Từ Bệnh viện Tám Mái đến Bệnh viện A Bãi Cháy: Dấu ấn y tế thời kỳ sơ khai (1956–1959)

Sau ngày giải phóng, khi Khu Hồng Quảng vừa mới thành lập, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Lương thực, thực phẩm thiếu thốn, nhiều mặt hàng thiết yếu phải tiếp tế từ các tỉnh khác. Công nhân ngành Than – lực lượng lao động chủ chốt – làm việc trong môi trường khắc nghiệt: ẩm ướt, tối tăm, bụi bẩn, khí độc, thiếu thốn phương tiện bảo hộ lao động, dẫn tới sức khỏe suy giảm nghiêm trọng. Họ mắc nhiều bệnh về da liễu, hô hấp mà không được chữa trị kịp thời.

Đặc biệt, tại các vùng miền núi, hải đảo có đông đồng bào dân tộc sinh sống, dân trí thấp, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan còn phổ biến, người dân thường cúng ma khi ốm đau, không đến bệnh viện. Trong khi đó, hệ thống y tế địa phương còn sơ khai, thiếu thốn cả về nhân lực lẫn cơ sở vật chất. Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bùng phát: sốt rét, lao phổi, phong, bại liệt, ho gà, bạch hầu, tả, lỵ, thương hàn, giun sán… Tình trạng chấy rận, rệp phổ biến trong các gia đình, trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng, nạn “hữu sinh vô dưỡng” diễn ra trầm trọng. Đặc biệt, sốt rét hoành hành khiến nhiều người tử vong.

Trước tình hình đó, ngành Y tế Khu Hồng Quảng đã phải hành động khẩn cấp, quyết liệt, lấy phương châm “vừa làm, vừa học” làm kim chỉ nam. Chủ trương lúc bấy giờ là đào tạo nhanh cán bộ tại chỗ, bổ túc chuyên môn từ thấp đến cao, hình thành mạng lưới y tế phủ từ tỉnh đến xã. Trong bối cảnh ấy, năm 1956, Bệnh viện Tám Mái được thành lập – như một giải pháp cấp bách, khởi đầu cho hành trình xây dựng hệ thống y tế hiện đại của Quảng Ninh sau này.

Bối cảnh hình thành và di dời

Ngày 22/2/1955, Khu Hồng Quảng được thành lập trên cơ sở hợp nhất Đặc khu Hòn Gai và tỉnh Quảng Yên – gồm vùng than, núi và biển đảo, với dân cư thưa thớt, điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, bệnh tật tràn lan. Trong điều kiện thiếu thốn mọi mặt, đội ngũ y tế đầu tiên gồm những người lính, cán bộ quân y chuyển ngành, cán bộ y tế từ các tỉnh khác tăng cường đã đặt nền móng cho một mô hình y tế mới tại khu vực đặc biệt này.

Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho công nhân ngành Than và nhân dân địa phương, Ủy ban Hành chính Khu Hồng Quảng quyết định tiếp quản lại Trường Commando của Pháp (cũ) để làm bệnh viện. Tháng 5/1956, Bệnh viện Bãi Cháy (tại xóm Chợ) được chuyển về địa điểm mới, tổ chức hoạt động với 150 giường bệnh và lấy tên Bệnh viện Tám Mái.

Tuy được tiếp quản cơ sở rộng rãi hơn, nhưng điều kiện vật chất vẫn vô cùng thiếu thốn: không điện, không nước máy, cả khu chỉ có một bể nước mưa ngầm vài chục khối. Địa điểm lại biệt lập, cách xa khu dân cư. Phía biển từ bến phà Bãi Cháy chỉ có một lối mòn men chân núi, đi bộ được, nhưng thủy triều lên là bị ngập. Xe cứu thương Monotova do Liên Xô viện trợ phải đi vòng đường đồi phía sau, từ quốc lộ 18A vào bệnh viện. Mọi nhu yếu phẩm phải vận chuyển bằng thuyền gỗ nhỏ từ bệnh viện sang Hòn Gai. Chất thải y tế được xử lý ngay tại khu vực bãi biển.

Cơ sở vật chất khi đó hết sức thô sơ: khu điều trị và hành chính chỉ là vài dãy nhà tạm. Thuốc men, trang thiết bị y tế cực kỳ khan hiếm. Tuy vậy, với tinh thần “lương y như từ mẫu”, đội ngũ y, bác sĩ vẫn nỗ lực chăm sóc, điều trị cho cán bộ, công nhân ngành Than và nhân dân vùng mỏ. Thời kỳ đầu, bệnh viện chủ yếu tập trung điều trị các bệnh truyền nhiễm, bệnh nghề nghiệp trong ngành Than, đồng thời tích cực truyền thông vận động người dân đến khám bệnh, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu.

Đào tạo nhân lực y tế – nền móng đầu tiên

Dù còn thiếu thốn, Bệnh viện Tám Mái đã chủ động mở rộng hoạt động đào tạo y tế. Tháng 6/1956, lớp đào tạo y tá khóa II được khai giảng với 60 học viên, học trong thời gian 6 tháng. Đây là dấu mốc quan trọng đặt nền móng cho công tác đào tạo nhân lực y tế tại Quảng Ninh. Lớp học do Bộ Y tế cung cấp tài liệu giảng dạy và cấp bằng tốt nghiệp. Một số học viên tiêu biểu sau này trở thành cán bộ chủ chốt của ngành, như bác sĩ Tân – Mão, bác sĩ Nguyễn Văn Lợi, bác sĩ Đặng Thị Chinh.

Sau khi tốt nghiệp, do yêu cầu biên chế, Khu Y tế Hồng Quảng chỉ tiếp nhận 24 học viên (trong đó có 12 cán bộ miền Nam tập kết). 12 học viên còn lại được cử đi Thanh Hóa, cùng 6 y tá của Xí nghiệp Than Hòn Gai, theo học lớp chuyên đề về bệnh mắt hột do chuyên gia Liên Xô hướng dẫn tại Nông Cống – Thanh Hóa (3 tháng). Sau khóa học, 6 người được tuyển chọn về Hồng Quảng, thành lập Đội y tế lưu động chống bệnh mắt hột, đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống bệnh tại địa phương.

Việc “vừa đào tạo, vừa phục vụ” đã tạo nên lực lượng y tế kế cận, góp phần ổn định nhân lực cho ngành, từ đó giúp hệ thống y tế Khu Hồng Quảng dần phát triển theo hướng bền vững.

Phát triển cơ sở vật chất và chuyên môn

Năm 1957, Bộ Y tế quyết định đầu tư mở rộng bệnh viện. Một số dãy nhà cấp 4 được xây dựng để phục vụ chỗ ở cho cán bộ, công nhân viên. Khoa Nhi được thành lập, đồng thời khoa Nội cán bộ và Nội nhân dân được tách riêng. Bệnh viện cũng trang bị thêm phòng X-quang, đánh dấu bước phát triển đầu tiên về mặt kỹ thuật cận lâm sàng.

Tính đến năm 1958–1959, Bệnh viện Tám Mái đã có 200 giường bệnh, biên chế 61 người. Người đứng đầu lúc này là Y sĩ Phan Mạnh Hiền, giữ chức Quản đốc bệnh viện. Trong giai đoạn này, bệnh viện bắt đầu được gọi chính thức là Bệnh viện A Bãi Cháy, hoặc Bệnh viện Khu Hồng Quảng – trở thành trung tâm y tế chủ lực của khu vực thời kỳ đầu thành lập tỉnh. (Ghi nhớ: Bệnh viện “A” Bãi Cháy là tiền thân của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh ngày nay)

Cơ sở được đầu tư, mở rộng hơn với các khu chức năng chuyên biệt, với hệ thống nhà điều trị, hành chính, chuyên khoa Răng, khoa Lao, khoa ngoại được xây dựng kiên cố bằng gạch ngói, bê tông. Đây cũng là bước chuyển mình quan trọng, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành Y tế Quảng Ninh, từ mô hình y tế sơ khai sang hệ thống bệnh viện có quy mô, chuyên môn hóa và từng bước hiện đại. Trong giai đoạn này, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, song đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện A Bãi Cháy đã nỗ lực triển khai các hoạt động điều trị bệnh phổ biến, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm, bệnh nghề nghiệp trong ngành Than. Đồng thời, bệnh viện cũng thực hiện các chương trình y tế dự phòng, tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh và nâng cao nhận thức chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng mỏ.

Bệnh viện không chỉ là nơi chữa bệnh mà còn là biểu tượng của niềm tin, là chỗ dựa tinh thần của hàng vạn người lao động vùng mỏ trong những năm tháng gian khó. Chính từ nơi đây, một thế hệ bác sĩ, y tá đã được đào tạo, rèn luyện trong điều kiện thiếu thốn, làm nên nền tảng vững chắc để ngành Y tế Quảng Ninh không ngừng vươn lên mạnh mẽ.

Từ Bệnh viện Tám Mái đến Bệnh viện A Bãi Cháy là một hành trình đầy gian nan nhưng giàu ý nghĩa, là sự chuyển mình mang tính bước ngoặt của ngành y tế Quảng Ninh – từ sơ khai đến chuyên nghiệp, từ “chữa bệnh” sang “chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân”, đặt nền móng cho hệ thống bệnh viện đa khoa khu vực trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây không chỉ ghi dấu một thời kỳ y tế kháng chiến đầy thử thách mà còn thể hiện tinh thần vượt khó, cống hiến vì nhân dân của những người thầy thuốc đầu tiên trong thời kỳ xây dựng và phát triển ngành Y tế địa phương.

Lịch sử ấy không chỉ nhắc nhớ về một giai đoạn đầy gian khổ mà còn là minh chứng sống động cho ý chí vượt khó, tinh thần phụng sự nhân dân và khát vọng nâng cao sức khỏe cộng đồng của những người thầy thuốc Quảng Ninh thời kỳ đầu xây dựng hệ thống y tế.
—————————————-
Nguồn – CDC Quảng Ninh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *