Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế thiết nghĩ không cần phải nói thêm, bởi nó đang diễn ra ở hầu khắp các bệnh viện.
Hai năm tập trung chống dịch Covid-19, nhiều nhà máy sản xuất thuốc trên thế giới bị đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy. Việc căn cứ số liệu của năm 2021 để dự trù thuốc của các bệnh viện không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của năm nay khi số bệnh nhân sau đại dịch tăng đột biến.
Ngày 29/6, Văn phòng Chính phủ có thông báo số 192 về kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ liên quan đến tình trạng thiếu thuốc, trong đó yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tháo gỡ các điểm nghẽn trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc để “bằng mọi giá không để thiếu thuốc trong các bệnh viện”.
Mạnh dạn thay đổi cơ chế
Không phải đến bây giờ tình trạng thiếu thuốc mới xảy ra. Những bất cập trong cơ chế cung ứng, đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế đã được cảnh báo từ lâu nhưng vẫn chưa được giải quyết tận gốc. Cộng thêm những sự cố xảy ra gần đây trong ngành y liên quan đến những cuộc thanh tra, điều tra về sai sót trong đấu thầu, mua sắm càng làm tăng tâm lý sợ sai, dẫn đến chậm trễ đấu thầu cung ứng thuốc, khiến tình trạng thiếu thuốc càng thêm trầm trọng.
Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là lấy tiêu chí “rẻ nhất” để trúng thầu và giá trúng thầu năm nay phải thấp hơn năm trước. Cách làm này đang làm méo mó hoạt động cung ứng thuốc cho các bệnh viện và giảm dần giá trị viên thuốc.
Thuốc giá thấp vào được bệnh viện bằng mọi giá thì sẽ dẫn đến tình trạng dồn thuốc này cho bệnh nhân BHYT; thuốc tốt hơn với giá cả hợp lý chỉ có ngoài thị trường và người dân phải tự mua. Không có thuốc tốt, bác sĩ sẽ khó điều trị dứt điểm cho bệnh nhân, nhất là những ca nặng; số ngày điều trị phải tăng lên, vừa mất thời gian của bác sĩ, vừa mất tiền bạc của người dân. Trong bối cảnh các bệnh viện lớn luôn quá tải trầm trọng thì đây là vấn đề cần được tính toán một cách nghiêm túc.
Việc diễn giải quy định về danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương hiện không đồng nhất trong các thông tư của Bộ Y tế, khiến các cơ sở y tế lúng túng khi triển khai.
Cụ thể, thông tư 15/2019/TT-BYT có nêu: Cơ sở y tế được tự tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc đàm phán giá và phải bảo đảm về thời gian, số lượng không được vượt quá nhu cầu sử dụng trong 12 tháng (kể từ ngày đơn vị mua sắm tập trung thông báo bằng văn bản).
Trong khi đó, thông tư 15/2020/TT-BYT, với những điều khoản sửa đổi TT15/2019, lại quy định: Thuốc được đưa vào danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương phải đáp ứng các tiêu chí “Thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu và không thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá”. Qui định này dẫn tới việc diễn giải là nếu thuốc đã nằm trong các danh mục đấu thầu tập trung quốc gia này thì các bệnh viện sẽ không được tổ chức đấu thầu (trên thực tế, bệnh viện đã phải tổng hợp và gửi các cơ quan thẩm quyền cơ số dự trù sử dụng liên quan).
Những nghịch lý này nếu không sớm khắc phục sẽ không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng thuốc chữa bệnh mà còn cản trở ngành công nghiệp dược trong nước phát triển bền vững. Sẽ là bài toán không khả thi để phát triển sản phẩm chất lượng tốt khi mà giá phải thật thấp!
Ngày 29/6 vừa qua, Trung tâm mua sắm thuốc tập trung quốc gia đã mở hồ sơ đề xuất tài chính các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023, gồm 528 sản phẩm thuốc, dự kiến trong tháng 7 có kết quả đấu thầu.
Đồng thời, Bộ Y tế đang đàm phán giá đối với 62 biệt dược gốc trên tổng số hơn 700 thuốc trong danh mục đàm phán giá (theo thông tư 15/2020/TT-BYT). Nghĩa là còn hơn 90% thuốc theo danh mục chưa tiến hành đàm phán giá.
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc rà soát, sửa đổi ngay các quy định còn bất cập liên quan đến công tác đấu thầu thuốc theo chỉ đạo của Thủ tướng mới đây, về lâu dài, cần mạnh dạn thay đổi cơ chế, phương thức để việc đấu thầu, cung ứng thuốc cho các bệnh viện thuận lợi hơn, kịp thời hơn mà vẫn đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý nhất.
Trao quyền cho bệnh viện
Đấu thầu để minh bạch, công khai việc mua sắm công là cần thiết, nhưng nếu không kiểm soát tốt, sẽ dễ nảy sinh tiêu cực, “quân xanh quân đỏ”, kết quả không phản ánh đúng thực chất. Vì vậy, không nên máy móc, rập khuôn, cái gì cũng phải qua đấu thầu, vừa mất thời gian, vừa tốn phí nhân lực. Bởi, mục tiêu hướng đến cuối cùng của bệnh viện là làm sao phục vụ người bệnh tốt nhất. Bệnh viện cần có những loại thuốc tốt nhất để điều trị cho bệnh nhân với giá cả hợp lý. Nhưng, hợp lý không có nghĩa là giá thấp nhất.
Chẳng hạn với biệt dược gốc (brand name), là thuốc phát minh với chi phí cao hơn các thuốc khác, chỉ khi thật cần thiết, bác sĩ mới chỉ định dùng cho bệnh nhân. Thực tế, vai trò tiên phong trong việc nghiên cứu và phát triển các thuốc mới là không thể phủ nhận với điển hình là trong đại dịch.
Chính vì vậy, cần đàm phán giá (việc Bộ Y tế tổ chức đàm phán giá một số loại thuốc hồi cuối tháng 6 là như vậy), nhằm thương lượng được giá tốt nhất, có lợi nhất thông qua việc tăng cường tiếp cận cho người bệnh.
Còn với thuốc đã hết hạn bản quyền (generic), có thể được sản xuất hàng loạt ở nhiều doanh nghiệp khác nhau, thị trường phong phú đa dạng về chủng loại, giá cả (loại thuốc này đang chiếm phần lớn trong kho thuốc các bệnh viện), thì nên giao quyền tự chủ cho các bệnh viện để họ đấu thầu lựa chọn, mua trực tiếp.
Vì uy tín, thương hiệu của mình, các bệnh viện sẽ quyết định mua thuốc nào, giá bao nhiêu là hợp lý. Khi có nhiều loại thuốc, bác sĩ sẽ có nhiều lựa chọn để kê đơn sao cho phù hợp nhất với nhu cầu điều trị, thay vì chỉ được dùng thuốc giá thấp đã trúng thầu như trước.
Lãnh đạo một số bệnh viện lớn đề xuất cần nhanh chóng sửa đổi và bổ sung các nội dung mới của luật Bảo hiểm y tế, xây dựng các gói dịch vụ y tế cơ bản và phát triển các gói bảo hiểm y tế khác nhau; mở rộng các trường hợp tự nguyện đồng chi trả phù hợp với nhu cầu và điều kiện của các nhóm đối tượng khác nhau, đảm bảo công bằng chứ không cào bằng.
Đó cũng chính là mục tiêu mà nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 của Đảng về “Đa dạng các gói bảo hiểm y tế. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại” đã đề ra.
Các chuyên gia ngành y đã chỉ ra những giải pháp rất căn cơ và cụ thể, phần nào gỡ vướng cho những điểm nghẽn hiện nay. Nhưng để các giải pháp này thực sự hiệu quả, thực chất cũng như được triển khai quyết liệt, cần có một ban chỉ đạo chuyên trách của Chính phủ. Bởi, những vấn đề mà ngành y đang phải đối mặt hiện nay đã tồn tại nhiều năm, rất cần các cơ quan của Chính phủ có liên quan chung tay tháo gỡ bằng chính sách.
TS. Nguyễn Huy Quang – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng: “Cần sớm có nghị định của Chính phủ trên cơ sở hướng dẫn luật Dược, luật Quản lý tài sản công, luật Đầu tư, luật Thương mại, luật Đấu thầu… để thống nhất qui định về liên doanh, liên kết, mượn máy, hóa chất (hiện rất nhiều máy móc do doanh nghiệp cho mượn, hợp tác khai thác… phải đắp chiếu).
Khi có hành lang cụ thể, chuyên biệt của ngành y tế, sẽ bảo đảm an toàn cho cán bộ quản lý các bệnh viện, sở Y tế… trong việc triển khai mua sắm công, từ khâu đấu thầu đến mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao…”.
Còn PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan – đại biểu Quốc hội khẳng định: Để khắc phục tình trạng này, cần tăng tính tự chủ cho các bệnh viện. Ngoài công tác đấu thầu, bệnh viện có thể đấu giá công khai không vượt mức trần mà cơ quan quản lý ngành đưa ra. Trao quyền cho bệnh viện, họ sẽ biết cách lựa chọn loại thuốc tốt cho bệnh nhân với giá cả hợp lý.
Nguồn: vietnamnet.vn
Một số bài viết khác:
Ngày An Toàn Người Bệnh Thế Giới – 17/9 Chủ đề: Cải Thiện Chẩn Đoán – Vì Sự An Toàn Của Người Bệnh
Ngày Sơ Cấp Cứu Thế Giới – 14/9 với Chủ đề: Sơ Cấp Cứu và Thể Thao – Bảo Vệ Sức Khỏe và An Toàn Cộng Đồng
Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn mang niềm vui Trung Thu đến các bệnh nhi năm 2024
Phình động mạch chủ bóc tách
Tật thừa Răng
Viêm gan B “kẻ giết người” thầm lặng