Bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em có lây không? Cha mẹ, nhà trường nên làm gì?

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, mặc dù chưa có báo cáo về tình trạng lây nhiễm trong các cơ sở y tế, nhưng không loại trừ khả năng bệnh này có khả năng lây từ người sang người do có một số ca bệnh được ghi nhận có tiếp xúc gần với trường hợp đã được báo cáo trước đó.

Theo báo cáo mới nhất từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 26/5/2022, trên thế giới đã ghi nhận 650 trường hợp viêm gan bí ẩn ở trẻ em  từ 33 quốc gia tại châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Có ít nhất 38 trường hợp phải ghép gan và 9 trường hợp tử vong đã được báo cáo tới WHO.

Phần lớn các bệnh nhân có các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, trước khi chuyển sang viêm gan cấp tính nặng với các biểu hiện như tăng men gan và vàng da. Những bệnh nhân phát hiện gần đây có triệu chứng lâm sàng nặng hơn và tỷ lệ phát triển thành suy gan cấp tính cao hơn so với các báo cáo trước đây. WHO đánh giá bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em có nguy cơ ở cấp độ trung bình trên toàn cầu.

Bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em có lây không? Cha mẹ, nhà trường nên làm gì? - Ảnh 1.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, mặc dù chưa có báo cáo về tình trạng lây nhiễm trong các cơ sở y tế, nhưng không loại trừ khả năng bệnh này có khả năng lây từ người sang người do có một số ca bệnh được ghi nhận có tiếp xúc gần với trường hợp đã được báo cáo trước đó.

Châu Âu hiện đang là châu lục ghi nhận số bệnh nhân nhiều nhất với 305 trường hợp tính đến ngày 31/5/2022. Trong tổng số 305 trường hợp nghi ngờ tại châu Âu, có tới 71,6% là trẻ nhỏ từ 5 tuổi trở xuống. Ít nhất 14 trẻ em mắc viêm gan bí ẩn đã phải ghép gan tại châu lục này.

Bệnh viêm gan bí ẩn cũng đã xuất hiện tại một số nước Đông Nam Á, trong đó có Indonesia và Singapore. Tính đến ngày 2/6/2022, Bộ Y tế Indonesia đã công bố tổng số 24 trường hợp, trong đó có 7 trường hợp phù hợp với định nghĩa trường hợp bệnh nghi ngờ của WHO và 17 trường hợp đang chờ phân loại. Đã có 7 trẻ em tử vong vì căn bệnh lạ này ở Indonesia.

Singapore phát hiện trường hợp nghi ngờ đầu tiên là một trẻ 10 tháng tuổi vào ngày 30/4/2022, sau đó hồi cứu lại từ ngày 1/10/2021 (theo định nghĩa trường hợp bệnh nghi ngờ của WHO) và phát hiện thêm 2 người bệnh nữa cần được theo dõi và điều tra.

Theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ, viêm gan thể nặng thường rất hiếm gặp ở trẻ em. Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm gan bí ẩn này vẫn chưa được xác định. Các nhà khoa học đang điều tra cả các tác nhân truyền nhiễm và không truyền nhiễm nhằm tìm ra các bằng chứng lý giải cho đợt bùng phát này.

Tuy nhiên, WHO cho biết, mặc dù chưa có báo cáo về tình trạng lây nhiễm trong các cơ sở y tế, nhưng không loại trừ khả năng bệnh này có khả năng lây từ người sang người do có một số người bệnh được ghi nhận có tiếp xúc gần với trường hợp đã được báo cáo trước đó.

Vì thế, định nghĩa trường hợp bệnh hiện nay của WHO có nhắc đến trường hợp có yếu tố dịch tễ là “người ở mọi lứa tuổi mắc viêm gan cấp tính (loại trừ tác nhân vi rút viêm gan A, B, C, D, E), đã tiếp xúc gần với một trường hợp bệnh nghi ngờ, tính từ ngày 1/10/2021

Như vậy, phần lớn các trẻ bị viêm gan bí ẩn đang trong độ tuổi mầm non và chưa thể loại trừ khả năng lây từ người sang người đối với bệnh này. Do đó, theo khuyến cáo của WHO, khi trẻ ở nhà hay đi học, các phụ huynh và nhà trường cần thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh cho trẻ:

  1. Thực hiện vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc nước rửa tay có cồn.
  2.  Tránh không gian kín, đông đúc và duy trì khoảng cách với những người khác.
  3.  Đảm bảo phòng ở/phòng học thông thoáng và có hệ thống thông gió tốt.
  4.  Đeo khẩu trang vừa vặn để che miệng và mũi khi cần.
  5.  Che miệng, che mũi khi ho hoặc hắt hơi.
  6.  Sử dụng nước sạch trong ăn uống.
  7.  Tuân thủ các quy trình nấu ăn và chế biến thực phẩm an toàn.
  8.  Thường xuyên vệ sinh các bề mặt hay chạm tay vào như tay nắm cửa, bàn, và công tắc đèn.
  9.  Ở nhà khi cảm thấy không khỏe và đi khám bệnh tại các cơ sở y tế sớm nhất có thể.

Cha mẹ của trẻ cũng cần hết sức lưu ý và đưa trẻ đi khám nếu trẻ có một trong các triệu chứng sau:

  • Sốt
  •  Mệt mỏi
  •  Vàng da và vàng mắt (phần lòng trắng của mắt)
  •  Chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy
  •  Đau bụng
  •  Phân nhạt màu
  •  Các triệu chứng hô hấp như hắt hơi, sổ mũi, ho, đau họng,…

Ngoài ra, việc tiêm phòng các vaccine bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng và các vaccine khác ngoài tiêm chủng mở rộng cũng được khuyến cáo nhằm tránh các tác nhân đã có thể dự phòng bằng vaccine.

Cha mẹ/người chăm sóc trẻ cũng cần thông báo cho trường học và cơ sở y tế nếu con của mình có các biểu hiện trên. Việc ghi nhận sớm sẽ giúp các biện pháp phòng chống dịch được kịp thời và hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của bệnh đến cộng đồng.

Theo SKĐS

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *