Từ đầu năm đến cuối tháng 4/2022, cả nước ghi nhận hơn 14.700 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó 6 trường hợp tử vong. Ở Quảng Ninh, đến thời điểm này số ca mắc SXH chỉ rải rác, nhưng nếu không chủ động phòng, ngừa, với thời tiết mưa, nắng thất thường như hiện nay rất dễ bùng phát dịch bệnh này.

Zalo
Phun diệt muỗi ở phường Hồng Hải (TP Hạ Long).

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, tính đến hết ngày 7/6/2022, toàn tỉnh ghi nhận 15 ca mắc SXH, tương đương cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, kết quả giám sát véc tơ mới đây tại một số nơi cho thấy có xuất hiện véc tơ truyền bệnh với chỉ số cao, trên ngưỡng gây dịch; cá biệt có một số điểm chỉ số véc tơ cao gấp 2 lần ngưỡng gây dịch.

Cụ thể, xã Đông Xá (huyện Vân Đồn) có chỉ số BI (số dụng cụ chứa nước có bọ gậy Aedes trong 100 nhà điều tra) = 47, thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn) có chỉ số BI= 33, xã Lê Lợi (TP Hạ Long) có chỉ số BI=40, phường Hoành Bồ (TP Hạ Long) có chỉ số BI= 36, thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu) có chỉ số BI=43. Trong khi đó, theo quy định với khu vực phía Bắc, chỉ số này nếu trên 20 là cao. Do đó nguy cơ xảy ra dịch SXH ở những nơi này rất lớn nếu không có các biện pháp kiểm soát véc tơ truyền bệnh kịp thời.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, đầu tháng 5/2022, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 2781/UBND-VX5 chỉ đạo triển khai các hoạt động tăng cường phòng, chống SXH. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trong ngành tập trung cho công tác này; trong đó đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về dịch bệnh, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn, giám sát các ca bệnh SXH tại các đơn vị điều trị và trong cộng đồng, lấy mẫu giám sát, giám sát véc tơ, đánh giá tình hình dịch để đề xuất các giải pháp phòng, chống kịp thời; rà soát vật tư, hóa chất chuẩn bị đáp ứng kịp thời nếu dịch bệnh bùng phát; chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị vật tư cần thiết để sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân, hạn chế ca bệnh SXH nặng và không để xảy ra tử vong…

Zalo
Cán bộ CDC tỉnh giám sát chỉ số ổ bọ gậy nguồn tại TP Hạ Long.

Điều đáng mừng là trong nhiều năm qua, Quảng Ninh làm khá tốt công tác phòng, chống SXH. Công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh được chú trọng, như: Tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của các xã, phường, thị trấn; tại các khu vực có ca mắc, người dân được phát tờ rơi hướng dẫn phòng, chống SXH và truyền thông trực tiếp tại các hộ gia đình. Một số khu vực ổ dịch được truyền thông bằng phát thanh trên xe lưu động, thực hiện kí cam kết hộ gia đình không có bọ gậy… Năm 2021, có hơn 7.200 người ở khu vực nguy cơ cao, ổ dịch SXH được tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh này.

Đồng thời tỉnh tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện các ổ dịch, nơi nguy cơ dịch bùng phát. Năm 2021, toàn tỉnh có 40 xã, phường, thị trấn của 13 huyện, thị xã, thành phố thực hiện giám sát ca bệnh chủ động; 82 xã được giám sát véc tơ gây bệnh… Qua đó, có 4.658 hộ được kiểm tra. Nhờ vậy đã giúp ngành Y tế tỉnh, các địa phương kịp thời phát hiện những nơi nguy cao bùng phát dịch SXH, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời. Với 18 ổ dịch SXH trên địa bàn tỉnh ghi nhận trong năm 2021, ngành Y tế tỉnh đã chủ động phun diệt, hướng dẫn người dân xử lý các dụng cụ chứa nước, loại bỏ các ổ lăng quăng bọ gậy và các biện pháp phòng, chống muỗi đốt. Qua đó đã tổ chức 331 lần thu gom dụng cụ phế thải với 5.542 dụng cụ được thu gom.

Zalo
Hội viên, phụ nữ xã Tân Dân (TP Hạ Long) ra quân “Ngày Chủ nhật xanh”. Ảnh: Ngọc Khánh (CTV)

Bên cạnh giám sát SXH trong cộng đồng, các đơn vị chú trọng giám sát, phát hiện ca bệnh. Trung tâm y tế cấp huyện 2 chức năng có sự phối hợp tốt giữa các khoa điều trị và khoa kiểm soát dịch, các ca bệnh được phát hiện sớm, điều tra và xử lý kịp thời. Các bệnh viện đều tuân thủ báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định. Năm 2021, toàn tỉnh ghi nhận 459 ca mắc SXH, không có trường hợp tử vong do bệnh này.

Mặc dù hoạt động phòng, chống SXH thời gian qua khá hiệu quả, tuy nhiên qua giám sát ổ bọ gậy nguồn tại một số xã, phường điểm trên địa bàn tỉnh cho thấy tỷ lệ tập trung bọ gậy Aedes cao thường ở các dụng cụ phế thải, như mảnh bát, thủy tinh vỡ, lốp xe… có đọng nước, mà muỗi Aedes là loại vật truyền bệnh SXH, do đó người dân không được chủ quan với dịch bệnh.

Cách phòng bệnh tốt nhất hiện nay vẫn là phun thuốc diệt muỗi định kỳ; đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…) để diệt lăng quăng/bọ gậy. Người dân nên rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ hằng tuần, thường xuyên thay nước bình hoa và lật úp các dụng cụ chứa nước không dùng đến. Trong phong trào ngày chủ nhật xanh, các tổ dân, khu phố, thôn, xóm cần lưu ý người dân thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà (chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…) để muỗi không còn nơi đẻ trứng. Phòng muỗi đốt bằng cách dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi; ngủ trong màn.