Ngoài đảm bảo an toàn tiêm chủng tại các điểm tiêm tập trung, nhân viên y tế cơ sở còn phải đảm trách tiêm vaccine COVID-19 tại nhà cho người già yếu, người không thể vận động… PV Báo Sức khỏe & Đời sống đã chứng kiến buổi tiêm chủng tại nhà của thầy thuốc và tận mắt chứng kiến những vui, buồn…
Vừa kết thúc buổi tiêm chủng cho hơn 2.000 dân, BS Nguyễn Băng Hải – Trạm trưởng Trạm Y tế phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) tất bật lên đường để thực hiện tiêm chủng tại nhà cho những người bị hạn chế vận động, không thể di chuyển đến điểm tiêm tập trung.
An toàn đặt lên hàng đầu
Danh sách tiêm vaccine COVID tại nhà hôm nay, theo BS Hải có 44 bệnh nhân, nhưng qua rà soát lại chỉ có 14 bệnh nhân đủ tiêu chuẩn, trong đó có 6 bệnh nhân cần chuyển viện để tiêm, như vậy chỉ còn 8 bệnh nhân đủ điều kiện thực hiện tiêm chủng tại nhà.
Mỗi kíp tiêm chủng tại nhà theo đúng quy trình phải có ít nhất 5 người gồm: 01 dược sĩ mang và bảo quản vaccine, 01 bác sĩ khám, 01 y sĩ hoặc điều dưỡng tiêm, theo dõi sau tiêm và các lực lượng thanh niên, phụ nữ, công an hoặc dân phòng hỗ trợ chở các bình oxy cấp cứu, dụng cụ tiêm chủng…
Để công tác tiêm chủng tại nhà diễn ra an toàn, Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân luôn bố trí 3 kíp trực cấp cứu để kịp thời hỗ trợ các nhân viên y tế phường nếu chẳng may có bất thường xảy ra.
Nhân viên y tế Phường Hạ Đình, Thanh Xuân đo nhiệt độ và huyết áp cho bệnh nhân trước khi thực hiện tiêm chủng.
“Mỗi một buổi tiêm tại nhà tốn nhiều thời gian và công sức. Để hoàn tất các thủ tục thăm khám, tiêm, theo dõi sau tiêm cho mỗi người mất khoảng gần 1 tiếng. Do vậy, một buổi tiêm nhiều nhất chỉ được 6-8 trường hợp (đó là trong điều kiện thuận lợi), nếu gia đình nào con cái đi vắng nhân viên y tế đến phải đợi 15-20 phút gia đình mới có người về mở cửa… thì số lượng còn ít hơn”, BS Hải nói.
Phó mặc cho nhân viên y tế
Những người được nhân viên y tế đến tiêm tại nhà, là người già yếu, người không thể vận động nằm liệt giường nhưng nhiều người không tìm hiểu kỹ, chỉ nghe tin y tế đi tiêm tại nhà nên có tâm lý ỷ lại, không di chuyển ra điểm tiêm tập trung mà đợi để được tiêm tại nhà.
Nhiều trường hợp vẫn đi lại khỏe mạnh, nhân viên y tế đến nhà thấy đang nấu cơm, đi lại thoăn thoắt từ tầng 3 xuống, hoặc chỉ bị tật nhẹ ở tay… nhưng vẫn đăng ký tiêm tại nhà, khi nhân viên y tế hỏi lý do thì nhận được câu trả lời rằng họ “không muốn di chuyển ra điểm tiêm tập trung”…
Thậm chí, có trường hợp nhân viên y tế đến nhà thì được biết đã tiêm tại điểm tiêm tập trung rồi nên không tiêm nữa. Vậy mà người nhà tỏ thái độ luôn “Không tiêm thì đến làm gì cho bẩn nhà tao”, thế rồi lấy chổi quyét nhà, sau đó đóng sầm cửa lại… Khiến nhân viên y tế chỉ muốn…bật khóc.
Bệnh nhân bại liệt được các nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 tại nhà.
Có những bệnh nhân bại liệt, gia đình thiếu quan tâm, người bệnh nằm tại chỗ bị lở loét, sinh hoạt tại chỗ không được dọn dẹp, phòng bốc bùi rất hôi thối. Bệnh nhân có kèm theo bệnh lý béo phì, nhân viên y tế nhờ trợ giúp nhưng gia đình rất thờ ơ…
Không chỉ việc tiêm chủng tại nhà mà rất nhiều công đoạn khác như lấy mẫu xét nghiệm, điều trị tại nhà, tiêm vaccine đều có sự chống đối, không hài lòng và những lời chửi bới xúc phạm từ người dân.
Làm quần quật cả ngày, cuối ngày chỉ muốn được về nhà sớm nghỉ ngơi, ăn cùng gia đình bữa cơm tối, tuy nhiên với trách nhiệm công việc, các nhân viên y tế không quản ngại vất vả di chuyển đến từng gia đình để đảm bảo người dân ai cũng được tiếp cận vaccine, nhưng nhận lại là thái độ “không hợp tác”, khó chịu của người dân.
Sự cố gắng không được ghi nhận khiến nhân viên y tế rất vất vả, cực nhọc “nhiều lúc chỉ muốn xin nghỉ việc”, y sĩ Vũ Thị Thủy (Trạm y tế phường Hạ Đình) buồn bã.
Một số hình ảnh về buổi tiêm tại nhà tại Vân Đồn, Quảng Ninh:
Một số bài viết khác:
ĐẺ KHÔNG ĐAU – KĨ THUẬT GIÚP CÁC MẸ TRẢI QUA QUÁ TRÌNH SINH CON AN TOÀN, NHẸ NHÀNG
Thư cảm ơn
HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYÊN ĐỀ PHẪU THUẬT & BỆNH LÝ TAI MŨI HỌNG LẦN II TẠI TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN VÂN ĐỒN
Chủ động phòng, chống bệnh sởi – Bảo vệ sức khỏe cộng đồng
CƠ HỘI THĂM KHÁM CÙNG CHUYÊN GIA THĂM DÒ CHỨC NĂNG TUYẾN TRUNG ƯƠNG
BSCKII. TÔ THỊ THÚY HẰNG niềm hy vọng cho bệnh nhân mắc các bệnh về Thần kinh – Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng