Cảnh giác với đái tháo đường thai kỳ: Những điều mẹ bầu cần biết

Trong suốt hành trình mang thai, sức khỏe của mẹ không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thai nhi. Một trong những vấn đề sức khỏe đáng lo ngại mà mẹ bầu có thể gặp phải là đái tháo đường thai kỳ. Đây là tình trạng tăng đường huyết trong thời kỳ mang thai, ảnh hưởng khoảng 10% phụ nữ mang thai, đặc biệt ở những người có yếu tố nguy cơ cao.

Tại sao mẹ bầu dễ mắc đái tháo đường thai kỳ?

Sự thay đổi hormone trong thai kỳ là yếu tố chính gây ra đái tháo đường thai kỳ. Bánh nhau sản xuất các hormone làm tăng đường huyết, và tuyến tụy của mẹ phải hoạt động mạnh hơn để tạo ra insulin nhằm kiểm soát lượng đường này. Khi cơ thể không thể sản xuất đủ insulin hoặc xuất hiện tình trạng kháng insulin, đường huyết sẽ tăng cao.

Một số yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Tiền sử gia đình mắc tiểu đường.
  • Lịch sử thai kỳ có biến chứng như thai chết lưu, dị tật, hoặc con to.
  • Béo phì, lối sống ít vận động, hoặc mắc các bệnh lý như cao huyết áp.

Đái tháo đường thai kỳ có nguy hiểm không?

Nếu không kiểm soát tốt, đái tháo đường thai kỳ có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng:

Đối với mẹ:

  • Nguy cơ tiền sản giật, nhiễm trùng, hoặc cần phải sinh mổ.
  • Gia tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 trong tương lai.

Đối với thai nhi:

  • Nguy cơ sảy thai, sinh non, hoặc thai chết lưu.
  • Dị tật bẩm sinh, suy hô hấp, hoặc hạ đường huyết sau sinh.
  • Trong tương lai, trẻ có nguy cơ cao bị béo phì và đái tháo đường type 2.

Phát hiện và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ như thế nào?

Để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, thai phụ nên thực hiện xét nghiệm đường huyết định kỳ, đặc biệt nếu có yếu tố nguy cơ. Khi đã xác định mắc bệnh, việc điều trị và quản lý kịp thời là điều tối quan trọng.

Các phương pháp kiểm soát hiệu quả:
  1. Chế độ ăn uống hợp lý:
    • Chia nhỏ bữa ăn trong ngày (3 bữa chính và 2-3 bữa phụ).
    • Hạn chế thực phẩm chứa nhiều carbohydrate tinh chế, đường và chất béo bão hòa.
    • Tăng cường tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, trái cây ít đường, và protein lành mạnh.
    • Đảm bảo cung cấp 20-35g chất xơ mỗi ngày.
  2. Vận động:
    • Thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, hoặc bơi lội để giúp cải thiện khả năng sử dụng insulin.
  3. Theo dõi đường huyết:
    • Kiểm tra đường huyết hàng ngày để đảm bảo trong giới hạn an toàn.
  4. Sử dụng thuốc:
    • Nếu chế độ ăn uống và vận động không đủ để kiểm soát đường huyết, bác sĩ có thể chỉ định tiêm insulin hoặc sử dụng thuốc phù hợp.

Theo BS.CKI Bùi Thanh Tuấn, Phó trưởng khoa – Phụ trách Khoa CSSKSS và Phụ Sản – TTYT huyện Vân Đồn cho biết: Đái tháo đường thai kỳ có thể được kiểm soát tốt nếu mẹ bầu tuân thủ các hướng dẫn y tế và duy trì lối sống lành mạnh. Sau khi sinh, phần lớn các trường hợp sẽ tự khỏi, nhưng mẹ vẫn cần tái khám để đánh giá nguy cơ đái tháo đường type 2 trong tương lai.

Hãy nhớ, sức khỏe của mẹ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của bé. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong thai kỳ, hãy đến cơ sở y tế để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *