PHÒNG CÚM KHI VÀO MÙA

Cúm mùa là nguyên nhân của từ 9,3 triệu đến 41 triệu ca bệnh, 100.000 đến 710.000 ca nhập viện và từ 4.900 đến 51.000 ca tử vong hằng năm (giai đoạn 2010–2023), theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC). Thông thường, bệnh diễn tiến nhẹ và hồi phục trong 5 đến 7 ngày. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có bệnh nền mạn tính hoặc suy giảm miễn dịch, cúm mùa có thể gây biến chứng nặng như viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, thậm chí dẫn đến tử vong.

Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính, do Influenza virus gây ra, thường lưu hành quanh năm tại Việt Nam nhưng tập trung nhiều vào mùa đông – xuân. Đỉnh điểm mùa cúm tại nước ta thường rơi vào khoảng tháng 3–4 và tháng 9–10 hàng năm.

Nguyên nhân gây bệnh cúm mùa
Virus cúm (Influenza) thuộc họ Orthomyxoviridae là tác nhân gây bệnh. Virus có sức đề kháng yếu, dễ bị tiêu diệt bởi tia UV, nhiệt độ 56°C, cồn hoặc chloramine. Tuy nhiên, virus vẫn có thể tồn tại hàng giờ ở môi trường ẩm, lạnh – thậm chí vài tuần ở nhiệt độ 0–4°C, vài năm nếu đông khô ở -20°C.

Bệnh lây qua giọt bắn khi ho, hắt hơi, nói chuyện, hay dùng chung đồ cá nhân với người nhiễm, thậm chí có thể lây ngay cả trước khi có triệu chứng 1 ngày.

Các chủng virus cúm thường gặp

  • Cúm A: Chiếm 75% ca bệnh. Bao gồm các chủng như H1N1, H3N2, H5N1, H7N9.

    • Cúm A (H1N1): Sốt, đau họng, sổ mũi, có thể kèm đau bụng, tiêu chảy. Có thể dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp.

    • Cúm A (H5N1): Sốt cao, đau nhức toàn thân, diễn tiến nhanh, nguy cơ tử vong nếu không điều trị kịp thời.

  • Cúm B: Gây bệnh ở người nhưng ít bùng phát thành đại dịch. Trẻ mắc cúm B có thể nôn, tiêu chảy, có nguy cơ đe dọa sức khỏe.

  • Cúm C: Ít gặp, triệu chứng nhẹ, không nguy hiểm.

  • Cúm D: Chưa ghi nhận ca mắc ở người, chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc.

Dấu hiệu nhận biết cúm mùa
Triệu chứng xuất hiện đột ngột sau 1–4 ngày nhiễm virus, bao gồm:

  • Sốt cao (>38°C), kéo dài 2–3 ngày

  • Đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn

  • Hắt hơi, chảy nước mũi, ho (khô hoặc có đờm), đau họng

  • Mất vị giác, khứu giác, khàn giọng

  • Trong trường hợp nặng: viêm phổi, suy hô hấp, nguy cơ tử vong

Chẩn đoán bệnh cúm mùa
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế (QĐ 5642/QĐ-BYT, 2015), chẩn đoán gồm:

  • Lâm sàng: Sốt, ho, đau họng, khó thở

  • Xét nghiệm máu: Bạch cầu bình thường hoặc giảm

  • RT-PCR, nuôi cấy virus: Kết quả dương tính

  • Xác định mức độ: Nhẹ (triệu chứng hô hấp), nặng (tổn thương phổi, suy hô hấp)

  • Phân biệt với các bệnh hô hấp khác: Adenovirus, RSV, Coronavirus…

Điều trị cúm mùa
Hiện chưa có thuốc điều trị triệt để, chủ yếu là điều trị hỗ trợ:

  • Nghỉ ngơi, uống nhiều nước, tránh chất kích thích (rượu, trà, cà phê…)

  • Bổ sung rau xanh, trái cây để tăng đề kháng

  • Dùng thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol, ibuprofen (theo chỉ dẫn bác sĩ)

  • Không tự ý dùng kháng sinh nếu không có chỉ định

Phòng ngừa cúm mùa

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn

  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ ấm vùng mũi – họng

  • Vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc

  • Hạn chế tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh

  • Tập thể dục đều đặn, ăn ngủ điều độ, không hút thuốc

  • Tiêm vaccine cúm mùa hằng năm là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất, giúp giảm tới 90% nguy cơ mắc bệnh và hạn chế biến chứng nặng. Mỗi năm, vắc xin sẽ được điều chỉnh phù hợp với chủng virus lưu hành theo khuyến nghị của WHO.

———————————————-

Nguồn: Sức Khỏe Quảng Ninh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *