Ngày Quốc tế Điều dưỡng hằng năm được các nước trên thế giới tổ chức vào ngày 12 tháng 5, ngày sinh của bà Florence Nightingale, nhằm tưởng nhớ những cống hiến to lớn của bà đối với việc hình thành và phát triển của ngành điều dưỡng hiện đại cũng như sự ghi nhận, tôn vinh của xã hội về vai trò của của người điều dưỡng trong chăm sóc con người đặc biệt là chăm sóc người bệnh.
Florence Nightingale (1820 – 1910) sinh ra trong một gia đình giàu có ở Anh. Từ nhỏ, bà đã thể hiện thiện tính và hoài bão được giúp đỡ người nghèo. Năm 1847, bà vào học và làm việc tại bệnh viện Kaiserswerth (Đức) dù gặp nhiều trở ngại về quan điểm xã hội và gia đình đối với nữ giới khi tham gia học về y tế và làm việc tại bệnh viện. Năm 1853, bà học thêm ở Paris (Pháp) sau đó trở lại London và điều hành một bệnh viện. Năm 30 tuổi, bà đã trở thành người điều hành và tổ chức chăm sóc sức khỏe cho những người nghèo khổ tại London, sắp xếp hợp lý và đưa ra các tiêu chuẩn cho công tác điều dưỡng. Trong vòng 2 năm, bà đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo uy tín tại các bệnh viện nước Anh.
Những năm 1854-1855, chiến tranh Crimée nổ ra, bà được Chính phủ Anh điều sang Thổ Nhĩ Kỳ với cương vị chỉ huy đội điều dưỡng và tổ chức chăm sóc thương bệnh binh của quân đội Hoàng gia Anh tại mặt trận cùng với 38 phụ nữ Anh khác. Lúc này, các bệnh viện tiền phương luôn trong tình trạng bẩn thỉu. Bà đã đưa ra lý thuyết về khoa học vệ sinh trong các cơ sở y tế và yêu cầu phải dọn dẹp sạch sẽ để đảm bảo công tác vệ sinh, chống nhiễm trùng. Vì vậy, bà là người đầu tiên đặt nền tảng về vệ sinh trong các cơ sở y tế và nhờ đó đã giúp làm giảm tỷ lệ chết của thương binh do nhiễm trùng từ 42% xuống còn 2%. Trong đêm, Forence thường cầm đèn đi chăm sóc cho từng thương bệnh binh.Hình ảnh này đã để lại trong trí nhớ và tình cảm của những người thương binh hồi đó, vì thế, các thương binh đã đặt cho bà danh hiệu “Nữ công tước với cây đèn” hay “Thiên thần trong bệnh viện”. Sau khi trở lại nước Anh, bệnh tật mắc phải trong chiến tranh Crimée đã làm cho Florence Nightingale mất khả năng làm việc trực tiếp tại bệnh viện.
Bà được dân chúng và những người lính Anh tặng món quà 50.000 bảng Anh để chăm sóc sức khoẻ. Tuy nhiên, bà đã dùng số tiền này sử dụng trong vào việc thành lập Trường Điều dưỡng Nightingale tại Bệnhviện St. Thomas, London vào năm 1860 (nay là một phần của trường King’s College London) cùng với chương trình đào tạo 1 năm. Sự kiện này đã đặt nền tảng cho hệ thống đào tạo điều dưỡng không chỉ ở nước Anh mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Kể cả khi sức khỏe suy yếu đến không còn đi lại được, Nightingale vẫn được Chính phủ Mỹ luôn xin ý kiến của bà về việc tổ chức các bệnh viện dã chiến để chăm sóc thương bệnh binh tại chiến trường trong cuộc nội chiến Mỹ. Florence Nightingale mất ngày 13/8/1910. Nghi thức thắp đèn dầu và đọc lời thể của Florence Nightingale đã trở thành nghi thức chính thức của sinh viên điều dưỡng trong lễ tốt nghiệp của nhiều trường điều dưỡng trên thế giới.
Ngày 12/5/1965 Hội đồng Quốc tế Điều dưỡng đã tổ chức họp và quyết định lấy ngày 12 tháng 5 hàng năm, ngày sinh của Florence Nightingale làm Ngày Quốc tế Điều dưỡng để tôn vinh, tưởng nhớ công lao của Bà và khẳng định quyết tâm tiếp tục sự nghiệp mà Bà đã xây dựng và Florence Nightingale đã trở thành người mẹ tinh thần của ngành điều dưỡng thế giới.
Năm 2020, nhân dịp kỷ niệm tròn 200 năm ngày sinh của Bà Florence Nightingale, Tổ chức Y tế thế giới thống nhất và phối hợp với Hội đồng Điều dưỡng Thế giới chỉ định là Năm quốc tế Điều dưỡng và Hộ sinh để tôn vinh những đóng góp quan trọng của điều dưỡng, hộ sinh trong cung cấp các dịch vụ y tế. Đây là những người dành cả cuộc đời để chăm sóc bà mẹ, trẻ em, người già, những người cần chăm sóc, hỗ trợ sức khỏe không chỉ tại các bệnh viện mà họ cũng là những người thực hiện những hoạt động chăm sóc đầu tiên tại cộng đồng. Đây là một chương trình tiếp nối một chiến dịch lớn “Nursing Now” một chiến dịch toàn cầu trong ba năm (2018-2020), nhằm mục đích cải thiện sức khỏe bằng cách nâng cao vị thế của điều dưỡng, hộ sinh trên toàn thế giới và tập trung vào 5 lĩnh vực cốt lõi:
- Điều dưỡng tham gia sâu vào viêc hoạch định các chính sách y tế;
- Nâng cao chất lượng lượng nguồn nhân lực điều dưỡng;
- Tăng cường vai trò lãnh đạo của điều dưỡng
- Xác định những lĩnh vực mà các điều dưỡng có thể có tác động lớn nhất;
- Và chia sẻ các thực hành chăm sóc tốt nhất.
KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ ĐIỀU DƯỠNG TRÊN THẾ GIỚI
Hiện nay, trên thế giới, rất nhiều nước tổ chức ngày Quốc tế điều dưỡng 12 tháng 5 nhằm vinh danh và ghi nhận những đóng góp to lớn của người điều dưỡng đối với người bệnh, ngành y tế và xã hội. Ở nhiều quốc gia như Úc, Hoa Kỳ, Canada, Ireland v.v… sự kiện này được tổ chức như một sự kiện kéo dài một tuần, kết thúc vào ngày 12 tháng 5 hằng năm, được gọi là Tuần Quốc tế Điều dưỡng. Điển hình tại một số quốc gia như:
Tại Anh
Ngày Quốc tế Điều dưỡng được tổ chức hằng năm bằng hình thức thắp đèn, nến tại Tu viện Westminster, London. Một ngọn nến được chuyển từ điều dưỡng này sang điều dưỡng khác (tượng trưng để truyền kiến thức từ điều dưỡng này sang điều dưỡng khác) và cuối cùng đặt nó lên vị trí cao nhất.
Tại Úc
Các Điều dưỡng tiêu biểu của năm được công bố trong một buổi lễ tại một trong những thành phố thủ phủ của tiểu bang. Ngoài ra, tại mỗi tiểu bang và vùng lãnh thổ của Úc, các buổi lễ tôn vinh điều dưỡng cũng được tiến hành trong Tuần lễ Quốc tế Điều dưỡng.
Tại Hoa Kỳ
Tuần lễ Điều dưỡng Quốc gia lần đầu tiên được tổ chức từ ngày 11-16 tháng 10 năm 1954 để vinh danh kỷ niệm 100 năm sứ mệnh của Florence Nightingale đến Crimée. Tổng thống Nixon sau đó đã thông qua “Tuần lễ Điều dưỡng Quốc gia” vào năm 1974. Năm 1982, Tổng thống Reagan đã ký một đề xuất chính thức quyết định ngày 06 tháng 5 là “Ngày Công nhận Điều dưỡng quốc gia”, nay được gọi là Ngày Điều dưỡng Quốc gia hoặc Ngày cấp chứng chỉ hành nghề cho các điều dưỡng viên. Từ năm 1990 đến nay, Tuần lễ Điều dưỡng Quốc gia kéo dài từ 06 tháng 5 – 12 tháng 5 hằng năm.
Ireland
Kể từ năm 2012, Nurse Jobs Ireland (một cơ quan tuyển dụng điều dưỡng Ireland) ra mắt một chiến dịch chuyên nghiệp kéo dài một tuần để chào mừng các điều dưỡng vào ngày 06 – 12 tháng 5 hằng năm. Lễ kỷ niệm này sử dụng ứng dụng kỹ thuật số như Twitter và Facebook để quảng bá cho các điều dưỡng đã làm việc xuất sắc bằng cách sử dụng hashtag #CelebrateNurses. Công chúng để lại ý kiến tích cực của họ và lời cảm ơn trên trang web Celebrate Nurses. Những đánh giá này của công chúng sẽ được tham chiếu vào một quyển sách điện tử và được chia sẻ trong các cơ sở y tế trên khắp Ireland.
Tại Ấn Độ
Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12 tháng 5 được tổ chức bằng các hoạt động như hội thảo giáo dục và thảo luận về các vấn đề điều dưỡng. Các chứng nhận và giải thưởng cũng được trao cho các điều dưỡng vì những đóng góp to lớn cho dịch vụ y tế.
Tại Singapore
Singapore kỷ niệm Ngày Điều dưỡng vào 01 tháng 8. Vào những năm 1800, sự phát triển mạnh mẽ của Singapore cùng với dân số ngày càng tăng đã khiến đất nước này phải tìm ra nhu cầu cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và y tế tốt hơn. Trong khi tại một số bệnh viện, vấn đề thiếu điều dưỡng hỗ trợ các bác sĩ trong khám chữa bệnh đang xảy ra. Các nữ tu Pháp từ Tu viện Thánh Chúa Giê-su được huấn luyện để trở thành điều dưỡng để đáp ứng nhu cầu này. Ngày 01/8/1885 đánh dấu sự khởi đầu của sự phát triển của điều dưỡng ở Singapore khi các nữ tu bắt đầu nhiệm vụ điều dưỡng của họ tại Bệnh viện Đa khoa Sepoy Lines trong khu vực Outram.
Tại Philippin
Trong những năm gần đây, Philippin đã long trọng tổ chức kỉ niệm ngày quốc tế Điều dưỡng. Năm nay, Hội đồng điều dưỡng Phillippin đã quyết định tổ chức một hội thảo khoa học quốc tế về điều dưỡng diễn ra vào ngày 10/5/2018 để chào mừng ngày 12/5. Tại hội thảo đã có những công bố khoa học để nâng cao chất lượng chăm sóc, và cũng đã trao giải thưởng cho các cá nhân, tập thể xuất sắc.
THÔNG ĐIỆP HÀNH ĐỘNG CỦA NGÀY QUỐC TẾ ĐIỀU DƯỠNG
Hội đồng Quốc tế Điều dưỡng (International Council of Nurses – ICN) đã quyết định đưa thông tin và giáo dục điều dưỡng thông qua các chủ đề được tổ chức trong dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Điều dưỡng hằng năm. Các chủ đề được lựa chọn và truyền thông với xã hội về vai trò và sự đóng góp của người điều dưỡng đối với các vấn đề của xã hội như: sức khỏe, môi trường, xử lý các vấn đề liên quan đến nghèo đói và các vấn đề sức khỏe, xã hội khác. Các chủ đề này cũng nhằm tôn vinh các điều dưỡng, những người đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc và cứu chữa những người bệnh. Chủ để của năm 2018 là: Điều dưỡng hướng tới mục tiêu – Sức khỏe là Quyền con người
Chủ đề của Ngày Quốc tế Điều dưỡng một số năm trước là:
- 1990 – Điều dưỡng và Môi trường
- 1991 – Sức khỏe tâm thần – Điều dưỡng trong hành động
- 1992 – Sức khỏe người cao tuổi
- 1993 – Chất lượng, chi phí và điều dưỡng
- 1994 – Gia đình khỏe mạnh cho quốc gia khỏe mạnh
- 1995 – Sức khỏe phụ nữ: Điều dưỡng làm tiên phong
- 1996 – Sức khỏe tốt hơn thông qua nghiên cứu điều dưỡng
- 1997 – Người trẻ khỏe mạnh = Tương lai tươi sáng hơn
- 1998 – Gắn kết đối tác vì sức khỏe cộng đồng
- 1999 – Kỷ niệm quá khứ của điều dưỡng, tuyên bố tương lai
- 2000 – Điều dưỡng – Luôn bên bạn
- 2001 – Điều dưỡng, luôn bên bạn: Đoàn kết chống lại bạo lực
- 2002 – Điều dưỡng luôn bên bạn: Chăm sóc cho gia đình
- 2003 – Điều dưỡng: Chống lại sự kỳ thị AIDS, hành động vì tất cả
- 2004 – Điều dưỡng: Hành động vì người nghèo; Chống lại đói nghèo
- 2005 – Điều dưỡng vì sự an toàn của người bệnh: Hướng tới Mục tiêu chống thuốc giả và thuốc không đạt chuẩn
- 2006 – An toàn cho nhân viên y tế sẽ cứu những cuộc sống.
- 2007 – Môi trường thực hành tích cực: Chất lượng nơi làm việc chất lượng = Chất lượng chăm sóc người bệnh
- 2008 – Cung cấp dịch vụ chất lượng, phục vụ cộng đồng: Điều dưỡng tiên phong trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và chăm sóc xã hội
- 2009 – Cung cấp dịch vụ chất lượng, phục vụ cộng đồng: Điều dưỡng tiên phong trong cải tiến chăm sóc.
- 2010 – Cung cấp dịch vụ chất lượng, phục vụ cộng đồng: Điều dưỡng tiên phong trong chăm sóc bệnh mãn tính
- 2011 – Thu hẹp khoảng trống: Tăng cường tiếp cận và sự công bằng
- 2012 – Thu hẹp khoảng trống: Từ bằng chứng đến hành động
- 2013 – Thu hẹp khoảng trống: Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ
- 2014 – Điều dưỡng: Một lực lượng cho sự thay đổi – Một nguồn lực quan trọng cho sức khỏe
- 2015 – Điều dưỡng: Một lực lượng cho sự thay đổi: Chăm sóc hiệu quả, chi phí hiệu quả
- 2016 – Điều dưỡng: Một lực lượng cho sự thay đổi: Cải thiện khả năng đáp ứng của hệ thống y tế
- 2017 – Điều dưỡng: Một tiếng nói hướng tới – Đạt được các mục tiêu phát triển bền vững
- 2019 – Điều dưỡng: Một tiếng nói hướng tới Sức khỏe cho mọi người.
- 2020 – Điều dưỡng: Một tiếng nói hướng tới Sức khỏe cho toàn dân.
- 2021 – Điều dưỡng: Một tiếng nói hướng tới Tầm nhìn về chăm sóc sức khỏe trong tương lai.
KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ ĐIỀU DƯỠNG TẠI VIỆT NAM
Tại Việt Nam. Năm 2018, Bộ Y tế đã có hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Điều dưỡng 12 tháng 5. Ngày 05/2/2018 Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã có Công văn số 145/KCB-ĐD đề nghị Giám đốc các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các ngành, Giám đốc các Bệnh viện, Viện nghiên cứu có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện các nội dung nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có nội dung “Tổ chức các hoạt động thiết thực chào mừng hoặc tổ chức Lễ Kỷ niệm ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5”. Hoạt động này nhằm tôn vinh giá trị nghề nghiệp, vinh danh tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc người bệnh tại đơn vị, đồng thời cũng động viên người điều dưỡng yêu ngành nghề, yên tâm công tác, nâng cao năng lực cá nhân, tiếp tục công hiến sức lực trí tuệ hiệu quả trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, tiến tới hội nhập khu vực và quốc tế.
Thực hiện chủ chương này của Bộ Y tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn quốc đã hưởng ứng rất sôi nổi. Mặc dù là năm đầu tiên thực hiện, xong do hiểu rõ chủ trương, lại có kế hoạch ngay từ đầu năm nên các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn quốc đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động rất phong phú, đa dạng, thiết thực chào mừng ngày Quốc tế Điều dưỡng như: Tổ chức Hội thi điều dưỡng giỏi; Hội thi điều dưỡng truyền thông giỏi; thi giao tiếp ứng xử, thăm hỏi; tặng quà miễn phí cho người bệnh; Lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Điều dưỡng … Đây là dịp để các cấp Lãnh đạo ngành y tế ghi nhận và biểu dương những đóng thầm lặng nhưng hết sức to lớn của đội ngũ điều dưỡng trong cả nước, đồng thời động viên người điều dưỡng yêu và có trách nhiệm hơn với ngành, nghề. Nhân dịp này, đội ngũ điều dưỡng cũng hiểu rõ hơn lịch sử phát triển nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thay đổi phong cách, thái độ phục vụ để hướng đến sự hài lòng của người bệnh và hội nhập khu vực, quốc tế.
Đặc biệt trong dịp này, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Trung ương Huế đã tổ chức cầu truyền hình trực tuyến Lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Điều dưỡng. Đây là cơ hội trao đổi, chia sẻ về sự phát triển, hoạt động điều dưỡng của 3 bệnh viện và nhằm tôn vinh, tri ân những cống hiến to lớn của người điều dưỡng đối với người bệnh và xã hội.
Ngày 12/5/2020 Bộ Y tế đã tổ chức Lễ Kỷ niệm ngày Quốc tế Điều dưỡng nhằm tôn vinh những đóng góp rất quan trọng của người Điều dưỡng đồng thời thể hiện chiến lược, định hướng của Ngành Y tế Việt Nam trong việc từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc người bệnh tiến tới hội nhập điều dưỡng khu vực và Quốc tế. Tham dự buổi Lễ, có PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục Trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh; PGS. TS. Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam; TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam; ThS. Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam…
Phát biểu tại buổi Lễ, PGS. TS. Lương Ngọc Khuê cho biết: dịch vụ do người điều dưỡng, hộ sinh cung cấp ngày càng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân và nâng cao vị thế nghề nghiệp, hình ảnh của người Điều dưỡng. Bên cạnh đó, đội ngũ điều dưỡng đã có những đóng góp rất quan trọng, hiệu quả trên các lĩnh vực: Xây dựng chính sách, tổ chức quản lý chăm sóc, đào tạo, thực hành chăm sóc và nghiên cứu khoa học. Chất lượng chăm sóc người bệnh đã có chuyển biến rõ rệt thông qua việc đổi mới các mô hình phân công chăm sóc, tổ chức chăm sóc người bệnh, chuẩn hóa các kỹ thuật điều dưỡng. Đặc biệt trong công tác phòng chống bệnh dịch COVID-19 thời gian vừa qua, Điều dưỡng đã có những đóng góp rất hiệu quả cùng với các bác sĩ và nhân viên y tế khác từng bước đẩy lùi bệnh dịch. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh tiến tới hội nhập điều dưỡng khu vực và quốc tế, trong thời gian tới, Ngành Điều dưỡng Việt Nam phải đổi mới căn bản về chính sách, lãnh đạo điều hành, nguồn nhân lực và về chất lượng chăm sóc theo tinh thần của Chiến dịch “Nursing Now”.
Tại buổi lễ, ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã phát biểu: Việt Nam nên đầu tư vào công tác điều dưỡng, đào tạo điều dưỡng và trao quyền cho điều dưỡng. Tổ chức này cũng cam kết luôn song hành cùng Việt Nam để hỗ trợ điều dưỡng, đào tạo nhân lực điều dưỡng.
Nguồn: Cục Quản lý KCB
Một số bài viết khác:
Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn hưởng ứng Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10/2024: Vận động và sinh hoạt điều độ để có sức khỏe và phòng tránh bệnh tật
Xuất hiện văn bản giả mạo Sở Y tế Quảng Ninh thành lập đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm
Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn tập huấn công tác xã hội trong Bệnh viện năm 2024
Trung tâm Y tế Vân Đồn tổ chức tập huấn phát hiện – can thiệp sớm trẻ khuyết tật
Phòng ngừa tăng huyết áp gây đột quỵ
Khi nào nên nhổ răng khôn?