Sự hình thành và phát triển hoạt động Công tác xã hội ở Việt Nam dựa trên cơ sở tình cảm tốt đẹp giữa con người và con người, tình làng nghĩa xóm, truyền thống Á đông,… tương tự như quy luật hình thành và phát triển ngành công tác xã hội trên thế giới nói chung.
Khởi đầu từ cuối những năm 80, với việc Tổ chức Cứu trợ trẻ em của Thụy Điển tại Việt Nam đề xướng việc phát triển công tác xã hội thông qua các nghiên cứu về nguồn nhân lực trong công tác xã hội, biên soạn tài liệu về công tác xã hội, cấp học bổng trong và ngoài nước cho những người làm việc trong lĩnh vực này và vận động Chính phủ trong việc xây dựng mã đào tạo ngành công tác xã hội; đến nay, ngành Công tác Xã hội ở Việt Nam đã đạt được những bước tiến nhanh và quan trọng:
- Ban hành mã ngành: năm 2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định 35/2004/GDĐT ngày 11/10/2004 ban hành mã ngành và công nhận ngành công tác xã hội là một ngành đào tạo bậc đại học. Kể từ đó, nhiều trường Cao đẳng, Đại học đã tiến hành đào tạo ngành công tác xã hội; cho đến nay trên cả nước có hơn 38 trường tham gia đào tạo nhân lực cho ngành công tác xã hội.
- Thành lập các trung tâm Công tác Xã hội: năm 2009, Cục Bảo trợ Xã hội trình Chính phủ đề án phát triển ngành Công tác xã hội ở Việt Nam trong đó có việc ban hành mã nghề cho nghề Công tác xã hội. Việc Unicef cùng các tổ chức như: Cứu trợ Trẻ em, Plan, Child fund và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ký hợp tác về hệ thống bảo vệ trẻ em trên các tỉnh thành của Việt Nam trong đó vai trò của cán bộ xã hội là hạt nhân trong hệ thống cũng như thành lập các trung tâm Công tác Xã hội từ cấp tỉnh đến Trung ương.
- Ban hành mã nghề: ngày 25/8/2010 Bộ Nội Vụ ban hành Thông tư số 08/2010/TT-BNV qui định mã nghề công tác xã hội trong hệ thống ngành nghề tại Việt Nam.
Dấu mốc quan trọng: ngày 25/3/2010 Phó Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 32/2010/QĐ – TTg phê duyệt đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020 (đề án 32), đánh dấu một mốc mới quan trọng của ngành công tác xã hội tại Việt Nam.
Sau khi đề án 32 được ban hành, tháng 9/2010 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội thảo triển khai đề án này cho tất cả các tỉnh thành trong cả nước, tới năm 2011 Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quyết định số 2514/QĐ-BYT ngày 15/7/ 2011 phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội trong ngành y tế giai đoạn 2011-2020 và tới năm 2015 Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 30/2015/TTLT-BLĐTBXH-BNV ngày 19/8/2015 quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội.
Đối với ngành y tế, ngày 26/11/2015 Bộ Y tế có Thông tư số 43/2015/TT-BYT Quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện, ngày 10/5/2016 Bộ Y tế ban hành công văn số 2633/BYT-TCCB hướng dẫn xây dựng đề án thành lập Phòng Công tác xã hội trong bệnh viện.
Có thể nói, cùng với quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, chính những nỗ lực lớn lao của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nội Vụ và các tổ chức trong nước và quốc tế đã góp phần to lớn trong việc hình thành một nghề mới ở đất nước ta, nghề Công tác xã hội. Trong qúa trình hình thành và phát triển của ngành Công tác xã hội thì việc phê duyệt đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020 của Phó Thủ tướng Chính phủ là một dấu mốc cực kỳ quan trong, Chính vì vậy, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25/3 hàng năm là ngày Công tác xã hội Việt Nam như một hình thức vinh danh những người tham gia một công việc thầm lặng nhưng vô cùng cần thiết trong xã hội: nghề Công tác xã hội.
Bs Phạm Quốc Hùng – BV Hùng Vương
Một số bài viết khác:
Ngày An Toàn Người Bệnh Thế Giới – 17/9 Chủ đề: Cải Thiện Chẩn Đoán – Vì Sự An Toàn Của Người Bệnh
Ngày Sơ Cấp Cứu Thế Giới – 14/9 với Chủ đề: Sơ Cấp Cứu và Thể Thao – Bảo Vệ Sức Khỏe và An Toàn Cộng Đồng
Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn mang niềm vui Trung Thu đến các bệnh nhi năm 2024
Phình động mạch chủ bóc tách
Tật thừa Răng
Viêm gan B “kẻ giết người” thầm lặng