Đổi mới công tác truyền thông, giáo dục về dân số

Chi cục DS-KHHGĐ Quảng Ninh luôn xác định công tác truyền thông có vai trò quan trọng chuyển đổi hành vi, nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện các chính sách, pháp lệnh dân số. Việc đổi mới công tác truyền thông phù hợp với từng vùng, miền, từng nhóm đối tượng cụ thể là những yếu tố để nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới.

Cán bộ dân số xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) tuyên truyền về SKSS cho trẻ trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên.

Chi cục đã tập trung đổi mới nội dung công tác truyền thông như: Nhân rộng các mô hình truyền thông có hiệu quả, phù hợp với tình hình mới; tập trung vào tuyên truyền về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số; duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh…

Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông còn được chú trọng vào từng nhóm đối tượng như: Đối tượng truyền thông chuyển đổi hành vi gồm phụ nữ, nam giới và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, bà mẹ mang thai, bà mẹ mới sinh, vị thành niên và thanh niên, người cao tuổi; đối tượng huy động từ cộng đồng là những người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ, gia đình… và đặc biệt lựa chọn ưu tiên truyền thông tại các vùng đặc thù như vùng mức sinh cao, vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao…

Năm 2022, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh chú trọng tổ chức tuyên truyền nhiều nội dung với nhiều nhóm đối tượng khác nhau như: Phối hợp với Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ lồng ghép các nội dung về công tác dân số vào giảng dạy tại 6 lớp Trung cấp lý luận chính trị – hành chính cho 481 chuyên viên, chuyên viên chính; phối hợp với Trường Đại học Hạ Long tổ chức 4 lớp tập huấn cho 200 sinh viên liên quan đến các chính sách dân số; phối hợp với Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh phổ biến nội dung các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh, với thời lượng 10 tiết học và tổ chức ký cam kết thực hiện cho sinh viên ra trường.

Bác sĩ Trung tâm Y tế TP Móng Cái tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em tại xã Bắc Sơn.

Cùng với đó, tổ chức hội nghị tuyên truyền cung cấp thông tin, kiến thức về mất cân bằng giới tính khi sinh cho những người có uy tín trong cộng đồng, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận; truyền thông chăm sóc SKSS-KHHGĐ tại các xã có mức sinh cao… Công tác dân số cũng đặc biệt phát huy những tiện ích, lợi thế của công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại, Internet và trên các nền tảng mạng xã hội để thích ứng với xu hướng phát triển mới.

Năm 2022, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh thực hiện 24 chương trình “Dân số và hạnh phúc” trên sóng phát thanh; duy trì chuyên mục “Dân số và phát triển” trên báo Quảng Ninh với 48 tin, bài; tham gia thực hiện chương trình “Chuyện cùng bác sĩ”.

Nhằm tiếp cận và phát huy thế mạnh của trang mạng xã hội cho hệ thống cán bộ dân số cơ sở, chi cục cũng phát động, hướng dẫn cán bộ dân số cơ sở tham gia các cuộc thi do Tổng cục DS-KHHGĐ phát động, thông qua các kênh truyền thông chính thức trên fanpage facebook, zalo, tiktok, youtube. Kết quả, Quảng Ninh đã đoạt giải nhất tập thể cuộc thi trên mạng xã hội tiktok, giải nhất tập thể cuộc thi Sống chủ động cùng viết nên câu chuyện ngày mai, cùng 1 giải ba cá nhân và 2 giải khuyến khích cá nhân, giải nhì tập thể cuộc thi chụp ảnh/vẽ tranh Giữ tay sạch khuẩn hưởng ứng Ngày vệ sinh tay thế giới 5/5…

Chị Vũ Thị Ánh, cán bộ dân số xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ, cho biết: Thông qua các cuộc thi này, chúng tôi được nâng cao hiểu biết về các trang mạng xã hội, biết cách sử dụng và phát huy lợi thế của mạng xã hội, từ đó giúp chúng tôi có thêm hình thức truyền thông mới nhằm lan tỏa rộng rãi thông điệp, nội dung về công tác dân số tới đối tượng trên địa bàn quản lý. Đây cũng là phương tiện để chúng tôi cập nhật, quản lý theo dõi các đối tượng thực hiện dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ.

Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Tạ Thị Minh cho biết: Thời gian tới Chi cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao nội dung, hình thức các hoạt động tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân số và phát triển, nhằm đạt được mục tiêu giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số, hạn chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh. Qua đó, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc SKSS, duy trì mức sinh hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về quy mô, cơ cấu dân số trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *