HÀNG NGHÌN NGƯỜI BỊ NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM CHỈ TRONG 5 THÁNG ĐẦU NĂM 2024

Chỉ trong 05 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm, có nhiều vụ tướng đối lớn hàng trăm người phải nhập viện; gần 1/3 số vụ ngộ độc xảy ra nguyên nhân được xác định phần lớn liên quan đến các loại nguyên liệu thực phẩm …

Thông tin từ Bộ Y tế trong 5 tháng đầu năm ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm. “Số vụ ngộ độc giảm so với cùng kỳ năm 2023 (5 tháng đầu năm 2023 xảy ra 40 vụ ngộ độc), tuy nhiên số mắc tăng hơn 1.000 người. Điều này cho thấy có những vụ ngộ độc số mắc quy mô lớn, hàng trăm người mắc và nhập viện…”. Trung bình trong 5 năm gần đây mỗi năm ghi nhận khoảng 100 vụ ngộ độc, 23 trường hợp tử vong.

Trong 05 tháng đầu năm có 3 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, khu chế xuất làm 518 người mắc, tăng 457 trường hợp so với cùng kỳ 2023; Số vụ ngộ độc trong trường học và số mắc đều giảm so với cùng kỳ.

Làm rõ nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm, theo thông tin từ Bộ Y tế Ghi nhận 11 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến vi sinh vật khiến 1.241 người mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong; chiếm 30,6% tổng số vụ, nhưng chiếm đến 58% số mắc.
02 vụ ngộ độc xảy ra do nguyên nhân hóa chất; 6 vụ do độc tố tự nhiên; 17 vụ ngộ độc không xác định nguyên nhân.
Về nguyên nhân gây ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tương đôi lớn thời gian gần đây, theo thông tin từ Bộ Y tế thông tin tại Sóc Trăng, vụ ngộ độc xảy ra hồi tháng 1/2024 tại hộ kinh doanh bánh mì Thu Hà, làm 150 người mắc và đi viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong thịt nguội.
Tại Khánh Hoà, vụ ngộ độc xảy ra tại quán cơm gà Trâm Anh tháng 3/2024, làm 369 người mắc và nhập viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong gà. Quán cơm này không thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định, không cung cấp được các hợp đồng và giấy tờ liên quan đến nguyên liệu thực phẩm…
Vụ ngộ độc tại tiệm bánh mì Cô Băng, Đồng Nai xảy ra cuối tháng 4/2024, làm 547 người mắc và nhập viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong thịt lợn đã qua chế biến, chả lụa. Tiệm bánh mì này cũng không có đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm…

Giữa tháng 5/2024, xảy ra vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc), khiến 438 người mắc và đi viện. Nguyên nhân vụ ngộ độc vẫn đang chờ kết quả.
Mới đây nhất, tại Đồng Nai, vụ ngộ độc xảy ra tại bếp ăn tập thể công ty TNHH Dechang Việt Nam làm 95 người mắc và đi viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong mỳ quảng.
Theo kết quả điều tra ban đầu nguyên nhân ngộ độc, phần lớn liên quan đến các loại nguyên liệu thực phẩm như thịt gà, thịt lợn, thủy sản, rau, củ, quả từ các cơ sở sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Qua các vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước đã gióng lên hồi chuông cảnh báo vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm rất quan trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự, kinh tế xã hội, vấn đề an sinh.
Các khoa, phòng và trạm Y tế các xã, thị trấn tập trung truyền thông:
– Phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
– Kịp thời thông tin, tuyên truyền, biểu dương các doanh nghiệp, tôn vinh các sản phẩm bảo đảm tốt chất lượng an toàn thực phẩm, các tổ chức, đơn vị có thành tích tốt trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
– Công khai các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, kịp thời thông tin các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm theo quy định.
– Phát động phong trào toàn dân thực hiện tố giác các hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tẩy chay các sản phẩm, hàng hoá không đảm bảo an toàn thực phẩm.
– Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tăng cường trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của pháp luật.
– Tiếp tục tuyên truyền Chương trình phối hợp giữa Chính phủ – Hội Nông dân Việt Nam – Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam “tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khoẻ cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025”; Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình cung cấp thực phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn trên phạm vi toàn quốc”; Chương trình về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát ATTP ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên toàn quốc.

==============

Phòng DS-TTGDSK

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *