Hội nghị quốc tế về dân số đã chọn “Ngày 11/7 là Ngày Dân số Thế giới” mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc, vì vào lúc 6 giờ 35 phút ngày 11 tháng 7 năm 1987 em bé Mát-tơ-gát người Nam Tư ra đời. Nhân loại đã chào đón sự có mặt của thành viên thứ 5 tỷ.
Đứng trước sự gia tăng dân số quá nhanh, vấn đề dân số làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng dân số, môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên. Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) với tầm nhìn chiến lược về dân số đã tổ chức Hội nghị Quốc tế về dân số ở thủ đô Hà Lan vào tháng 11 năm 1989, tại diễn đàn Dân số thế giới này đã quyết định lấy ngày sinh của bé Matej Gašpar là ngày 11/7 làm “Ngày Dân số thế giới” nhằm nhắc nhở các quốc gia và mỗi người sống trên trái đất về nguy cơ dân số tǎng quá nhanh, con người không đủ điều kiện sống với đầy đủ quyền chính đáng như: quyền học hành, có việc làm, đủ dinh dưỡng, nhà ở, bảo vệ sức khoẻ… Trên cơ sở đó, mỗi quốc gia, mỗi người tự liên hệ với dân số của địa phương mình để có suy nghĩ và hành động đúng trong hành vi dân số mà tìm mọi biện pháp tích cực, góp phần giảm sự gia tăng dân số, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng dân trí và cải tạo môi trường sinh thái.
Cũng tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển, Việt Nam đã tham gia ký kết Chương trình hành động ICPD nhằm nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa dân số và phát triển và kêu gọi lồng ghép đầy đủ các vấn đề dân số vào các chiến lược phát triển, vào công tác lập kế hoạch, ra các quyết định và phân bổ nguồn lực ở các cấp, các vùng. Vấn đề này được nhấn mạnh bởi vì các chỉ tiêu dân số, bao gồm tỷ lệ tăng dân số, cơ cấu tuổi, mức sinh, mức chết, di cư… đều ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của phát triển con người, kinh tế và xã hội.
Trong thời gian qua, công tác dân số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Tốc độ gia tăng dân số được khống chế thành công. Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm 1,7% giai đoạn 1989-1999 đã giảm xuống dưới 1,2% giai đoạn 1999-2009 và khoảng 1% gia đoạn 2010 đến nay. Số con trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm mạnh từ 6,39 con năm 1960 xuống 2,33 con năm 1999, đạt mức sinh thay thế 2,09 con năm 2006, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) và tiếp tục được duy trì cho đến nay. Ước tính quy mô dân số đã giảm được khoảng 20 triệu người nhờ có các chính sách dân số – KHHGĐ phù hợp. Cơ cấu dân số thay đổi tích cực, số lượng và tỷ trọng dân số phụ thuộc giảm, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh vào năm 2020, với dân số trong độ tuổi lao động chiếm 70% dân số. Chất lượng dân số được cải thiện. Tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong trẻ em đã giảm hai phần ba; tỷ số tử vong mẹ giảm ba phần tư so với năm 1990.
Tuy nhiên, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình vẫn còn nhiều hạn chế đó là những vấn đề như : mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể. Quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và tiếp tục tăng. Tỷ số giới tính khi sinh đang ở mức nghiêm trọng và ngày càng lan rộng. Di cư diễn ra với cường độ mạnh trên phạm vi cả nước. Thời kỳ dân số vàng đan xen với già hóa dân số với tốc độ rất nhanh. Đặc biệt, chất lượng dân số còn hạn chế. Trước tình hình đó, ngày 25/10/2017 tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác Dân số trong tình hình mới được ban hành đã đánh dấu mốc quan trọng cho sự chuyển hướng chính sách dân số mới sang dân số và phát triển, thay đổi quan điểm, mục tiêu, giải pháp mới cho chính sách dân số của nước ta, làm tăng hiệu quả đầu tư cho công tác dân số và quan trọng nhất là góp phần phát triển bền vững đất nước.
Tại Hà Nội, sau khi Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác Dân số trong tình hình mới; Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2018 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác Dân số trong tình hình mới ra đời; Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 74-KH/TW về việc Thực hiện Nghị quyết số 21 – NQ/TW; Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 30/3/2018 của UBND TP Hà Nội triển khai công tác DS – KHHGĐ năm 2018; Kế hoạch số 94/ UBND ngày 20/4/2018 của UBND thành phố về đẩy mạnh công tác Dân số trong tình hình mới; Kế hoạch 93/KH-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc triển khai thực hiện “Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025” trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2025; Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 28/8/2018 của UBND thành phố Hà Nội về việc phát triển thể lực, tầm vóc người Hà Nội đến năm 2030.
Năm 2018, công tác dân số – KHHGĐ Hà Nội đã đạt các chỉ tiêu Kế hoạch của Thành phố đề ra, tạo cơ sở để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 5 năm từ năm 2016 đến năm 2020, cụ thể, tỷ suất sinh đạt 15,13 ‰ giảm 0,17 ‰ so với năm 2017. Số sinh con thứ 3 trở lên đạt tỷ lệ 6,6% giảm 0,1% so với năm 2017. Tỷ số giới tính khi sinh là 113 trẻ trai/100 trẻ gái. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh: 76 % số bà mẹ mang thai. Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 84,1% số trẻ sinh ra. Thực hiện sàng lọc khiếm thính tại cộng đồng cho 193.393 ca, sàng lọc Thalassemia tại Trung tâm sàng lọc và cộng đồng cho 7.500 trường hợp. Sàng lọc tim bẩm sinh tại Trung tâm sàng lọc và tại cộng đồng cho 35.359 ca.Tỷ lệ sử dụng BPTT (CPR) đạt 76% (đạt chỉ tiêu giao), tổng số người mới áp dụng BPTT là 377.642 người, đạt 118,1% chỉ tiêu kế hoạch giao năm 2018.
Kết quả sáu tháng đầu năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh của thành phố Hà Nội là 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái, dự kiến cuối năm không quá 113 trẻ trai/100 trẻ gái; tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 78,08%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 85,12%; số người mới áp dụng Biện pháp tránh thai 367.316 người (đạt 101,9%).
Ngoài ra, hiện nay tại Hà Nội nhiều mô hình được duy trì và nhân rộng tại các địa bàn trên toàn thành phố như Mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; Mô hình can thiệp truyền thông CSSKSS/KHHGĐ tới vùng dân cư đặc thù; Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân và Mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên… Ngoài ra, hàng năm, Chi cục DS-KHHGĐ thành phố đã phối hợp với Hội Kế hoạch hóa gia đình để tổ chức các buổi truyền thông kiến thức SKSS/KHHGĐ cho các đối tượng là phụ nữ quanh tuổi mãn kinh, nam giới, vị thành niên thanh niên,..; Phối hợp với Thành đoàn Hà Nội tổ chức truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản/ KHHGĐ và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho các đoàn viên thanh niên,…; Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn lao động để truyền thông chính sách Dân số – KHHGĐ, kiến thức CSSKSS/KHHGĐ, bình đẳng giới cho cán bộ trong hệ thống và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ …
Kỷ niệm ngày Dân số Thế giới năm nay, Hà Nộii tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân số. Tổ chức học tập, quán triệt và phổ biến nội dung Nghị quyết số 21-NQ/TW đến các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức Đảng các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức và tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Nâng cao chất lượng dân số; đưa tỷ số giới tính khi sinh dần về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, góp phần phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.
Theo TTTĐT Quận Long Biên
Một số bài viết khác:
ĐẺ KHÔNG ĐAU – KĨ THUẬT GIÚP CÁC MẸ TRẢI QUA QUÁ TRÌNH SINH CON AN TOÀN, NHẸ NHÀNG
Thư cảm ơn
HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYÊN ĐỀ PHẪU THUẬT & BỆNH LÝ TAI MŨI HỌNG LẦN II TẠI TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN VÂN ĐỒN
Chủ động phòng, chống bệnh sởi – Bảo vệ sức khỏe cộng đồng
CƠ HỘI THĂM KHÁM CÙNG CHUYÊN GIA THĂM DÒ CHỨC NĂNG TUYẾN TRUNG ƯƠNG
BSCKII. TÔ THỊ THÚY HẰNG niềm hy vọng cho bệnh nhân mắc các bệnh về Thần kinh – Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng