên trộn sữa mẹ và sữa công thức khi cho trẻ bú.

PV: Bác sĩ có lời khuyên gì để các bà mẹ tăng lượng sữa hơn cho con?

Bác sĩ Nguyễn Thị Trang: Để có nguồn sữa dồi dào cho con bú, trước hết bà mẹ phải tự tin mình có đủ sữa cho con, ăn đủ chất dinh dưỡng; uống nhiều nước; ngủ đủ giấc; tinh thần thoải mái; dành nhiều thời gian thư giãn; vui tươi, tránh lo lắng căng thẳng; để con gần mẹ suốt 24h trong ngày, cho trẻ bú thường xuyên, đúng cách theo nhu cầu của bé.

Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ thông tin!

Theo: Sức khỏe QN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *