Một số quy định mới về hưởng BHXH từ ngày 15/2/2023

Có hiệu lực từ ngày 15/2/2023, Thông tư số 18/2022/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2017/TT-BYT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động hưởng chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) khi bị ốm đau, bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp… Người dân cần lưu ý để đảm bảo quyền lợi của mình.

1. Người lao động bị ung thư được lĩnh BHXH 1 lần ngay sau khi nghỉ việc

Theo quy định cũ tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP (hiệu lực đến hết 14/2/2023) yêu cầu người lao động đang bị mắc ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng,… đồng thời phải đáp ứng thêm điều kiện là không tự sinh hoạt cá nhân hàng ngày, cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn mới được giải quyết hưởng BHXH 1 lần ngay sau khi nghỉ việc.

Khoản 1 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/2/2023 đã sửa quy định về các trường hợp mắc bệnh được hưởng BHXH 1 lần. Theo đó, người lao động gặp vấn đề về sức khỏe sẽ được lãnh BHXH nếu thuộc một trong các trường hợp:

– Người đang bị mắc 01 trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS.

– Người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

Như vậy, theo quy định này, NLĐ nếu không may mắc ung thư có thể lĩnh BHXH một lần ngay sau khi nghỉ việc mà không chờ sau một năm như quy định trước đây.

2. Các trường hợp hưởng BHXH một lần không cần giám định y khoa

Theo quy định hiện hành tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT, các trường hợp đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 60 Luật BHXH, đều phải khám giám định xác định không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

Tuy nhiên, theo quy định mới tại Thông tư số 18/2022/TT-BYT, từ ngày 15/2/2023, trường hợp đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS chỉ cần căn cứ vào bản chính hoặc bản sao hợp lệ giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án để xem xét, giải quyết chế độ. Không cần giám định y khoa.

Chỉ các đối tượng người mắc các bệnh, tật khác và có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn cần giám định y khoa để làm cơ sở được hưởng BHXH một lần.

3. Được chủ động đi giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để hưởng BHXH, không cần chờ 2 năm

Hiện nay, đối với các trường hợp giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thời hạn giám định lại ít nhất sau 02 năm (đủ 24 tháng) kể từ ngày người lao động được Hội đồng Giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gần nhất trước đó (trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 47 của Luật an toàn, vệ sinh lao động)

Người dân được chủ động đi giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để hưởng BHXH

Tại khoản 8 điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/2/2023 quy định: Đối với các trường hợp giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp người lao động được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Ngoài ra, cũng theo quy định mới tại Thông tư 18, người lao động còn được quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trả phí khám giám định lại nếu kết quả khám giám định xác định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Tuy nhiên, nếu kết quả giám định lại không đủ để được điều chỉnh tăng mức trợ cấp, thì người lao động có đề nghị khám giám định lại sẽ tự chịu chi phí khám giám định.

4. Người bệnh lưu tại Trạm y tế xã cũng được cấp chứng nhận nghỉ hưởng BHXH

Khoản 3 Điều 15 Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định, “Trường hợp người bệnh được lưu tại Trạm y tế xã theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên tịch Bộ Y tế và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT khi kết thúc điều trị, theo dõi tại Trạm y tế thì được cấp giấy ra viện theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này”. Thông tư chưa quy định ngày nghỉ hưởng BHXH là bao nhiêu ngày.

Tại Thông tư số 18/2022/TT-BYT quy định rõ số ngày nghỉ hưởng BHXH nhưng không quá 30 ngày.

5. Bổ sung trường hợp được tăng ngày nghỉ hưởng BHXH

Khoản 2 Điều 20 Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định, một lần khám chỉ được cấp một Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (tối đa 30 ngày). Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.

Số ngày nghỉ trên giấy nghỉ việc hưởng BHXH có thể lên đến 50 ngày

Nội dung nêu trên được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 18/2022/TT-BYT như sau:

Trường hợp người bệnh điều trị bệnh lao theo Chương trình Chống lao Quốc gia thì thời gian nghỉ tối đa không quá 180 ngày cho một lần cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

Trường hợp người lao động bị sẩy thai, phá thai, nạo, hút thai, thai chết lưu mà tuổi thai từ 13 tuần tuổi trở lên thì thời gian nghỉ tối đa theo quy định của Luật BHXH nhưng không quá 50 ngày cho một lần cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

6. Bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người nhiễm Covid-19

Tại khoản 13 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYT đã bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người nhiễm Covid-19. Theo đó, người nhiễm COVID-19 điều trị nội trú hoặc ngoại trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH:

– Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009;

– Các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 được thành lập theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 168/NQ-CP, như sau:

+ Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19;

+ Bệnh viện điều trị COVID-19;

+ Bệnh viện hồi sức cấp cứu COVID-19;

+ Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19.

7. Được yêu cầu cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH nếu đi khám mà chưa được cấp

Khoản 18 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYTđã bổ sung quy định sau:

Trường hợp người lao động đã khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa được cấp giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, giấy chứng nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người lao động đã khám bệnh, chữa bệnh căn cứ quy định tại Thông tư này và văn bản đề nghị của người đó làm căn cứ cấp giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, giấy chứng nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, trong đó tại phần ngày, tháng, năm trên phần chữ ký của người hành nghề ghi theo ngày cấp.

Như vậy, từ ngày 15/02/2023, người lao động được yêu cầu cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH nếu đi khám mà chưa được cấp.

Nguồn: suckhoequangninh.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *