Các biện pháp phòng ngừa HIV/AIDS

Để tự bảo vệ mình khỏi nhiễm HIV, bạn cần xem xét, đánh giá kỹ các yếu tố rủi ro cá nhân của mình và lên một kế hoạch phòng ngừa cá nhân để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

Dưới đây là 8 công cụ và kỹ thuật khác nhau mà bạn có thể kết hợp trong phòng chống nhiễm HIV.

1. Biết được những yếu tố rủi ro

Phòng ngừa HIV bắt đầu bằng cách hiểu rõ sự thật – hiểu các phương thức lây truyền khác nhau và xác định các hoạt động có thể khiến bạn gặp rủi ro.

HIV lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp với tinh dịch, dịch trước khi xuất tinh, máu, dịch âm đạo, dịch trực tràng và sữa mẹ. Do đó, các nguy cơ chủ yếu lây truyền HIV là quan hệ tình dục qua đường hậu môn, âm đạo và dùng chung bơm kim tiêm. HIV cũng có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, sinh nở hoặc cho con bú (còn gọi là sự lây truyền HIV chu sinh). Một số người có nguy cơ nhiễm HIV do phơi nhiễm nghề nghiệp (chẳng hạn như vết thương do kim đâm, truyền máu, vết xước do cạo râu, vết mổ)…

HIV không thể lây lan khi chạm vào nhau, ôm hôn nhau, muỗi đốt, sử dụng chung đồ dùng thông thường, nhà vệ sinh, bồn rửa, vòi uống nước, khạc nhổ.

2. Dùng PrEP dự phòng trước phơi nhiễm HIV

Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) là một chiến lược phòng ngừa sử dụng một liều thuốc điều trị HIV hàng ngày, được gọi là thuốc kháng virus, có thể giảm tới trên 90% nguy cơ nhiễm HIV. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tất cả những người trưởng thành và thanh thiếu niên có hoạt động tình dục nên được giáo dục về PrEP.

PrEP là sự kết hợp của 2 loại thuốc kháng virus để dự phòng lây nhiễm HIV. PrEP được khuyến nghị cho bất kỳ ai có nhiều nguy cơ nhiễm HIV. PrEP cần phải được sử dụng một lần mỗi ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Khi dừng, thuốc sẽ hết tác dụng bảo vệ.

3. Không phát hiện = Không lây truyền

K = K (Không phát hiện = Không lây truyền) là một chiến lược dựa trên bằng chứng. Có nghĩa là những người đã có HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV mỗi ngày để đạt được ức chế tải lượng virus HIV dưới 200 bản sao/ml máu – tải lượng này không thể phát hiện được và đồng nghĩa với việc không thể truyền virus cho người khác. Tải lượng HIV dưới 200 bản sao/ml máu thường đạt được sau 6 tháng điều trị.

4. Luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục

Bao cao su luôn là một biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV được khuyến cáo sử dụng nhiều nhất. Luôn sử dụng bao cao su cho mỗi lần quan hệ tình dục, kể cả khi quan hệ qua đường hậu môn hay âm đạo, bao cao su vẫn được cho là phương tiện đáng tin cậy nhất để ngừa thai, phòng ngừa nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) khác.

Bạn cần lưu ý rằng, ngăn ngừa STDs là rất quan trọng vì chúng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV bằng cách làm tổn thương các mô âm đạo hoặc hậu môn mỏng manh. Điều này không chỉ đúng với bệnh giang mai, bệnh lậu gây ra vết loét hở mà còn với bất kỳ bệnh lây truyền qua đường tình dục nào gây viêm nhiễm bộ phận sinh dục

5. Thụ thai an toàn

Trong gần một nửa số cặp vợ chồng sống chung với HIV sẽ có 1 người dương tính với HIV và người kia âm tính với HIV.

Với những tiến bộ trong điều trị HIV, ngày nay các cặp vợ chồng có cơ hội thụ thai lớn hơn bao giờ hết. Người nhiễm HIV vẫn có khả năng mang thai đồng thời giảm thiểu nguy cơ lây truyền sang bạn tình không nhiễm HIV.

Trên thực tế, sự kết hợp giữa PrEP và tải lượng virus không thể phát hiện (K = K) sẽ đảm bảo khả năng bảo vệ chống lại sự lây truyền trong các mối quan hệ một người “có H” và một người không nhiễm.

6. Tránh lây truyền từ mẹ sang con

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bao gồm tất cả các giai đoạn của thai kỳ. Do việc sàng lọc HIV thường xuyên trong thời kỳ mang thai, việc lây truyền từ mẹ sang con thường được kiểm soát chặt chẽ.

Bằng cách cho người mẹ điều trị bằng thuốc kháng virus sớm khi mới mang thai, nguy cơ lây truyền là rất thấp. Sự lây truyền HIV chu sinh có thể ngăn ngừa được, rất nhiều bằng chứng đã cho thấy việc sử dụng thuốc điều trị HIV kết hợp với các chiến lược khác đã giúp giảm nguy cơ lây HIV từ mẹ sang con xuống dưới 1%. Ngay cả khi điều trị được bắt đầu muộn hơn trong thai kỳ, nguy cơ lây truyền sang con vẫn dưới 2%. Vì HIV có thể được tìm thấy trong sữa mẹ, vì vậy cũng nên tránh cho con bú.

7. Tránh dùng chung kim tiêm

Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma túy cao. Các nghiên cứu cho thấy rằng có từ 20-40% người tiêm chích ma túy bị nhiễm HIV do sử dụng chung bơm kim tiêm. Và không chỉ những người tiêm chích ma túy có nguy cơ mắc bệnh, bạn tình của họ cũng có thể gặp rủi ro, đặc biệt nếu họ không biết bạn tình của mình sử dụng ma túy. Các chương trình bơm kim tiêm sạch đã được chứng minh là làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm HIV và các bệnh như viêm gan B, C ở những người tiêm chích ma túy bằng cách không dùng chung bơm kim tiêm.

8. Ngăn ngừa HIV sau khi phơi nhiễm

Nếu bạn nghi ngờ rằng mình đã bị phơi nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su hoặc các hoạt động có nguy cơ cao khác, bạn có thể dùng thuốc điều trị HIV trong 28 ngày để có khả năng ngăn chặn sự lây nhiễm.

Được gọi là phương pháp điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP), chiến lược này hoạt động tốt nhất nếu được bắt đầu ngay sau khi tiếp xúc với virus. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng PEP có thể giảm tới 81% nguy cơ nhiễm HIV nếu bắt đầu trong vòng 72 giờ. Nếu vô tình tiếp xúc với HIV, bạn càng bắt đầu điều trị càng sớm thì càng tốt.

——————————–

Phòng Dân số – TTGDSK

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *