Ngày Thế giới phòng chống Lao (tiếng Anh là World Tuberculosis Day) là ngày để nâng cao nhận thức cộng đồng đối với bệnh Lao, đẩy mạnh chấm dứt bệnh Lao trên toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chọn ngày 24/3 hằng năm là ngày Thế giới phòng chống Lao. Ngày kỷ niệm này được Liên Hợp Quốc công nhận tại Nghị quyết WHO/EC-XII/Res.6 theo đề xuất của WHO, ngày 24/3/1882 tại Berlin, Robert Koch đã công bố việc phát hiện ra vi khuẩn Lao, mở ra con đường chẩn đoán và chữa khỏi căn bệnh này.
Chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống Lao năm 2024 được WHO chọn là: “Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh Lao”, chủ đề như một lời khẳng định đanh thép của tất cả chúng ta rằng việc chấm dứt bệnh Lao là hoàn toàn có thể. Chủ đề nhấn mạnh về việc huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh Lao.
Tại Việt Nam, áp dụng chủ đề Ngày thế giới phòng chống Lao của thế giới và đưa ra chủ đề Ngày thế giới phòng chống Lao của Việt Nam là: “Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh Lao”. Đây là một chủ đề dễ nhớ, như một lời khẳng định, thể hiện quyết tâm cao của cả mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh Lao.
Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu về bệnh lao nhé!
1. Bệnh lao là gì?
Lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Lao gây nên. Bệnh Lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó Lao phổi là phổ biến nhất (chiếm 80-85%) và là nguồn lây chính cho người xung quanh.
2. Bệnh lao lây truyền như thế nào?
Bệnh lao lây qua đường không khí khi người mắc lao phổi ho, hắt hơi, khạc nhổ hoặc nói chuyện khiến vi khuẩn lao phát tán. Số lượng vi khuẩn phát tán phụ thuộc vào hoạt động, ví dụ như nói chuyện (~200 vi khuẩn), ho (~3500 vi khuẩn), hắt xì hơi (từ 4.500 đến 1.000.000 vi khuẩn). Tuy nhiên, bệnh lao không lây qua di truyền, qua hành động bắt tay hoặc việc sử dụng chung đồ dùng cá nhân.
3. Triệu Chứng Nghi Lao và Nhóm Nguy Cơ Cao”
Các biểu hiện nghi lao phổi gồm:
Ho kéo dài trên 2 tuần. Có thể là ho khan, có đờm hoặc ho ra máu.
Có thể kèm các dấu hiệu:
Gầy sút, kém ăn, mệt mỏi.
Sốt nhẹ về chiều.
Ra mồ hôi “trộm” ban đêm.
Đau ngực, đôi khi khó thở.
Những ai là người có nguy cơ cao bị bệnh lao?
Người tiếp xúc gần, thường xuyên với bệnh nhân lao phối (người tiếp xúc trong hộ gia đình, nhân viên y tế, cán bộ quản lý tại các khu vực khép kín hoặc người thân, bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm tiếp xúc với bệnh nhân lao…).
Người mắc các bệnh mạn tính: đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen, suy thận mạn, bụi phổi…
Người suy giảm miễn dịch hoặc sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như ung thư, người nhiễm HIV, điều trị corticoid…
Người cao tuổi, nghiện rượu, hút thuốc lá, thuốc lào, người đã có tiền sử điều trị lao.
Nếu có dấu hiệu nghi lao hoặc thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh lao, bạn cần đến các Trạm y tế xã/phường hoặc TTYT/BV huyện hoặc Bệnh viện phổi tỉnh để được khám, chỉ định các xét nghiệm cần thiết sáng lọc chẩn đoán bệnh lao như chụp Xquang phổi, xét nghiệm đờm…
Nếu bạn bị chẩn đoán mắc lao thì sẽ được chuyển đến đăng ký điều trị và tư vấn về phòng bệnh lao tại cơ sở y tế gần nhất.
4. Bệnh lao là bệnh có thể chữa khỏi
Người bệnh lao cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của cán bộ y tế trong quá trình điều trị bao gồm:
Dùng phối hợp các thuốc chống lao, uống thuốc đúng liều, đều đặn và đủ thời gian quy định.
Không tự ý ngừng, thêm hoặc đổi thuốc.
Thông báo ngay cho cán bộ y tế khi thấy có những biểu hiện bất thường như buồn nôn, nôn, ù tai, chóng mặt, vàng da, chán ăn…
Tái khám đúng hẹn và làm đủ các xét nghiệm trong quá trình điều trị.
Thông báo cho cán bộ y tế kế hoạch di chuyển hoặc thay đổi nơi ở để có định hướng tiếp tục điều trị phù hợp.
Thực hiện các biện pháp phòng lây bệnh cho người xung quanh.
Tập luyện, sinh hoạt điều độ, ăn uống đủ chất để nâng sức chống đỡ với bệnh.
Không hút thuốc lá, không uống rượu bia.
5. Người mắc lao có cần cách ly không?
Người mắc lao không cần cách ly!
Người mắc lao chỉ đeo khẩu trang, hạn chế giao tiếp trong giai đoạn còn lây – thường trong tháng đầu điều trị. Người mắc bệnh lao phổi cần thực hiện vệ sinh ho khạc đúng cách như sau: Dùng khăn giấy/ giấy vệ sinh để che miệng, mũi khi ho khạc rồi nhổ vào khăn giấy. Hủy ngay khăn giấy bằng cách đốt hoặc hủy trong bồn vệ sinh tự hoại. Rửa tay bằng xà phòng. Trường hợp không kịp lấy khăn phải che miệng bằng cánh tay, sau đó phải thay giặt áo.
6. Phòng lây nhiễm bệnh Lao cho cộng đồng
Để phòng chống bệnh Lao có hiệu quả, ngay tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ đều phải tiêm phòng vắc-xin BCG nhằm giúp ngăn ngừa mắc bệnh Lao;
Mọi người khi ho kéo dài hơn 02 tuần cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp
X.quang phổi để phát hiện bệnh Lao;
Người bị bệnh Lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Bệnh nhân Lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 02 tháng đầu điều trị. Cần phơi chăn, chiếu, vật dụng của bệnh nhân Lao ra nắng mỗi ngày;
Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý;
Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ mắc bệnh Lao cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện sớm, tránh lây bệnh cho người thân và cộng đồng.
khẩu hiệu Ngày Thế giới Phòng, chống lao năm 2024
1. Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh Lao!
2. Phát huy vai trò của cơ sở y tế trong công tác phòng, chống Lao.
3. Lao tiềm ẩn – Không ho chẳng sốt – Xin đừng chủ quan.
4. Dù mắc Lao – Đừng lo lắng – Sẽ không sao – BHYT sẽ lo âu – Chia gánh nặng.
5. Ho, sốt, mệt mỏi, sụt cân – Khám Lao ngay – Đừng phân vân.
6.Trị Lao cho hết một lần – Cho con khỏe mạnh mười phần an tâm.
7. Thay kỳ thị – Bằng động viên – Chung tay đẩy lùi bệnh Lao!
8. Nguy cơ mắc Lao không phân biệt ai!
9. Đúng thuốc – Đúng liều – Đủ thời gian – Bệnh Lao sẽ khỏi.
10. Sàng lọc Lao – Tiếp cận dễ dàng – Phương pháp hiện đại – Chính xác tuyệt đối.
11. Vì sức khỏe Việt Nam – Hãy cùng hành động để chấm dứt bệnh Lao vào năm 2035!
12. Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống Lao 24/3.
13. Phòng chống Lao – Trách nhiệm của các cấp, các ngành và bản thân mỗi người dân nhằm tiến tới thanh toán bệnh Lao!
Anh Dũng – Phòng DS-TTGDSK
Một số bài viết khác:
ĐẺ KHÔNG ĐAU – KĨ THUẬT GIÚP CÁC MẸ TRẢI QUA QUÁ TRÌNH SINH CON AN TOÀN, NHẸ NHÀNG
Thư cảm ơn
HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYÊN ĐỀ PHẪU THUẬT & BỆNH LÝ TAI MŨI HỌNG LẦN II TẠI TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN VÂN ĐỒN
Chủ động phòng, chống bệnh sởi – Bảo vệ sức khỏe cộng đồng
CƠ HỘI THĂM KHÁM CÙNG CHUYÊN GIA THĂM DÒ CHỨC NĂNG TUYẾN TRUNG ƯƠNG
BSCKII. TÔ THỊ THÚY HẰNG niềm hy vọng cho bệnh nhân mắc các bệnh về Thần kinh – Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng