Trong hai ngày 20 và 21 tháng 5 năm 2025, Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn phối hợp với Bệnh viện Bảo vệ Sức khỏe Tâm thần tỉnh Quảng Ninh tổ chức thành công 02 buổi tập huấn chuyên đề “Sàng lọc, phát hiện sớm các rối loạn tâm thần tại cộng đồng”. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm nâng cao năng lực y tế cơ sở, tăng cường nhận thức và hành động sớm trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần – lĩnh vực còn nhiều e dè nhưng rất cần được nhìn nhận đúng đắn.
Buổi tập huấn có sự tham gia của hàng trăm học viên đến từ 08 xã, thị trấn trên địa bàn huyện – là những cán bộ y tế thôn bản, trưởng khu phố, cộng tác viên, đại diện Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh…. Họ chính là “cánh tay nối dài” của ngành y tế, là những người gần dân nhất, hiểu dân nhất và cũng là người đầu tiên có thể nhận ra những bất ổn tinh thần đang dần lặng lẽ xâm lấn cuộc sống của ai đó trong cộng đồng.
Không phải ai trầm lặng cũng ổn. Không phải ai hay cáu gắt, mất ngủ hay lang thang vô định cũng là “tính khí thất thường”. Đó có thể là tiếng kêu cứu – im lặng – của một tâm hồn đang tổn thương.
Chính vì thế, các giảng viên như BSCKI. Trần Chí Dũng và chuyên gia công nghệ thông tin Bùi Việt Dũng đã không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn trao đi một thứ quý giá hơn: niềm tin rằng, chăm sóc tâm thần không phải là chữa trị cái “điên”, mà là giúp mỗi người có cơ hội được sống lành mạnh, hạnh phúc trong thế giới của chính mình.
Thông qua các buổi tập huấn, học viên được tiếp cận các biểu hiện sớm của các rối loạn tâm thần thường gặp như trầm cảm, rối loạn lo âu, nghiện game, rối loạn hành vi ở trẻ em, sa sút trí tuệ ở người cao tuổi… Họ cũng được hướng dẫn sử dụng các bộ câu hỏi sàng lọc đơn giản nhưng hiệu quả, tích hợp trên ứng dụng điện tử, phù hợp với điều kiện thực tế tại cộng đồng. Những công cụ này giúp phát hiện sớm những dấu hiệu cảnh báo từ chính lời nói, hành vi, suy nghĩ của người dân – những tín hiệu mà đôi khi chúng ta đã quen bỏ qua.
BS. Vũ Đình Tuyển, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật & HIV/AIDS – người đại diện Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn phát biểu khai mạc, đã nhấn mạnh một thông điệp đầy nhân văn: “Đừng để những tâm hồn lạc lối phải đi mãi trong bóng tối chỉ vì chúng ta chậm nhìn nhận họ cần giúp đỡ.”
Trong cộng đồng vẫn còn không ít người cho rằng bệnh tâm thần là sự “điên loạn”, là “không cứu được” hay “nên giấu đi cho khỏi xấu hổ”. Những suy nghĩ ấy không chỉ sai lầm mà còn vô tình đẩy người bệnh ra xa vòng tay hỗ trợ. Thực tế, rối loạn tâm thần là một bệnh lý như bao bệnh lý khác – có nguyên nhân sinh học rõ ràng, có phương pháp điều trị hiệu quả nếu được phát hiện kịp thời.
Tập huấn lần này không chỉ là một lớp học, mà là một lời thức tỉnh cộng đồng, rằng mỗi người trong chúng ta đều có thể là người giúp đỡ, là người lắng nghe, là chiếc cầu nối để một tâm hồn lạc lõng có thể tìm lại bình yên.
Từ những buổi học đầy tâm huyết ấy, hạt giống của sự hiểu biết và cảm thông đã được gieo xuống. Và rồi từ những trạm y tế, tổ dân phố, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… những hạt giống đó sẽ nảy mầm thành hành động, thành sự kết nối, thành những cuộc trò chuyện không né tránh, thành một mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần bền vững từ cơ sở.
Vì sức khỏe tinh thần không phải là đặc quyền của ai. Đó là nhu cầu cơ bản của tất cả chúng ta – từ người già đến trẻ nhỏ, từ miền xuôi đến miền núi, từ thành thị đến những bản làng ven biển.
———————————-
Phòng Dân số – Truyền thông & Giáo dục sức khỏe
Một số bài viết khác:
Vân Đồn triển khai tập huấn sàng lọc rối loạn tâm thần năm 2025
Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường công tác khám, phát hiện và điều trị ca bệnh COVID-19
Cần quan tâm hơn nữa đến chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ truyền thông – giáo dục sức khoẻ
KHÔNG HOANG MANG – KHÔNG CHỦ QUAN TRƯỚC COVID-19
Cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng cho đội ngũ cán bộ truyền thông giáo dục sức khỏe
Ca mắc COVID-19 tăng báo động: Người bệnh có cần cách ly y tế?