“Không đẻ nhiều” là một trong 3 nội dung cơ bản của KHHGĐ. Thực tế trong những năm gần đây, mặc dù công tác DS/KHHGĐ đã thu được những thành tựu đáng kể về vấn đề giảm sinh, tuy nhiên tỷ lệ sinh con thứ 3 vẫn tiếp tục gia tăng đang là mối quan tâm, lo ngại cho sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một bộ phận không nhỏ dân cư hiểu sai về điều 10 của Pháp lệnh dân số.
Nghị định số 18/2011/NĐ-CP ngày 17/3/2011 về sửa đổi khoản 6 Điều 2 Nghị định số 20/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số; theo đó, có 7 trường hợp sinh con thứ ba (không vi phạm quy định sinh 1 hoặc 2 con) sẽ bao gồm:
- Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.
- Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.
- Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.
- Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.
- Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):
- Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ)
- Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.”
- Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.
Kết quả điều tra biến động dân số năm 2011, tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm từ 15,1% (năm 2010) xuống còn 14,1%. Tỷ lệ phụ nữ 15-49 tuổi sinh con thứ ba trở lên ở Việt Nam từ năm 2005 đến 2011 chia theo thành thị và nông thôn. Số liệu cho thấy, trong thời gian qua, tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ ba trở lên trong cả nước giảm dần qua các năm, từ 20,8% năm 2005 xuống 14,7% năm 2011.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ sinh con thứ ba của phụ nữ thành thị thay đổi không đáng kể trong khi tỷ lệ này của phụ nữ nông thôn giảm mạnh. Xu hướng giảm tỷ lệ sinh con thứ ba của phụ nữ khu vực nông thôn góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ sinh con thứ ba của cả nước, tạo cơ hội ổn định dân số, giảm bớt gánh nặng phụ thuộc trẻ, tạo thời cơ thuận lợi cho Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và chất lượng.
Giữa trình độ học vấn và tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ ba trở lên có mối quan hệ tỷ lệ nghịch: trình độ học vấn càng cao, tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ ba trở lên càng thấp. Tỷ lệ phần trăm phụ nữ sinh con thứ ba trở lên trong năm của những phụ nữ chưa đi học tới 44,4%, giảm dần xuống còn 28,0% đối với phụ nữ chưa tốt nghiệp tiểu học, 20,0% đối với phụ nữ tốt nghiệp tiểu học, 14,9% đối với phụ nữ tốt nghiệp trung học cơ sở và chỉ còn 4,1% đối với phụ nữ có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên.
Tỷ lệ phụ nữ 15-49 tuổi sinh con thứ 3 trở lên cao nhất ở Tây Nguyên (23,4%), tiếp theo là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (19,3%). Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có tỷ lệ phụ nữ 15-49 tuổi sinh con thứ 3 trở lên trên thấp nhất, khoảng 11%. Tây Nguyên là nơi cư trú của các dân tộc ít người, việc tiếp cận các phương tiện tránh thai cũng như phương tiện truyền thông về kế hoạch hóa gia đình có hạn chế nên đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ phụ nữ 15-49 tuổi sinh con thứ 3 trở lên của vùng này cao nhất nước.
Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng sinh con thứ ba:
- Quan niệm thích đông con nhiều cháu vẫn tồn tại trong người dân, cố sinh con trai để có người nối dõi tông đường.
- Bất bình đẳng giới, trọng nam hơn nữ nên cố sinh con trai
- Công tác truyền thông tại các địa phương còn chưa hiệu quả, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, dân tộc ít người dẫn tới tình trạng hiểu sai điều 10 trong Pháp lệnh dân số.
- Một số cặp vợ chồng chưa thực hiện tốt KHHGĐ.
Sinh nhiều con để lại hậu quả nặng nề:
- Sức khỏe người bà mẹ và trẻ em khó được cải thiện.
- Các tai biển sản khoa tăng lên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng người phụ nữ khi mang thai và sinh đẻ.
- Gia đình đông con không có điều kiện chăm sóc đầy đủ, nguy cơ trẻ suy dinh dưỡng, thiếu máu. Tăng gánh nặng kinh tế và ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
- Tăng gánh nặng XH: các dịch vụ XH không đủ đáp ứng cho quy mô dân số ngày một tăng cao do sinh nhiều con.
- Vị thế người phụ nữ không được cải thiện do gánh nặng con cái.
Lợi ích của việc sinh ít con:
* Lợi ích cho người mẹ:
– Sinh ít con sẽ giúp người phụ nữ có điều kiện nâng cao sức khỏe, hiểu biết xã hội và thụ hưởng quyền bình đẳng như nam giới trong các vấn đề sự nghiệp, gia đình.
– Sinh ít con giúp người phụ nữ tránh được các tai biến sản khoa trong mang thai và sinh đẻ như sản giật, băng huyết, nhiễm trùng sản khoa…
* Lợi ích cho con trẻ:
– Trẻ được chăm sóc đầy đủ hơn do chi phí gia đình chỉ tập trung chăm sóc cho 1 hoặc hai con.
– Sức khỏe và tinh thần của trẻ được chăm sóc toàn diện sẽ tốt hơn cho tương lai sau này.
– Tình cảm mẹ con, cha con gắn bó hơn do có điều kiện quan tâm, chăm sóc lẫn nhau.
* Lợi ích cho gia đình:
– Giảm các chi phí do đông con, do đau ốm.
– Có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
– Hạnh phúc gia đình được cải thiện góp phần xây dựng xã hội giàu đẹp, văn minh
* Lợi ích cho cộng đồng và xã hội:
– Các vấn đề an ninh cộng đồng xã hội được cải thiện hơn do gia đình quan tâm chăm sóc nuôi dạy con tốt.
– Nguồn tài nguyên không hoặc giảm đáng kể việc khai thác bừa bãi
– Các dịch vụ an sinh xã hội có điều kiện đáp ứng tốt hơn cho một qui mô dân số ổn định.
Chính sách KHHGĐ của Nhà nước ta: Vận động mọi người tự nguyện thực hiện KHHGĐ để sinh ít con (mỗi gia đình có từ 1 đến 2 con), sinh muộn hơn (từ 22 tuổi) và sinh thưa hơn (con thứ hai cách con đầu lòng từ 3 đến 5 năm).
Vì lợi ích của bản thân, gia đình và cộng đồng, chúng ta hãy:
- Tuyên truyền nâng cao bình hiểu biết, nhận thức về đẳng giới trong gia đình và cộng đồng.
- Tuyên truyền cho người dân hiểu đúng ý nghĩa của điều 10 trong Pháp lệnh dân số.
- Thực hiện tốt bình đẳng giới trong gia đình
- Các cặp vợ chồng thực hiện tốt KHHGĐ. Nghiêm túc thực hiện quy định không sinh con thứ ba.
——————————–
Phòng Dân số – TTGDSK
Một số bài viết khác:
Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) 15/11/2024
TƯ VẤN SỨC KHỎE SINH SẢN VỊ THÀNH NIÊN/THANH NIÊN
Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn hưởng ứng ngày vẩy nến Thế Giới 29/10/2024: Lan tỏa yêu thương, gắn kết tình thân
Thời gian thích hợp đặt vòng tránh thai
SÀNG LỌC SƠ SINH – CỨU CON KHỎI 5 BỆNH NGUY HIỂM
Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn chào mừng kỷ niệm 34 năm ngày Điều dưỡng Việt Nam (26/10/1990 – 26/10/2024)