Báo cáo của các địa phương cho thấy đến hết ngày 12/6, cả nước đã ghi nhận hơn 52.200 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 29 trường hợp tử vong.
Sốt xuất huyết trở thành dịch khi mất cân bằng giữa 3 yếu tố
Số ca sốt xuất huyết ở nước ta đang ngày một gia tăng và chưa có chiều hướng giảm. Bộ Y tế cảnh báo hiện nay đang là cao điểm mùa dịch số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, dự báo số mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Báo cáo của các địa phương cho thấy đến hết ngày 12/6, đã ghi nhận hơn 52.200 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 29 trường hợp tử vong. Các chuyên gia dự báo dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát mạnh trong tháng 6 và tháng 7/2022.
Theo GS.TS Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, sốt xuất huyết trở thành dịch khi mất cân bằng giữa 3 yếu tố: thứ nhất, đối với tác nhân gây bệnh ở đây là virus sốt xuất huyết; thứ hai là véc tơ tức là muỗi vằn và thứ ba là khối cảm thụ, tức là con người.
“Đối với vec tơ truyền bệnh bệnh là muỗi vằn, chúng ta phải kiểm soát các vật dụng chứa nước và chứa đồ linh tinh khiến cho loăng quăng và bọ gậy phát triển”- GS.TS Phan Trọng Lân nói.
Quyết liệt để ngăn chặn sốt xuất huyết bùng phát, lan rộng
Trong thời gian qua, để nâng cao hiệu quả hoạt động, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, ngay từ cuối tháng 4/2022, Bộ Y đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống sốt xuất huyết.
Tiếp sau đó, giữa tháng 5/2022, Bộ Y tế lại có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh năm 2022, trong đó nhấn mạnh đến dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng và một số bệnh truyền nhiễm khác.
Đối với các địa phương, Cục Y tế dự phòng đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành thực hiện mạnh mẽ chiến dịch truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 12 (ngày 15/6/2022) với chủ đề “Đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết”.
Cục Y tế dự phòng đề nghị lãnh đạo các Viện trên thành lập ngay các đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, huyện, vùng nóng ghi nhận số mắc và tử vong do sốt xuất huyết cao để tập trung hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật và hóa chất, vật tư phòng chống sốt xuất huyết.
Phân tích, đánh giá tình hình, nguyên nhân gia tăng sốt xuất huyết và nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các tỉnh thành phố thuộc khu vực phụ trách. Kịp thời báo cáo và chủ động tham mưu Bộ Y tế về công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Hướng dẫn các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, đảm bảo phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển độ nặng; tổ chức xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại khu vực có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện.
Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc địa phương triển khai mạnh mẽ công tác truyền thông cao điểm trong tháng 6-7/2022 hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết, vận động người dân lật úp các dụng cụ chứa nước đọng không sử dụng, đậy kín dụng cụ chứa nước để ngăn muỗi đẻ trứng và diệt muỗi, lăng quăng bọ gậy phòng chống bệnh sốt xuất huyết…
Đồng thời các Viện phải tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giảm sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng/bọ gậy, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng.
Cùng đó, để nầng cao hiệu quả điều trị sốt xuất huyết, vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tổ chức lớp tập huấn công tác điều trị bệnh dịch sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng và hậu COVID-19 cho gần 1.000 y bác sĩ.
Tại buổi tập huấn đó, lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã đề nghị các bệnh viện bố trí phòng khám lại, thời gian khám lại các ca bệnh sốt xuất huyết Dengue vào các khung giờ phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh sốt xuất huyết Dengue và người bệnh khác;
Các bệnh viện cần tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết Dengue đang nằm nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh sốt xuất huyết Dengue có diễn biến nặng lên.
Đồng thời ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết, tăng cường củng cố và duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị sốt xuất huyết” và “Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue” tại các đơn vị khám, chữa bệnh để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết…
Ở công văn ban hành ngày 27/4, Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến thời điểm đó cả nước ghi nhận hơn 14.700 ca sốt xuất huyết, trong đó 6 ca tử vong. Dự báo số ca sốt xuất huyết có thể gia tăng trong thời gian tới do vào mùa dịch, các tỉnh thành xây dựng phương án phòng chống… Và đúng như dự báo, đến ngày 12/6, ca mắc đã tăng lên hơn 52.000 với 29 trường hợp tử vong.
Như vậy có thể thấy, chỉ trong vòng gần 1,5 tháng, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng nhanh chóng, gấp 3 lần và số tử vong tăng thêm 23 trường hợp.
Một số bài viết khác:
Ngày An Toàn Người Bệnh Thế Giới – 17/9 Chủ đề: Cải Thiện Chẩn Đoán – Vì Sự An Toàn Của Người Bệnh
Ngày Sơ Cấp Cứu Thế Giới – 14/9 với Chủ đề: Sơ Cấp Cứu và Thể Thao – Bảo Vệ Sức Khỏe và An Toàn Cộng Đồng
Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn mang niềm vui Trung Thu đến các bệnh nhi năm 2024
Phình động mạch chủ bóc tách
Tật thừa Răng
Viêm gan B “kẻ giết người” thầm lặng