Tình hình bệnh viêm đường tiết niệu ở trẻ em
Viêm đường tiết niệu ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng, chỉ đứng sau các bệnh viêm đường hô hấp và tiêu hóa. Điều nguy hiểm là triệu chứng của bệnh khá giống với một số bệnh thông thường như cảm, sốt, nên rất dễ bị nhầm lẫn. Nhiều trường hợp trẻ còn nhỏ nên cách thể hiện chưa rõ ràng, dẫn đến việc phát hiện bệnh chậm. Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như suy giảm chức năng thận, suy thận, thậm chí nhiễm khuẩn huyết đe dọa tính mạng.
Bác sĩ Đặng Phương Thu đang thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa nhi TTYT huyện Vân Đồn
Nguyên nhân và tác nhân gây bệnh
Hệ tiết niệu bao gồm thận, bàng quang, niệu đạo và niệu quản. Viêm đường tiết niệu là tình trạng mà hệ tiết niệu bị các vi sinh vật như virus, vi khuẩn, nấm hay ký sinh trùng xâm nhập và gây viêm. Tác nhân chủ yếu gây nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ nhỏ là vi khuẩn, trong đó hơn 90% là vi khuẩn E.coli. Ngoài ra, các loại vi khuẩn khác như Enterococcus, Klebsiella, Staphylococcus, Pseudomonas aeruginosa,… cũng có thể dẫn đến viêm đường tiết niệu.
Những vi khuẩn này thường tồn tại trong phân, đất, nước, không khí, thực phẩm tươi sống và thông qua hoạt động hàng ngày, chúng xuất hiện ở hệ tiết niệu và gây bệnh cho bé. Việc vệ sinh không sạch sẽ và môi trường ô nhiễm làm tăng nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu ở trẻ em.
Trẻ có nguy cơ cao mắc viêm đường tiết niệu
Một số trẻ có nguy cơ cao mắc viêm đường tiết niệu hơn những trẻ khác, bao gồm:
– Trẻ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và sức đề kháng yếu.
– Trẻ có dị tật bẩm sinh ở đường tiết niệu.
– Bàng quang co bóp kém.
– Bé gái có lỗ tiểu gần hậu môn hơn bé trai.
– Trẻ mắc các bệnh lý như hội chứng thận hư, tiểu đường, sỏi bàng quang.
Dấu hiệu của viêm đường tiết niệu
Theo Bác sĩ Đặng Phương Thu, Khoa Nhi Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn, các triệu chứng của viêm đường tiết niệu ở trẻ có thể khác nhau tùy theo độ tuổi và vị trí viêm nhiễm. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:
– Rối loạn tiểu tiện: Tiểu rắt, tiểu đau, tiểu khó.
– Nước tiểu có màu trắng đục, nhiều cặn và mùi khó chịu.
– Thay đổi nhiệt độ cơ thể: Sốt nhẹ, sốt cao hoặc hạ nhiệt độ.
– Rối loạn hệ tiêu hóa: Chướng bụng, buồn nôn, tiêu chảy, đau vùng thắt lưng.
– Cơ thể mệt mỏi, ngủ li bì, quấy khóc nhiều.
– Môi khô, lưỡi bẩn và hơi thở có mùi khó chịu.
Biến chứng nếu không điều trị kịp thời
Viêm đường tiết niệu ở trẻ em có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, như:
– Viêm quanh thận, viêm thận kẽ, trào ngược bàng quang-niệu quản, suy thận.
– Thận bị ứ đọng nước tiểu, có thể dẫn đến sưng phù và áp xe thận.
– Nhiễm trùng máu, gây hoại tử ống thận, đe dọa tính mạng.
Điều trị và phòng ngừa bệnh
Điều trị: Khi trẻ có dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và làm các xét nghiệm cụ thể. Bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc kháng sinh phù hợp với tình trạng của từng bé. Tại nhà, phụ huynh cần cho trẻ sử dụng thuốc đúng liều, đúng lượng và đúng thời gian theo chỉ định của bác sĩ, đồng thời theo dõi thường xuyên nhiệt độ cơ thể và số lần đi tiểu của trẻ.
Phòng ngừa: Để phòng ngừa viêm đường tiết niệu, phụ huynh cần lưu ý:
– Rửa vệ sinh bằng nước sạch cho trẻ sau mỗi lần đi tiểu, đại tiện đúng cách, rửa từ trước ra sau, lỗ niệu phía trước, hậu môn ở phía sau, tránh làm vi khuẩn lây lan từ hậu môn sang đường tiểu.
– Đối với bé trai, khi phát hiện bao quy đầu của bé bị phồng hoặc đường tiểu nhỏ thì cần đi khám ngay vì đó có thể do hẹp hoặc dài bao quy đầu.
– Kiểm tra tã lót thường xuyên và thay ngay khi khi trẻ đi tiểu, đại tiện.
– Đối với trẻ lớn, bố mẹ nên hướng dẫn con cách đi vệ sinh sạch sẽ, không nên nhịn tiểu.
– Ăn uống đảm bảo vệ sinh, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, cho trẻ uống nhiều nước hàng ngày để hệ bài tiết hoạt động tốt hơn, tránh táo bón.
– Các bậc phụ huynh cần tẩy giun định kỳ cho trẻ trên 2 tuổi.
Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu bất thường về hệ tiết niệu, cần cho trẻ đi thăm khám ngay để được điều trị kịp thời.
===============
Phòng Dân số – TTGDSK
Một số bài viết khác:
Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn mang niềm vui Trung Thu đến các bệnh nhi năm 2024
Phình động mạch chủ bóc tách
Tật thừa Răng
Viêm gan B “kẻ giết người” thầm lặng
Người dân vùng lũ lụt cần làm gì để có nước sạch sử dụng?
PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH SAU BÃO