F0 sau khi khỏi bệnh có cần được tiêm vắc xin?

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều biến thể mới như Delta, Omicron… với tốc độ lây lan nhanh hơn, mạnh hơn, gia tăng độ phức tạp khó lường, khó dự báo thì vắc xin được coi là biện pháp hữu hiệu nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 diện rộng trong toàn dân. Đến nay, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 diện rộng mũi 3 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên và tổ chức tiêm chủng tại nhà cho những đối tượng người già, người có bệnh lý nền không đủ khả năng đi lại đến điểm tiêm chủng. Tính đến ngày 17/01/2022 toàn tỉnh có 612.351 người được tiêm chủng vắc xin mũi 3 đạt 60,93%, trong những ngày tới sẽ tiếp tục triển khai tiêm chủng.

Toàn dân tích cực tham gia thiêm chủng vắc xin Covid-19 để bào vệ bản thân, gia đình và cộng đồng

Tuy nhiên, thời gian gần đây số ca mắc mới trong cộng đồng ở Quảng Ninh vẫn gia tăng, không ít người dù đã tiêm vắc xin phòng bệnhvẫn bị nhiễm Covid-19. Thống kê cho thấy, riêng ngày 20/01/2022 toàn tỉnh ghi nhận 399 ca mắc mới Covid-19 trong đó có 61 ca đã quản lý cách ly và 338 ca tại cộng đồng. Vì vậy, hiện nay có rất nhiều người dân quan tâm đến việc được trang bị đầy đủ vắc xin để phòng bệnh, đặc biệt là những người có tiền sử mắc Covid-19.

Anh L.Đ.M (30 tuổi, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long) sau khi điều trị F0 không triệu chứng trở về cho biết: “Khi 1 người bạn trong nhóm bạn thân mắc Covid-19, tôi đã đi làm các xét nghiệm và biết mình bị F0. Lúc đầu cũng lo lắm, tuy nhiên vì đã được tiêm 2 mũi vắc xin rồi tôi cũng an tâm phần nào. Quả thật mấy ngày đầu không phân biệt được mùi, sau đó thì tình hình khá hơn nhiều… Tôi vừa khỏi bệnh Covid-19 cách đây một tuần và đã tiêm xong 2 mũi từ tháng 10. Hiện tôi vẫn đang băn khoăn không biết có cần tiêm vắc xin mũi 3 không”.

Các chuyên gia y tế cho rằng, nguyên tắc chung đối với các loại bệnh do vi rút gây ra, sau khi con người bị nhiễm bệnh rồi khỏi bệnh thì cơ thể sẽ tạo được các kháng thể trung hòa vi rút giúp bảo vệ cơ thể không bị nhiễm bệnh về sau. Tùy từng chủng loại vi rút và sức khỏe của mỗi người, kháng thể sẽ bảo vệ được cơ thể trong một khoảng thời gian nhất định.Tuy nhiên, cụ thể là bảo vệ được trong thời gian bao lâu, đến nay, y học thế giới vẫn chưa có câu trả lời chính xác tuyệt đối, hơn nữa kháng thể trung hòa vi rút tồn tại có thể đến vài tháng ở bệnh nhân Covid-19 nhưng sẽ giảm dần theo thời gian.

Chị N.T.N (26 tuổi, phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long) sau khi khỏi bệnh cho biết: “Xuất viện về sức khỏe của tôi bình thường. Dù vậy tôi rất lo lắng, vì trong gia đình có các cháu nhỏ nên nếu chẳng may bị nhiễm lại sẽ ảnh hưởng đến các cháu vì chưa đủ tuổi tiêm vắc xin. Do đó, tôi rất mong muốn được tiêm đủ liều vắc xin phòng bệnh”.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 10722/BYT-DP ngày 17/12/2021 về tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại thì mũi 3 vắc xin Covid-19 được chỉ định tiêm cho đối tượng cụ thể là:

Liều bổ sung: Người từ 18 tuổi trở lên, gồm người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa, nặng (người cấy ghép tạng, ung thư, HIV…), người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin VeroCell/Sputnik V.

Liều nhắc lại: Người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản/liều bổ sung, đảm bảo bao phủ toàn bộ người có bệnh nền, người từ 50 tuổi trở lên, người chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế…

Như vậy theo hướng dẫn này, người mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh không thuộc nhóm đối tượng không được phép tiêm mũi 3. Đồng thời, công văn hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ, người đã mắc Covid-19 thì tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế. Điều này cũng có nghĩa là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh vẫn thuộc đối tượng được tiêm mũi 3 vắc-xin phòng Covid-19, và thời điểm F0 khỏi bệnh tiêm là ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly theo quy định hiện hành.

Khám sàng lọc cho người dân trước khi tiêm vắc xin phòng Covid-19

 Sau khi tiêm mũi 3 người dân cũng cần lưu ý tương tự như khi tiêm mũi 1 và mũi 2 đó là: Luôn phải có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ và đặc biệt trong 3 ngày đầu sau khi tiêm; Không nên uống rượu, bia, chất kích thích ít nhất trong 3 ngày đầu tiên sau khi tiêm; Đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, thường xuyên đo thân nhiệt: Nếu sốt dưới 38,5 độ C thì nới lỏng quần áo, chườm bằng khăn ấm, uống đủ nước và không để nhiệm lạnh, sau mỗi 30 phút cần phải đo lại nhiệt độ; Nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên thì dùng thuốc hạ sốt, trong 02 tiếng mà không hạ sốt hoặc sốt lại thì cần báo ngay cho nhân viên y tế.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 là để bảo vệ bản thân người được tiêm khỏi nhiễm bệnh, khi không may mắc bệnh thì triệu chứng sẽ nhẹ hơn, giảm tỷ lệ nằm viện và giảm khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh. Tuy nhiên, không một loại vắc xin nào đạt hiệu quả 100%. Sau tiêm vắc xin, người tiêm vẫn có nguy cơ bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Và ngay cả khi tất cả mọi người dân đều được tiêm vắc xin thì cũng chỉ là cách tạo miễn dịch cộng đồng, là một biện pháp phòng ngừa chứ không thể tiêu diệt được vi rút SARS-CoV-2. Do đó, những người trên 18 tuổi cần tiêm mũi nhắc lại ngay khi đủ điều kiện. Điều này cũng cần thiết ngay cả khi đã mắc Covid-19 hoặc đã tiêm đủ liều.