Công tác dân số trong tình hình mới: Sẽ có chặng đường thành công và tự hào

60 năm qua, công tác DS-KHHGÐ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Chúng ta đã khống chế được tỷ lệ tăng dân số quá nhanh, quy mô dân số ở mức hợp lý.

“Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, bằng những nỗ lực của mình, công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước” – Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục Trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ chia sẻ với Báo Sức khỏe&Đời sống về những thành tựu 60 năm qua của ngành dân số Việt Nam.

Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế). Ảnh: Chí Cường

Ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế). Ảnh: Chí Cường

Góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước

Thưa ông Nguyễn Doãn Tú, xin ông cho biết về những thành tựu nổi bật mà công tác dân số đã đạt được trong 60 năm qua!

60 năm qua, công tác DS-KHHGÐ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Chúng ta đã khống chế được tỷ lệ tăng dân số quá nhanh, quy mô dân số ở mức hợp lý, duy trì ổn định mức sinh thay thế trong suốt 15 năm qua, từ đó đã kéo dài được thời gian cơ cấu dân số vàng và giảm tốc độ già hóa dân số.

Năm 1961, tỷ lệ tăng dân số hàng năm của Việt Nam ở mức rất cao (3,6%/năm), nay đã giảm xuống còn 1,03%/năm. Mức sinh của Việt Nam khi đó trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 15-49 có 6,4 con. Tốc độ gia tăng dân số nhanh đã được khống chế thành công, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và duy trì vững chắc trong suốt 15 năm qua, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết TW 4 khóa VII.

Nhờ mức sinh giảm nên quy mô dân số nước ta tăng chậm. Số dân tăng thêm bình quân là 950 ngàn người/năm. Năm 2020, dân số nước ta là 97,2 triệu người, thấp hơn gần 1 triệu người so với mục tiêu Chiến lược DS-SKSS giai đoạn 2011-2020 đề ra, xếp thứ 15 trên thế giới.

Thành tựu tiếp theo là từ năm 2007 nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng; số lượng và tỉ trọng dân số phụ thuộc giảm, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh (chiếm khoảng 70% tổng dân số). Sự tăng tỷ số trong nhóm độ tuổi lao động và giảm tỷ số trong nhóm dân số phụ thuộc là nhờ kết quả của công tác DS-KHHGÐ.

Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng liên tục đạt mức trung bình cao trên thế giới. Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam cũng tăng lên một cách đáng kể (tăng từ 72,8 tuổi năm 2009 lên 73,7 tuổi năm 2020). Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện. Việc khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh đã có kết quả bước đầu. Tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh từ 1,15 điểm phần trăm/năm (giai đoạn 2006-2008) xuống 0,8 điểm phần trăm/năm (giai đoạn 2009-2015) và 0,4 điểm phần trăm (giai đoạn 2016-2020). Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được quan tâm, đẩy mạnh, góp phần quan trọng vào việc phát huy vai trò, trí tuệ, khả năng đóng góp cho xã hội và việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngày càng được coi trọng, cải thiện và nâng lên.

Công tác tuyên truyền, giáo dục dân số có bước đột phá. Nội dung tuyên truyền thiết thực, sinh động, dễ hiểu đã được đưa vào các cuộc thi, hoạt động văn hóa cộng đồng, giáo dục trong và ngoài nhà trường. Hình thức, sản phẩm truyền thông đa dạng, phong phú, chất lượng ngày càng  cao, phù hợp với từng nhóm đối tượng và lứa tuổi. Ðội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số, tuyên truyền viên với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” kiên trì, thường xuyên, liên tục tuyên truyền vận động đến từng cặp vợ chồng, từng gia đình. Phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng tại các hoạt động tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân số. Hàng chục nghìn câu lạc bộ, mô hình truyền thông về DS-KHHGÐ hoạt động hiệu quả ở mọi vùng miền.

Dịch vụ DS-KHHGÐ được mở rộng, chất lượng ngày càng cao. Mạng lưới cung cấp dịch vụ DS-KHHGÐ được phát triển rộng khắp, gần dân. Phương thức cung cấp dịch vụ KHHGÐ được đổi mới căn bản, nhiều dịch vụ đã được đưa đến tận nơi người có nhu cầu.

Có thể nói, thành tựu của chương trình DS-KHHGÐ Việt Nam đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước: Góp phần nâng cao sức khỏe bà mẹ và giảm tử vong ở trẻ em; tăng cường bình đẳng giới, nâng cao vị thế năng lực cho phụ nữ; nâng cao chất lượng giáo dục; góp phần làm tăng GDP bình quân đầu người, kéo dài thời gian cơ cấu dân số vàng và giảm tốc độ già hóa dân số.

Vượt qua những khó khăn, thách thức

Thưa ông, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hiện nay, công tác dân số của nước ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức nào cần phải giải quyết? Ðâu là thách thức lớn nhất, khó giải quyết nhất?

Công tác dân số đã có những thành tựu góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước, song hiện nay cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn.

Việt Nam đã đạt được và duy trì mức sinh thay thế trong 15 năm qua. Tuy nhiên, thách thức hiện tại là sự chênh lệch mức sinh giữa các khu vực, các vùng. Mức sinh ở khu vực thành thị, vùng Ðông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long giảm sâu dưới mức “2 con”. Trong khi đó khu vực Tây Nguyên, miền núi và trung du phía Bắc, Bắc Trung Bộ vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Vì vậy, xây dựng các giải pháp phù hợp từng vùng, từng tỉnh để vừa bảo đảm duy trì vững chắc mức sinh thay thế, vừa tiến tới đồng đều về mức sinh trên phạm vi cả nước là yêu cầu, cũng là thách thức lớn.

Cán bộ Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh Bắc Giang tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh THPT trên địa bàn. Ảnh: PV

Cán bộ Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh Bắc Giang tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh THPT trên địa bàn. Ảnh: PV

Ở nước ta, mất cân bằng giới tính khi sinh được ghi nhận vào năm 2006, khi cứ 100 cháu gái được sinh ra thì tương ứng có tới 110 cháu trai. Sự mất cân bằng đang tăng lên, chưa có dấu hiệu dừng lại. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra, đến giữa thế kỷ 21, dân số Việt Nam trong độ tuổi trưởng thành, nam giới sẽ nhiều hơn nữ khoảng từ 2,3 triệu đến 4,3 triệu người.

Năm 2007, chúng ta bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng khi số người trong độ tuổi lao động nhiều gấp 2 lần số người phụ thuộc. Ðây là dư lợi rất lớn, mang lại cơ hội cho phát triển kinh tế và nhiều vận hội khác để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, các chuyên gia đã cảnh báo: Mỏ vàng không khai thác thì còn, cơ cấu dân số vàng không khai thác thì sẽ mất (dự báo vào khoảng năm 2040). Vì vậy, cần khẩn trương tận dụng cơ hội quý hiếm này để phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Một thách thức nữa trong công tác dân số ở nước ta là Việt Nam có tốc độ già hoá dân số thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Năm 2011, số dân từ 60 tuổi trở lên của nước ta chiếm 10% dân số, chính thức bước vào quá trình già hóa dân số. Theo dự báo, Việt Nam sẽ có “dân số già” vào năm 2035, khi tỷ lệ này tăng lên tới 20% số dân. Già hóa dân số là biểu hiện của thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, nhưng với một nước đang phát triển, thế hệ người cao tuổi hiện nay trải qua nhiều năm chiến tranh và nghèo khó nên già hóa dân số cũng đặt ra nhiều vấn đề như: an sinh xã hội, thu nhập, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi… Vì vậy, “thích ứng với già hóa dân số” cũng đang là một thách thức lớn hiện nay.

Một thách thức vô cùng lớn với chúng ta, đó là chất lượng dân số được cải thiện nhưng vẫn còn thấp. Nhờ những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, chất lượng dân số của nước ta không ngừng được nâng lên, chỉ số phát triển con người đã tăng từ 0,486 năm 1992 lên 0,683 vào năm 2016. Tuy nhiên, so với thế giới, thứ hạng vẫn còn thấp, chưa bao giờ Việt Nam lọt vào nhóm 100 nước phát triển nhất, chưa rút ngắn được khoảng cách so với các nước trên thế giới; trong đó, năng suất lao động vẫn là thành tố yếu nhất khi nói đến chất lượng dân số. Ðiều này cho thấy những thách thức trong việc đạt mục tiêu “nâng cao chất lượng dân số” mà chúng ta đã đề ra.

Các khó khăn thách thức như trên đều có tác động lớn sự phát triển kinh tế – xã hội. Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới xác định rõ quan điểm: Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Ðảng, toàn dân. Vì vậy, thách thức lớn nhất, khó giải quyết nhất là làm thế nào tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ tập trung vào KHHGÐ sang Dân số và phát triển, giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Là người đứng đầu ngành dân số, điều gì khiến ông trăn trở nhất về công tác dân số ở nước ta hiện nay?

Theo Nghị quyết 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, thách thức lớn nhất, khó giải quyết đó là: Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tính chất lâu dài, khó khăn, phức tạp, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình; lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa hiệu quả.

Ðội ngũ làm cán bộ làm công tác dân số hầu hết chỉ được đào tạo về DS-KHHGÐ, chưa được đào tạo nhiều về dân số và phát triển nên trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số  vẫn còn nặng về kế hoạch hóa gia đình, chưa chú trọng tới các mặt cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và gắn các yếu tố dân số vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của từng vùng, từng địa phương và tác động qua lại với phát triển kinh tế – xã hội. Ðó chính là thách thức lớn nhất, trăn trở nhất cho sự thành công của công tác dân số.

Kế thừa và phát huy truyền thống của ngành

Dưới góc độ là đơn vị quản lý, Tổng cục Dân số có những đề xuất, kiến nghị như thế nào để công tác dân số và phát triển trong thời gian tới đạt được mục tiêu như trong Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra?

Ðề xuất lớn nhất vẫn là mong muốn được đẩy mạnh, tăng cường nguồn lực cho công tác dân số trong thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai.

Giai đoạn 2016-2020: Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số chủ yếu từ Chương trình mục tiêu Y tế – Dân số. Theo Luật Ngân sách Nhà nước, Thủ tướng đã phân cấp rõ nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, một số địa phương thiếu quan tâm, không bố trí hoặc bổ sung ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ theo phân cấp, làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu đã được đề ra.

Từ năm 2021, Chương trình mục tiêu Y tế – Dân số kết thúc, nguồn ngân sách Trung ương cho công tác dân số thiếu; ngân sách địa phương không đáp ứng được nhu cầu thiết yếu, có địa phương không bố trí được ngân sách. Ðồng nghĩa nguồn lực để thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 21 của Ðảng, Nghị quyết 137/NQ-CP của Chính phủ và Chiến lược Dân số Việt Nam rất hạn chế.

Cộng tác viên dân số xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An trao đổi với chị em phụ nữ về công tác dân số. Ảnh: Công Kiên

Cộng tác viên dân số xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An trao đổi với chị em phụ nữ về công tác dân số. Ảnh: Công Kiên

Ðứng trước thực trạng này, trong thời gian qua, Tổng cục đã tham mưu Lãnh đạo Bộ Y tế ban hành nhiều văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn xây dựng kế hoạch và đề nghị bố trí nguồn lực để triển khai chiến lược, các chương trình, đề án. Ðồng thời, ban hành 03 thông tư hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ và đang phối hợp với Bộ Tài chính để hướng dẫn các nội dung mức chi, giá dịch vụ cho các nội dung chuyên môn đặc thù.

Ðể đạt được các mục tiêu của Nghị quyết 21 của Ðảng và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Tổng cục DS-KHHGÐ đề xuất:

Ðối với Quốc hội, Chính phủ: Quan tâm, bố trí kinh phí cho công tác dân số và sớm sửa đổi, bổ sung quy định rõ nội dung phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước cho công tác dân số (đã nêu tại Nghị quyết 137/NQ-CP). Toàn bộ các dự án ODA cho lĩnh vực dân số đã kết thúc, đề nghị đưa các nội dung của công tác dân số vào danh mục các dự án ưu tiên vận động viện trợ nước ngoài trong danh mục chung của Bộ y tế trong thời gian tới.

Ðối với các địa phương: Ðề nghị Lãnh đạo UBND, HÐND quan tâm, chỉ đạo bố trí đầy đủ nguồn lực triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch được phê duyệt theo Nghị quyết 137/NQ-CP của Chính phủ”.

Có được những kết quả thành công nói trên, trước hết nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Ðảng và chính quyền; sự tham gia tích cực của các Bộ, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể chính trị – xã hội trong cả nước; sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của các nước và các tổ chức quốc tế đối với công tác DS-KHHGÐ trong suốt 60 năm qua.

Chặng đường trước mắt còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng tôi tin với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, truyền thống đoàn kết, đồng lòng và hết lòng vì sự nghiệp dân số của những người làm công tác dân số từ Trung ương đến cơ sở, chắc chắn chúng ta sẽ có một chặng đường mới tiếp theo đầy thành công và tự hào.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: SKĐS

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *