Chung tay phá vỡ rào cản – phòng, chống bệnh dại

Đó là chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại năm 2024 với kỳ vọng sự tham gia tích cực của mọi nhà, mọi người, mọi ngành và cả cộng đồng trong phòng, chống bệnh dại sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu loại trừ bệnh dại vào năm 2030.

Những năm gần đây, nước ta đã ghi nhận hàng trăm ca tử vong do bị chó mèo dại cắn mà không tiêm vắc xin phòng dại. Hàng triệu người bị chó cắn và tai nạn giao thông do chó mèo thả rông. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại đang có xu hướng gia tăng. Năm 2021 có 66 ca tử vong, năm 2022 là 70 ca, và năm 2023 là 82 ca. Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 67 ca mắc tại 31/63 tỉnh, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.

Tại Quảng Ninh, chưa ghi nhận ca mắc dại ở người (giảm 2 ca so với cùng kỳ 2023), nhưng có 10 ổ dịch dại trên động vật tại 6/13 địa phương, trong đó tháng 8 và 9 ghi nhận 2 ổ dịch tại Móng Cái và Hải Hà. Tất cả các trường hợp phơi nhiễm đều được xử lý và tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, nguy cơ dịch dại trên động vật và lây nhiễm sang người vẫn còn;

Bệnh dại chủ yếu do bị chó mèo dại cắn, cào, hoặc tiếp xúc với chúng. Bệnh có thể phòng tránh bằng cách tiêm phòng cho chó mèo theo hướng dẫn của thú y, không thả rông, và chó mèo ra đường phải rọ mõm. Người bị cắn cần rửa vết thương, sát khuẩn, và đến trung tâm y tế để được khám và tiêm vắc xin phòng dại. Chủ nuôi chó mèo để xảy ra cắn người vô cớ sẽ bị xử phạt, và nghiêm cấm việc dùng biện pháp không được y học công nhận. Mọi vi phạm về phòng chống bệnh dại sẽ bị xử lý nghiêm.

Theo bác sĩ Vũ Đình Tuyển, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn cho biết: Bệnh dại do vi rút dại (Rhabdovirus) gây ra, lây từ động vật sang người qua chất tiết, thường là nước bọt. Thời gian ủ bệnh thường 2-8 tuần, ngắn thì khoảng 10 ngày, dài có khi 1-2 năm, tùy lượng vi rút và độ nặng vết thương. Người bệnh sẽ nhiễm vi rút cấp tính tại hệ thần kinh trung ương. Bệnh dại hiện không thể điều trị. Khi lên cơn dại, 100% trường hợp tử vong. Biện pháp phòng bệnh là tiêm vắc-xin phòng dại ngay sau khi bị chó, mèo cắn, cào.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, mọi người cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để phòng chống bệnh dại. Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có). Hạn chế làm dập nát vết thương và không băng kín vết thương. Sau đó đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.
===========
Phòng DS-TTGDSK

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *