Hiện nay, chất lượng dân số đang từng bước được nâng cao. Vì thế, theo các chuyên gia, để chất lượng dân số ngày càng phát triển bền vững chúng ta cần phải tích cực thay đổi nhận thức của người dân về việc sinh con trai, con gái, hướng tới một xã hội bình đẳng, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái.
Năm 2023, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao, 112 bé trai trên 100 bé gái, trong khi tỷ số tự nhiên khoảng 105/100.
Báo cáo Tình hình dân số, lao động và việc làm quý IV và cả năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn ở mức cao. Năm 2022, tỷ số này là 113,7 bé trai trên 100 bé gái, được đánh giá nghiêm trọng. Năm 2020 là 112,1 và năm 2019 là 111,5 bé gái trên 100 bé trai.
Thời gian qua, Việt Nam cũng đã tăng cường hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật, triển khai nhiều giải pháp can thiệp nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Ðề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030… đều là những chính sách nhằm từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh và tiến tới đưa về mức cân bằng tự nhiên.
Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Ninh, năm 2023 tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh là 113 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Mặc dù, tỷ số này hằng năm đã được khống chế, tuy nhiên không ổn định và tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do tư tưởng trọng nam, khinh nữ còn tồn tại trong xã hội. Vì thế, việc thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình hiện nay rất quan trọng để bảo đảm việc giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Các công bố trước đó chỉ rõ mất cân bằng giới tính tác động xấu tới cấu trúc dân số tương lai và dư thừa nam giới. Năm 2020, Tổng cục Thống kê từng dự báo Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới từ 15 đến 49 tuổi vào năm 2034 và tăng lên 1,8 triệu vào năm 2059 nếu mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn cao. Thiếu phụ nữ tạo áp lực kết hôn sớm với trẻ em gái, dễ dẫn tới bỏ học để lập gia đình và gia tăng buôn bán phụ nữ.
Theo đó, các nội dung tuyên truyền tập trung vào việc phổ biến, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh; nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh… Thông qua tuyên truyền, vận động, từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái.
===========
Phòng Dân số – TTGDSK
Một số bài viết khác:
Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn hưởng ứng Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10/2024: Vận động và sinh hoạt điều độ để có sức khỏe và phòng tránh bệnh tật
Xuất hiện văn bản giả mạo Sở Y tế Quảng Ninh thành lập đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm
Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn tập huấn công tác xã hội trong Bệnh viện năm 2024
Trung tâm Y tế Vân Đồn tổ chức tập huấn phát hiện – can thiệp sớm trẻ khuyết tật
Phòng ngừa tăng huyết áp gây đột quỵ
Khi nào nên nhổ răng khôn?