BỆNH HO GÀ Ở TRẺ EM

Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn ho gà gây nên. Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có những biểu hiện ban đầu giống với cảm lạnh nên dễ khiến người mắc bệnh chủ quan, không điều trị đúng, kịp thời, có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng.

Theo thông tin của Bộ Y tế, hiện nay tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, trong đó một số bệnh như sởi, ho gà… được ghi nhận gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại khu vực miền Bắc, từ đầu năm đến nay ghi nhận 246 trường hợp mắc/nghi mắc, có 01 trường hợp tử vong tại huyện Nam Sách, Hải Dương là trẻ nhỏ chưa tiêm phòng vắc xin ho gà.

Riêng tại Quảng Ninh, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết, toàn tỉnh đã ghi nhận 12 trường hợp mắc ho gà tại 6/13 địa phương gồm Hạ Long 06 ca, Cẩm Phả 02 ca, Đầm Hà 01 ca, Quảng Yên 01 ca, Đông Triều 01 ca, Uông Bí 01 ca và chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong.

Bệnh ho gà theo đường hô hấp, biểu hiện lâm sàng bằng những cơn ho dữ dội, thở rít vào được gọi là ho gà. Bệnh có khả năng lây lan rất cao do vi khuẩn có trong những hạt nước bọt bắn ra từ mũi, miệng bệnh nhân khi ho, hắt hơi trực tiếp sang người lành.

Ho gà có những biểu hiện ban đầu giống với cảm lạnh như chảy nước mũi, sịt mũi, ho, hắt hơi, đau họng, sốt nhẹ… nên rất dễ nhầm lẫn khiến người mắc bệnh chủ quan, dẫn đến không điều trị đúng, kịp thời, có thể gây ra những biến chứng nặng nề như: viêm phổi, xẹp phổi, suy hô hấp, viêm não, lồng ruột, xuất huyết, loét hàm lưỡi, vỡ cơ hoành, thoát vị rốn, bẹn, sa trực tràng, tụ máu dưới kết mạc, bầm tím dưới mí mắt và nguy hiểm nhất là chảy máu nội sọ. Bệnh đặc biệt nguy hiểm và dễ gây tử vong đối với trẻ dưới 1 tuổi và những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh ho gà.

Vì vậy, người dân cần nắm rõ đặc điểm của bệnh cũng như chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh ho gà.

Cách nhận biết bệnh ho gà

Ho gà có thể phân biệt với cảm lạnh thông thường bằng đặc điểm của những cơn ho rít dai dẳng, đờm trắng như lòng trắng trứng, cụ thể theo từng giai đoạn bệnh sau:

– Ở giai đoạn đầu của bệnh (kéo dài từ 1-2 tuần): biểu hiện chảy nước mũi, sịt mũi, ho, hắt hơi, đau họng, sốt nhẹ và ho dần dần nặng hơn.

– Giai đoạn thứ 2 (có thể kéo dài từ 6 tuần trở lên): Xuất hiện cơn ho bộc phát khó kiềm chế, ho rũ rượi và tiếng thở rít (ở trẻ sơ sinh) khi hít thở. Trong những cơn ho mạnh người bệnh có thể bị ngạt, nôn ói hoặc mặt tím tái do thiếu không khí. Giữa những cơn ho người bệnh thường vẫn có vẻ khỏe mạnh, trong giai đoạn này trẻ sơ sinh có thể ngừng thở (không thở được) hoặc da tím tái. Hết đợt ho người bệnh khạc ra chất đờm màu trắng, trông giống như lòng trắng trứng gà. Lúc này xét nghiệm đờm có thể tìm thấy vi khuẩn ho gà.

– Giai đoạn cuối cùng là khi tần suất ho thưa dần, các triệu chứng dần dần cải thiện qua nhiều tuần, nhiều tháng.

Các biện pháp phòng bệnh ho gà

– Bệnh ho gà hoàn toàn có thể được dự phòng bằng Vắc xin. Đây cũng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Hiện nay, trẻ được tiêm phòng ho gà cùng chung trong mũi tiêm 6 trong 1 gồm: bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt – viêm gan B – Hib (DPT-VGB-Hib). Chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch khi trẻ đủ 2, 3, 4 tháng tuổi và tiêm nhắc lại khi đủ 18 tháng tuổi.

– Bên cạnh đó, cũng như nhiều bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp khác, để phòng bệnh ho gà cần tuân thủ các nguyên tắc về vệ sinh cá nhân và môi trường sống:

+ Bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.

+ Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che mũi, miệng khi hắt hơi; giữ vệ sinh thân thẻ, mũi, họng cho trẻ hằng ngày;

+ Ăn uống đủ chất, dinh dưỡng hợp lý.

+ Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà cần phải đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời và cách ly.

===========

Theo CDC Quảng Ninh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *