Cảnh giác dịch cúm gia cầm dịp Tết Nguyên đán

Cúm gia cầm ở người là bệnh truyền nhiễm do virus có thể lây nhiễm cho người và các động vật khác. H5N1 là dạng cúm gia cầm phổ biến nhất.

Cúm gia cầm là bệnh lây qua đường hô hấp, nguồn lây từ động vật sang người. Trong đó, H5N1 là virus cúm gia cầm đầu tiên lây sang người, còn gọi là cúm gà. Ca mắc bệnh đầu tiên được phát hiện tại Hồng Kông vào năm 1997. Nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát dịch là do các vấn đề liên quan đến xử lý gia cầm bị nhiễm bệnh chưa thực hiện tốt.

Về đường lây, virus H5N1 có vật chủ chính là gia cầm (vịt, gà tây, gà, ngan, ngỗng). Bệnh lây truyền qua tiếp xúc với phân của gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc từ dịch tiết ở mũi, miệng hoặc mắt.

Chợ và các địa điểm bán gia cầm trong điều kiện đông đúc và mất vệ sinh chính là nơi dễ nhiễm bệnh và có thể truyền bệnh sang cộng đồng đông dân cư. Thịt hoặc trứng gia cầm bị nhiễm bệnh nếu chưa được chưa nấu chín hoàn toàn cũng có thể truyền bệnh cúm gia cầm.

Tại Việt Nam, dịch cúm trên gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại các địa phương. Bên cạnh đó, thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Đồng thời, người dân có xu hướng tăng nuôi gia cầm để chuẩn bị phục vụ dịp Tết Nguyên đán năm 2024, do đó hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Đặc biệt, trong điều kiện giao lưu thương mại ngày càng rộng mở giữa Việt Nam và các nước, nguy cơ cúm gia cầm có thể xâm nhập vào nội địa và lây nhiễm sang người là rất lớn, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới với các quốc gia đang có dịch.

Thông tin từ đầu mối Điều lệ y tế quốc tế (IHR) Campuchia, từ ngày 23/11 đến nay, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) tại tỉnh Kampot. Tích lũy từ đầu năm 2023 đến nay, Campuchia đã ghi nhận 6 trường hợp nhiễm cúm A (H5N1), trong đó có 3 trường hợp tử vong. Đặc biệt, tỉnh Kampot (Campuchia) có biên giới giáp ranh với các tỉnh phía Tây Nam của Việt Nam.

Trước nguy cơ hiện hữu, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan lơ là. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc: Ăn chín, uống sôi, an toàn thực phẩm để phòng, chống dịch bệnh; Không tiếp xúc động vật ốm, chết và không sử dụng thực phẩm không an toàn.

Biểu hiện của bệnh cúm gia cầm cũng giống như bệnh cúm mùa; tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong có xu hướng cao hơn. Lưu ý, người nhiễm cúm gia cầm có thể không có triệu chứng. Các biểu hiện nặng hơn như khó thở hoặc viêm phổi, suy hô hấp với tỷ lệ tử vong cao.

Người dân cần đến các cơ sở y tế ngay lập tức nếu bị sốt, ho và cơ thể bị đau nhức và gần đây đã đi du lịch ở quốc gia hoặc khu vực đang có dịch cúm gia cầm.

Nguồn: Bộ Y tế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *