Ngày phòng, chống tăng huyết áp (THA) thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 17/5. Năm 2024, chủ đề của ngày này là “Đo huyết áp đúng – kiểm soát huyết áp tốt – sống khỏe”, các hoạt động triển khai với mục đích giúp người dân phát hiện sớm bệnh THA, có biện pháp điều trị thích hợp
Tăng huyết áp (THA), còn được gọi là cao huyết áp, là một căn bệnh phổ biến không lây nhiễm. Nó thường được coi là “kẻ giết người thầm lặng” vì người bệnh THA thường không có triệu chứng rõ ràng, mặc dù bệnh đã tiến triển nghiêm trọng. THA cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa và tử vong.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay có khoảng 12 triệu người mắc THA tại Việt Nam, tức là khoảng 5 người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) có một người mắc bệnh. Tuy nhiên, số người được phát hiện và điều trị vẫn chưa cao. Vì vậy, để hiểu rõ hơn về tăng huyết áp, biểu hiện của bệnh và cách phòng ngừa, dưới đây là những thông tin cần biết:
Tăng huyết áp và biểu hiện của bệnh: Tăng huyết áp hay cao huyết áp là tình trạng áp lực dòng chảy của máu lên thành động mạch tăng cao. Một người được xác định là bị tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên.
Một số triệu chứng có thể xảy ra ở người bị tăng huyết áp bao gồm: đau đầu vào buổi sáng, chảy máu cam, nhịp tim nhanh, thay đổi thị lực, ù tai. Tăng huyết áp nghiêm trọng hơn có thể gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa, lú lẫn, hồi hộp, đau tức ngực và run.
Nguyên nhân gây bệnh: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố nguy cơ liên quan đến tăng huyết áp nguyên phát, bao gồm:
Tuổi già: Khi cơ thể lão hóa, mạch máu mất tính đàn hồi và dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp. Phụ nữ từ 60 tuổi trở lên có nguy cơ cao hơn nam giới cùng độ tuổi.
Yếu tố di truyền: Tăng huyết áp có thể di truyền trong gia đình. Mặc dù nhiều người nghĩ rằng chỉ người trưởng thành mới bị tăng huyết áp nguyên phát, nhưng trẻ em cũng có thể mắc căn bệnh này do yếu tố di truyền và tiền sử gia đình.
Đái tháo đường và béo phì: Đái tháo đường và béo phì là hai yếu tố nguyên nhân gây tăng huyết áp. Lối sống không lành mạnh, chế độ ăn uống không cân đối và thiếu hoạt động thể chất đóng góp vào tình trạng này.
Tiêu thụ muối quá nhiều: Việc tiêu thụ muối quá nhiều cũnglà một nguyên nhân gây tăng huyết áp. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, gần 1/3 số trường hợp tăng huyết áp nguyên phát có liên quan mật thiết đến việc tiêu thụ muối quá nhiều. Muối làm tăng việc giữ nước trong cơ thể, dẫn đến tăng huyết áp.
Ngoài ra, việc sử dụng quá nhiều rượu, bia và thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp.
Theo bác sĩ Nguyễn Tài Nguyên trung tâm Y tế huyện Vân Đồn cho biết: Để phòng ngừa tăng huyết áp mọi người cần phải:
Chế độ dinh dưỡng hợp lý, Giảm ăn mặn, Tăng cường rau xanh, hoa quả tươi. Hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axít béo no.
– Tích cực giảm cân, duy trì cân nặng lý tưởng, duy trì vòng bụng <90 cm đối với nam và < 80cm đối với nữ;
– Hạn chế uống rượu, bia. Không hút thuốc.
– Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày.
– Tránh lo âu, căng thẳng; cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
– Tránh bị lạnh đột ngột.
================
Anh Dũng – Phòng DS-TTGDSK
Một số bài viết khác:
Ngày Sơ Cấp Cứu Thế Giới – 14/9 với Chủ đề: Sơ Cấp Cứu và Thể Thao – Bảo Vệ Sức Khỏe và An Toàn Cộng Đồng
Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn mang niềm vui Trung Thu đến các bệnh nhi năm 2024
Phình động mạch chủ bóc tách
Tật thừa Răng
Viêm gan B “kẻ giết người” thầm lặng
Người dân vùng lũ lụt cần làm gì để có nước sạch sử dụng?