BỆNH VIÊM PHỔI DO MYCOPLASMA

Vi khuẩn mycoplasma pneumoniae thường cư trú trong cơ thể con người nhưng cũng là vi khuẩn thường xuyên gây bệnh nhất cho con người đặc biệt là gây viêm phổi cộng đồng. Vi khuẩn này không giống với các vi khuẩn thông thường nên khi gây bệnh cũng có những triệu chứng đặc biệt

  1. Mycoplasma pneumoniae là gì?

Theo bác sĩ Đặng Phương Thu Khoa Nhi, TTYT huyện Vân Đồn cho biết Mycoplasma pneumoniae là vi khuẩn thuộc lớp Mollicutes, có kích thước rất nhỏ (0.15-0.3 micromet), nhỏ hơn cả một số virus lớn. Không có vách tế bào và sinh sản độc lập, chúng ký sinh bên trong tế bào vật chủ. Thường trú ngụ ở niêm mạc đường hô hấp và có thể gây viêm phổi không điển hình khi gặp điều kiện thuận lợi.

  1. Mối nguy hiểm của Vi khuẩn mycoplasma pneumoniae

Vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae nổi bật với khả năng gây bệnh viêm phổi, như tên gọi của nó đã gợi ý (pneumo: phổi). Vi khuẩn này chủ yếu gây ra viêm phổi không điển hình trong cộng đồng. Như đã đề cập, Mycoplasma pneumoniae có thể tồn tại ở niêm mạc hầu họng của một số người mà không gây bệnh. Tuy nhiên, khi gặp điều kiện thuận lợi hoặc do một số đột biến, vi khuẩn này sẽ phát triển mạnh và gây bệnh. Bệnh dễ lây truyền từ người sang người, có khả năng lan rộng và gây thành dịch. Mycoplasma pneumoniae chiếm khoảng 10-30% trong tổng số các trường hợp viêm phổi cộng đồng.

  1. Bệnh viêm phổi không điển hình do mycoplasma pneumoniae.

Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành trẻ tuổi. Các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt, đau họng và ho khan dai dẳng. Các biểu hiện này thường xuất hiện sau 2-3 tuần ủ bệnh. Sau đó, bệnh có thể tiến triển với các triệu chứng như đau đầu, sổ mũi tương tự cảm cúm. Khi bệnh phát triển đến giai đoạn toàn phát, người bệnh thường sốt cao trên 39 độ C, cảm thấy lạnh, đau đầu và ho nhiều. Ho có thể là ho khan từng cơn hoặc ho kèm đờm trắng. Một số trường hợp có thể gặp triệu chứng khó thở, đau ngực và ho dữ dội.

Đối với trẻ em, triệu chứng thường gặp là ho và sốt. Trẻ thường không sốt quá cao, nhiệt độ thường dưới 39 độ C, nhưng ho liên tục kéo dài. Ban đầu là ho khan, sau đó là ho có đờm kéo dài, có thể lên tới 3-4 tuần. Đây là lý do mà nhiều bậc cha mẹ phải đưa con nhập viện khi nhiễm vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae. Trong trường hợp nặng, trẻ có thể gặp khó thở và tím tái.

  1. Đường lây và cách phòng ngừa

Giống như các bệnh về đường hô hấp khác, vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae lây lan qua đường hô hấp thông qua các giọt bắn từ người bệnh sang người lành. Vi khuẩn có thể lây lan trong gia đình, trường học và cộng đồng, gây ra các vụ dịch vừa và nhỏ.

Mức độ gây bệnh của vi khuẩn phụ thuộc vào sức đề kháng của cơ thể; nếu sức đề kháng yếu, khả năng nhiễm bệnh sẽ cao hơn. Môi trường ô nhiễm và khói thuốc lá cũng là các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Do đó, để phòng ngừa bệnh, cần lưu ý những điều sau:

Hiện tại chưa có vaccine phòng bệnh, do đó cần chủ động phòng tránh trước khi bị nhiễm.

Nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và vệ sinh thân thể tốt.

Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm như khói bụi và khói thuốc lá.

Đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng và nơi đông người.

Thăm khám bác sĩ ngay khi có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh.

Trên đây là một số thông tin hữu ích về vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae. Bệnh do vi khuẩn này gây ra nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây biến chứng và lây lan trong cộng đồng. Do đó, nếu có các triệu chứng của bệnh, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị.

==========
Phòng Dân số – TTGDSK

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *