Bộ Y tế lưu ý không tự ý dùng thuốc kháng virus, kháng sinh, kháng viêm… cho trẻ mắc COVID-19 khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế và không xông cho trẻ em.
Trong “Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc COVID-19”, Bộ Y tế đưa ra hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng thuốc điều trị.
Cụ thể, khi nhiệt độ trẻ ≥ 38,5 độ C, các gia đình dùng Paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần (uống hoặc đặt hậu môn), cách tối thiểu 4-6 giờ nếu cần nhắc lại, tổng liều thuốc không quá 60 mg/kg/ngày.
Ngoài thuốc hạ sốt, Bộ Y tế cũng hướng dẫn các gia đình dùng thuốc cân bằng điện giải khi mất nước (do sốt cao, tiêu chảy, mệt mỏi). Theo Bộ Y tế, nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước, có thể sử dụng nước trái cây hoặc Oresol (pha và dùng theo đúng hướng dẫn). Nếu trẻ không muốn uống Oresol có thể thay thế bằng nước đun sôi để nguội, nước trái cây.
“Tuyệt đối không cho trẻ sử dụng các dung dịch nước ngọt công nghiệp (không sản xuất từ hoa quả) để bù nước. Đồng thời tăng cường dinh dưỡng, ăn uống đủ chất, tăng cường ăn trái cây tươi, rau xanh” , Bộ Y tế khuyến cáo.
Bộ Y tế cũng hướng dẫn các bậc phụ huynh dùng các thuốc điều trị triệu chứng khi cần thiết. Như trẻ bị ho có thể dùng các thuốc giảm ho (ưu tiên các thuốc từ thảo mộc). Khi trẻ bị ngạt mũi, xổ mũi thì xịt rửa mũi, nhỏ mũi bằng dung dịch natriclorua 0,9%. Nếu trẻ xuất hiện tiêu chảy thì sử dụng men vi sinh, men tiêu hóa. Với trẻ đang được sử dụng các thuốc điều trị bệnh nền theo đơn ngoại trú thì tiếp tục sử dụng theo hướng dẫn.
Bộ Y tế lưu ý các phụ huynh không tự ý dùng thuốc kháng virus, kháng sinh, kháng viêm… cho trẻ mắc COVID-19 chăm sóc tại nhà khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế và không xông cho trẻ em.
Cũng tại hướng dẫn này, Bộ Y tế nhấn mạnh đến các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn. Theo đó, với trẻ mắc COVID-19 không tự ý rời khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly; không sử dụng chung vật dụng với người khác; không ăn uống cùng với người khác; không tiếp xúc gần với người khác hoặc vật nuôi.
Đối với người chăm sóc trẻ mắc COVID-19 cần rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên. Khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, bồn rửa mặt…
Ngoài ra, cần phân loại, thu gom chất thải lây nhiễm đúng quy định; đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn (nếu có), vệ sinh tay trước và sau khi chăm sóc.
Một số bài viết khác:
TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN VÂN ĐỒN: HƯỞNG ỨNG “TUẦN LỄ TIÊM CHỦNG NĂM 2025”
THÔNG BÁO LỊCH KHÁM SỨC KHỎE SÀNG LỌC VÀ PHÁT THUỐC MIỄN PHÍ CHO NGƯỜI DÂN XÃ NGỌC VỪNG VÀ THẮNG LỢI
Quảng Ninh: Lần đầu tiên triển khai ghép thận tại tuyến tỉnh
CƠ HỘI KHÁM NỘI SOI TIÊU HÓA VỚI CHUYÊN GIA ĐẦU NGÀNH – TS.BS. ĐỖ ANH GIANG
ĐỪNG BỎ LỠ CƠ HỘI KHÁM BỆNH CÙNG CHUYÊN GIA NỘI KHOA – TIM MẠCH – PGS.TS.BSCKII. NGUYỄN HỒNG HẠNH
THƯ MỜI TƯ VẤN GIÁM SÁT THI CÔNG XÂY DỰNG VÀ LẮP ĐẶT THIẾT BỊ