Vape hay còn được biết đến với các tên gọi thông dụng khác như thuốc lá điện tử (TLĐT), “e-cigs,” “e-hookahs,” “mods,”… đã và đang xâm nhập vào giới trẻ như một trào lưu được cho là “thời thượng”, nhưng lại ẩn chứa không ít những nguy hại khôn lường.
Con số báo động
Theo một số khảo sát và thống kê gần đây, được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, tỷ lệ giới trẻ sử dụng TLĐT đang ngày càng gia tăng. Ở Mỹ, người hút thuốc tăng từ 11,7% năm 2017 lên 27% năm 2019, trong đó 2/3 số người hút TLĐT là thanh thiếu niên. Tại Việt Nam, năm 2019, khoảng 2,6% thanh, thiếu niên độ tuổi 13-17 sử dụng TLĐT, trước đó chỉ 0,2%. Tỷ lệ sử dụng TLĐT ở Việt Nam có xu hướng gia tăng tại các thành phố lớn, đối tượng thuộc nhóm người trẻ tuổi, có mức sống khá. Thống kê cho thấy, người trẻ (14-30 tuổi) đã sử dụng TLĐT thì nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá thông thường cao hơn 4 lần so với nhóm không dùng TLĐT. 70% người thử một điếu thuốc và trở thành người hút thuốc hàng ngày.
Khảo sát nhanh tại một số địa điểm vui chơi, tụ tập của giới trẻ trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt là khu vực gần các trường trung học, đại học… không khó để bắt gặp hình ảnh những cô, cậu học sinh sinh viên đang vô tư thả khói với đủ mùi hương khác nhau, trong số đó có không ít các trường hợp vẫn còn mặc bộ quần áo đồng phục trên người.
Khi được hỏi về lý do sử dụng TLĐT, N.V.T (16 tuổi) đang là học sinh một trường THPT trên địa bàn quận 5, TP.HCM, cho biết: “Lúc đầu em thử vì tò mò, dùng dần rồi thấy quen. Hôm nào không dùng thì có cảm giác nhạt miệng”. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về tác hại của TLĐT, N.V.T vô tư nói: “Em nghĩ thuốc lá truyền thống mới chứa nhiều chất độc gây hại, chứ TLĐT thì các thành phần đều được kiểm soát, có tem nhãn rõ ràng thì đâu có chất độc. Nước ngoài người ta vẫn dùng nhiều nên chắc là an toàn”.
Sự “quyến rũ”… chết người
Tại Việt Nam, TLĐT đã xâm nhập và đang trở thành thú chơi mới của giới trẻ. Được bán rộng rãi thông qua các kênh quảng cáo. Sử dụng người nổi tiếng, người có ảnh hưởng để quảng cáo sản phẩm, hashtag trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter để thu hút giới trẻ. Quảng cáo tại các sự kiện thể thao, âm nhạc. Trên các sản phẩm như mũ, quần áo, bao đựng thiết bị TLĐT, thuốc lá nung nóng…. Thậm chí có những điểm bán TLĐT còn được đặt ở gần trường học…
Thật không khó để tìm hiểu, mua cũng, sử dụng các sản phẩm TLĐT nhất là khi các công cụ mua sắm trực tuyến, trang thông tin tìm kiếm, các hình thức quảng cáo nhắm trực tiếp vào người dùng như Facebook, Youtube, Instagarm phát triển mạnh như hiện nay. Bằng một thao tác tìm kiếm về TLĐT, công cụ tìm kiếm Google đã cho ra hơn 41 triệu kết quả tìm kiếm trong vòng 0.54 giây với nhiều chỉ dẫn chi tiết về địa chỉ, thông tin sản phẩm, giá bán cũng như những lời quảng cáo hoa mỹ về “thú chơi thời thượng” này.
Nhiều nguy hại dưới vỏ bọc an toàn
TLĐT được thiết kế như một điếu thuốc bình thường hoặc là dạng bình hút, giống chiếc bút, USB… Rất khó để người sử dụng biết được các thành phần của TLĐT. Ví dụ, nicotine đã được tìm thấy trong TLĐT được quảng cáo có 0% nicotine.
Theo các chuyên gia y tế, do hít vào chất nicotine hoặc chất tetrahydrocannabinol (là chất thường được tìm thấy trong các loại cần sa, gây tác động đến tâm lý) khi sử dụng TLĐT, nguy cơ chính là liên quan đến phổi. Các loại dầu được dùng để hút TLĐT chứa những hóa chất và kim loại có thể gây tổn hại phổi như thiếc, chì, kẽm, chất tạo mùi hương và những hạt siêu mịn khác. Người hút có thể cảm thấy khó thở, ho nhiều, đau ngực, buồn nôn, mệt mỏi, ói mửa; thậm chí bị sốt nếu hút thuốc lá điện tử nhiều. Trường hợp nghiêm trọng hơn có thể phải nhập viện. Những tác hại của chất nicotine, cả trong thời gian ngắn và về lâu dài, là điều đã được xác nhận rõ. Trong thời gian ngắn, chất nicotine có thể gây ra rối loạn giấc ngủ và trạng thái bần thần cũng như các triệu chứng khác như buồn nôn, ói mửa, đau miệng và lưỡi. Về lâu dài, chất nicotine, dù thông qua hút TLĐT hay thuốc lá điếu vẫn có thể gây ung thư.
Nguồn: SKĐS
Một số bài viết khác:
Ngày An Toàn Người Bệnh Thế Giới – 17/9 Chủ đề: Cải Thiện Chẩn Đoán – Vì Sự An Toàn Của Người Bệnh
Ngày Sơ Cấp Cứu Thế Giới – 14/9 với Chủ đề: Sơ Cấp Cứu và Thể Thao – Bảo Vệ Sức Khỏe và An Toàn Cộng Đồng
Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn mang niềm vui Trung Thu đến các bệnh nhi năm 2024
Phình động mạch chủ bóc tách
Tật thừa Răng
Viêm gan B “kẻ giết người” thầm lặng