Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), đơn giản hóa các thủ tục, giảm phiền hà tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cũng như nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, hướng đến sự hài lòng của người bệnh… đã và đang là những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được ngành Y tế tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chỉ đạo thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ và đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Ngành Y tế Quảng Ninh luôn xác định công tác CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong toàn ngành y tế. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, của cán bộ, nhân viên và các tổ chức, cá nhân trong chung tay thực hiện CCHC.
Theo đó, ngày 14/01/2025, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch số 183/KH-SYT chỉ đạo sát sao các nội dung về CCHC đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành. Trên cơ sở đó, ngành chỉ đạo các đơn vị trực thuộc căn cứ kế hoạch CCHC của Sở Y tế ban hành kế hoạch, chương trình CCHC tại đơn vị mình theo giai đoạn và hàng năm. Vì vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC trong ngành được thực hiện sát sao, thường xuyên, quyết liệt.
Ngành đã triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung của chương trình cải cách hành chính như: (1) Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính; (2) Cải cách thể chế; (3) Cải cách thủ tục hành chính (TTHC); (4) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; (5) Cải cách công vụ; (6) Cải cách tài chính công; (7) Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số… Tập trung vào giải quyết các TTHC nhanh, gọn không gây phiền hà cho công dân, quán triệt yêu cầu thực hiện niêm yết công khai các thủ tục hành chính cụ thể rõ ràng đến từng bộ phận và cơ quan đơn vị trực thuộc, đồng thời kiện toàn cơ cấu tổ chức theo hướng tinh giản, hiệu lực, hiệu quả, trên cơ sở nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức cả về chuyên môn nghiệp vụ, y đức và tinh thần thái độ phục vụ nhân dân.
Hiện nay TTHC thuộc Lĩnh vực Y tế phải thực hiện theo quy định là 134 TTHC trong đó 128 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế (93 TTHC thực hiện tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, 35 TTHC thực hiện tại đơn vị); 04 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện và 02 TTHC thuộc thẩm quyền của cấp xã. Đối với 128 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ngành Y tế: 93 TTHC (100% TTHC của Sở Y tế) được đưa vào thực hiện tập trung tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh (gồm 08 lĩnh vực: Khám chữa bệnh: 23; Y Dược cổ truyền: 5; Dược và Mỹ phẩm: 36; Y tế Dự phòng: 18; An toàn vệ sinh thực phẩm: 04; Trang thiết bị y tế: 03; Đào tạo, Nghiên cứu khoa học và Công nghệ thông tin: 01; Tổ chức cán bộ: 02; Tài chính kế toán: 01 TTHC); 35 TTHC thực hiện tại các đơn vị, cơ sở trực thuộc Sở Y tế (gồm 03 lĩnh vực: Y tế Dự phòng: 13; Giám định y khoa: 22 TTHC; Dân số KHHGĐ: 02 TTHC). Các thủ tục được tiếp nhận, xử lý theo nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ, đúng thời gian, đúng pháp luật. Qua đó, người dân được hưởng thụ dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí cũng như thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong lộ trình phát triển, là giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong những năm qua Sở Y tế đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin trong ngành Y tế; đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm, đặc biệt phát triển hệ thống y tế thông minh. Chỉ đạo các đơn vị KCB toàn ngành thực hiện đơn giản hóa TTHC, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đến khám, điều trị, rút ngắn thời gian chờ đợi. Các cơ sở y tế trực thuộc đơn giản hóa quy trình KCB, cung cấp các dịch vụ y tế. Niêm yết công khai, minh bạch TTHC để mọi người dân được biết. Các cơ sở KCB, cung cấp dịch vụ y tế tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, giải quyết nhanh chóng TTHC, nâng cao chất lượng KCB, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh.
Các cơ sở KCB không ngừng nỗ lực cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu để tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ chất lượng cao. Nhờ cải cách TTHC mà chất lượng dịch vụ nói chung của các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đều được nâng lên, nhận được phản hồi tích cực của người dân.
Kết quả, đến nay 100% Trạm Y tế xã triển khai phần mềm y tế cơ sở, hồ sơ sức khỏe điện tử để cung cấp thông tin quản lý bệnh tật, hồ sơ sức khỏe người dân, 100% cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh triển khai sử dụng phần mềm trong công tác KCB và liên thông thanh quyết toán bảo hiểm y tế. 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập triển khai ứng dụng khám chữa bệnh từ xa kết nối với 11 bệnh viện Trung ương, tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ, nhóm hỗ trợ chuyên môn, tư vấn khám và điều trị từ xa giúp cho cơ sở y tế tuyến dưới, thực hiện tư vấn, hỗ trợ chẩn đoán điều trị, hội chẩn từ xa cho người bệnh. Đến ngày 10/11/2024, theo ghi nhận hệ thống phần mềm Vtelehealth của Bộ Y tế toàn tỉnh đã có 90.655 người dân cài đặt ứng dụng, 73.445 tài khoản được tạo và có 1057 phiên hỗ trợ tư vấn sức khỏe qua ứng dụng.
Triển khai quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử/sổ sức khỏe điện tử: Tiếp tục thực hiện triển khai kết nối dữ liệu khám chữa bệnh với Sổ sức khỏe điện tử VNeID, sử dụng Sổ sức khỏe điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an (Số dữ liệu Sổ sức khỏe điện tử của tỉnh đã liên thông 1.236.778 hồ sơ; Giấy chuyển tuyến 34.013 hồ sơ; Giấy hẹn khám lại 151.916 hồ sơ); triển khai thu thập bổ sung, làm sạch, chuẩn hoá thông tin hành chính và sức khỏe của người dân trên Hồ sơ sức khỏe tỉnh Quảng Ninh năm 2024 (đến thời điểm hiện tại Hồ sơ sức khỏe điện tử của Tỉnh đã lưu trữ thông tin của 1.384.140/1.419.825 nhân khẩu (đạt 97,48%), số hồ sơ đã khám lập 1.118.780 (đạt 80,82 %)); thực hiện liên thông dữ liệu KCB từ 215 cơ sở y tế với Hồ sơ sức khỏe; thực hiện chuẩn hóa dữ liệu hành chính cho hơn 4.506 người dân.
Tại các đơn vị y tế đều bố trí các nhân viên hướng dẫn, hỗ trợ người bệnh thực hiện các TTHC khi đến KCB, triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền (tổng số tiền thanh toán không dùng tiền mặt trong năm đạt 40,3 tỷ đồng).
Ngành Y tế Quảng Ninh là một trong 02 tỉnh trên cả nước có số cơ sở hoàn thành triển khai bệnh án điện tử nhiều nhất với 21/21 đơn vị đạt 100%, hoàn thành mục tiêu Kế hoạch của tỉnh trước 01 năm, của Bộ Y tế 03 năm).
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác CCHC, năm 2025 ngành Y tế đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp sau tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng, kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của UBND, HĐND đảm bảo tuân thủ các quy định; 100% văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh liên quan đến lĩnh vực do ngành tham mưu được ban hành đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn của ngành; hoàn chỉnh việc sửa đổi các quy trình giải quyết TTHC phù hợp theo quy định hiện hành và đưa vào áp dụng trên phần mềm một cửa điện tử; nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các đơn vị; thanh tra, kiểm tra công vụ gắn với xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; Nâng cao số lượng hồ sơ được giải quyết sớm, trước hạn; 100% hồ sơ TTHC thuộc lĩnh vực ngành Y tế được giải quyết đúng thời hạn; Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chất lượng cung cấp các dịch vụ, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Y tế tiếp tục được cải thiện, từng bước đáp ứng sự hài lòng của người dân.
—————————————–
Theo: Sức Khỏe Quảng Ninh
Một số bài viết khác:
Chuyển đổi số: Cơ hội tinh gọn cấp tỉnh
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN CHIỀU CAO TRONG 1000 NGÀY ĐẦU ĐỜI
Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai
NGÀY SỨC KHỎE THẬN THẾ GIỚI 13/3 – PHÁT HIỆN SỚM, BẢO VỆ SỨC KHỎE THẬN
Gạt nước mắt, người vợ trẻ hiến tạng của chồng, hồi sinh sự sống hai người khác
Giáo dục giới tính cho trẻ theo lứa tuổi – Nền tảng bảo vệ sức khỏe sinh sản