Để phát huy những thành quả đạt được trong công tác khám chữa bệnh, Sở Y tế Quảng Ninh luôn chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ bệnh nhân. Trong đó nhấn mạnh các giải pháp như tiếp tục phối hợp với các trường, viện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác với các bệnh viện tuyến trên trong việc chuyển giao các kỹ thuật mới, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ…, hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng tốt hơn.
Làm chủ hàng loạt kỹ thuật cao
Trong những năm qua, các cơ sở y tế đã triển khai nhiều nhiều giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Trong đó đã triển khai 116 kỹ thuật y tế chuyên sâu ở tất cả các chuyên khoa với 15.130 ca năm 2023 và 13.483 ca thực hiện trong 10 tháng đầu năm 2024… Nhờ đó, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng lên, thể hiện ở việc các bệnh viện công lập, tư nhân, trung tâm y tế đã làm chủ được nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật khó, qua đó cấp cứu, điều trị hiệu quả cho người bệnh.
Trong rất nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, chuyên sâu mà các cơ sở y tế đã tiếp nhận và triển khai điều trị thường quy hiệu quả như: (1) Chuyên ngành Nội Tim mạch – can thiệp (đặt stent phình động mạch chủ, điều trị rối loạn nhịp bằng sóng tần số radio, điều trị suy tĩnh mạch bằng Laser nội mạch; (2 ) Tiếp tục triển khai các đợt phẫu thuật tim hở; (3) Chuyên ngành Ngoại thần kinh – cột sống; (4) Chuyên ngành Ngoại ổ bụng (Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến tiền liệt trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt; Cắt thực quản, tạo hình thực quản bằng dạ dày đường bụng, ngực, cổ; Cắt phân thuỳ gan trước); (5) Chuyên ngành Sơ sinh: Bệnh viện Sản Nhi trong năm điều trị 22 trẻ sơ sinh cực non dưới 28 tuần tuổi, Bệnh viện đã cứu sống được 14 trẻ qua cơn nguy kịch. Đặc biệt trong năm 2024, Bệnh viện đã nuôi sống thành công ca sơ sinh cực non tháng 24 tuần 4 ngày với cân nặng sơ sinh thấp ~500gr; (6) Trung tâm Hỗ trợ sinh sản thực hiện kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm (IVF) cho 506 cặp vợ chồng, giúp cho 504 trường hợp thai, 482 trẻ sơ sinh ra đời từ phương pháp thụ tinh ống nghiệm.
Trong năm 2024, Sở Y tế đã chỉ đạo xây dựng Đề án ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí. Các bệnh viện đã tích cực cử cán bộ đi đào tạo, tập huấn tại Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện số 2, Đại học Y Quảng Tây, Trung Quốc (Bệnh viện có số ca gép tạng đứng hàng đầu thế giới). Dự kiến năm 2025 triển khai ca ghép tạng đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Lĩnh vực Hợp tác quốc tế và phát triển các Hội chuyên môn: Ngành Y tế đã chủ động mở rộng và triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác quốc tế đa phương, hợp tác với Uỷ ban y tế và sức khoẻ Quảng Tây (Trung Quốc). Trong năm 2024, đón tiếp 15 đoàn chuyên gia các Bệnh viện, tổ chức Quốc tế tới làm việc và hướng dẫn chuyên môn (Trung Quốc: 08 đoàn, 07 đoàn chuyên gia Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức và một số quốc gia khác), cử 30 cán bộ nhân viên y tế học tập kinh nghiệm và đạo tạo bồi dưỡng chuyên sâu tại nước ngoài (trong đó 27 cán bộ học tại Trung Quốc, 03 cán bộ học tại Đài Loan). Trong năm 2025 dự kiến tiếp tục cử hơn 100 cán bộ nhân viên y tế sang học tập (gồm 63 bác sỹ, 22 điều dưỡng và 20 đối tượng khác).
Đặc biệt, lĩnh vực Tim mạch đã có những bước tiến rất lớn, các bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện Sản Nhi đã triển khai được phẫu thuật tim hở, Phẫu thuật tim nội soi, Can thiệp tim mạch, qua đó thực hiện được các kỹ thuật khó như: đặt stent giúp giải quyết các tổn thương hẹp, tắc động mạch vành; tắc động mạch cảnh, động mạch thận, động mạch chi; Đặt stent graft động mạch chủ ngăn ngừa vỡ phình động mạch chủ lớn; Cấy máy tạo nhịp tim tạm thời và vĩnh viễn; Cấy máy phá rung tự động (ICD) ngăn ngừa đột tử do loạn nhịp thất ác tính; Điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng tần số Radio; Đặt lưới lọc vào tĩnh mạch chủ dưới để ngăn ngừa tắc động mạch phổi; Can thiệp nội mạch điều trị bệnh lý động mạch chủ và bệnh lý mạch máu ngoại biên… Với việc làm chủ các kỹ thuật này, trong thời gian qua hàng chục ngàn bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, trong đó nhiều trường hợp ngưng tim ngoại viện được cứu sống một cách ngoạn mục.
Đối với điều trị đột quỵ, từ năm 2013 nhiều bệnh viện ở Quảng Ninh đã triển khai phương pháp tiêu sợi huyết để điều trị bệnh, trong năm 2023 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã thành lập đơn vị đột quỵ và được Tổ chức Đột quỵ thế giới (WSO) công nhận đạt tiêu chuẩn Vàng (Gold Status) trong công tác điều trị bệnh nhân đột quỵ, trở thành bệnh viện đầu tiên của Quảng Ninh vinh dự đạt được tiêu chuẩn này. Bên cạnh hệ thống trang thiết bị hiện đại như Máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), cắt lớp vi tính Revolution CT 512 lát, cộng hưởng từ 1.5 Tesla…, Bệnh viện đã chuẩn hóa quy trình cấp cứu đột quỵ, đồng thời làm chủ và triển khai đầy đủ phương pháp điều trị đột qụy não hiện nay, đặc biệt các kỹ thuật xâm lấn tối thiểu như can thiệp nút phình động mạch não bằng vòng xoắn kim loại (coil), ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid… giúp cứu sống nhiều trường hợp đột quỵ nặng, nguy kịch, mang đến cơ hội sống cho người bệnh.
Quyết tâm triển khai kỹ thuật cao để phục vụ người bệnh tốt hơn
Để tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, một trong những giải pháp quan trọng, then chốt được các bệnh viện, trung tâm y tế hướng tới đó là phát triển kỹ thuật mới, kỹ thuật cao. Đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu, cùng với việc đổi mới phong cách, tinh thần phục vụ người bệnh, hệ thống y tế Quảng Ninh đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh, đưa dịch vụ y tế chất lượng cao đến gần người dân.
Việc phát triển kỹ thuật mới, kỹ thuật cao cũng được các bệnh viện tuyến tỉnh, khu vực hỗ trợ đào tạo, chuyển giao cho các trung tâm y tế huyện. Nhờ đó các trung tâm y tế ngoài việc làm chủ các kỹ thuật về phẫu thuật tổng quát, còn phát triển các kỹ thuật mới trước đây chỉ thực hiện ở các bệnh viện tuyến tỉnh, như: mổ nội soi, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, chạy thận nhân tạo…
Mới đây, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên đã thực hiện thành công ca mổ kết hợp gãy liên mấu chuyển xương đùi bằng nẹp khoá dưới hướng dẫn màn hình tăng sáng (C-Arm) cho người bệnh. Đặc biệt, hệ thống C-Arm đã giúp các bác sĩ vừa phẫu thuật, vừa theo dõi được hình ảnh xương ở vị trí gãy trên màn hình, từ đó có thể nắn chỉnh xương gãy về vị trí giải phẫu, vết mổ nhỏ, giảm nguy cơ mất máu, nhiễm trùng, tổn thương phần mềm. Nhờ đó, bệnh nhân hồi phục nhanh sau mổ.
Tại Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn, trường hợp ông N.C.N (81 tuổi, TP Cẩm Phả) vừa được mổ nội soi cắt, đốt thành công u xơ tuyến tiền liệt bằng laser tại Trung tâm. Đây là một trong những kỹ thuật khó của tuyến tỉnh đã được triển khai thành công tại trung tâm trong vài năm gần đây. Đặc biệt, ngay đầu năm 2025, trung tâm đã đưa vào sử dụng phòng mổ hiện đại, với những máy móc, thiết bị mới, như hệ thống phẫu thuật nội soi 4K (phục vụ cho phẫu thuật nội soi ổ bụng, tiêu hóa, tiết niệu, sản khoa, gan mật), máy tán sỏi laser, dao mổ siêu âm có chức năng hàn mạch, bàn mổ đa năng, máy gây mê…
Đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn lượt bệnh nhân được phẫu thuật điều trị hiệu quả tại các đơn vị y tế tuyến huyện mỗi năm. Hiện trong lĩnh vực ngoại khoa, 100% đơn vị đã triển khai được mổ nội soi; đồng thời thực hiện nhiều phẫu thuật khó, như: Phẫu thuật sọ não, chấn thương nặng, ổ bụng, sản phụ khoa… Cùng với lĩnh vực ngoại khoa, gần đây, các đơn vị đã từng bước nâng cao năng lực về cấp cứu, hồi sức, chẩn đoán trước sinh, sàng lọc ung thư; quản lý, điều trị hiệu quả các bệnh lý nội tiết, tim mạch, COPD, cơ xương khớp và bệnh truyền nhiễm… Đặc biệt, 100% đơn vị đã có máy chụp cắt lớp vi tính, đồng thời được trang sắm nhiều máy móc, thiết bị mới, hiện đại trong phẫu thuật, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh…
Với vai trò quan trọng của việc triển khai kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh, thời gian tới, các đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục hợp tác với các bệnh viện tuyến trên, tập trung vào các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị các bệnh tim mạch, tiểu đường, phẫu thuật thần kinh, chấn thương, tạo hình và trong lĩnh vực phụ sản, nhi khoa, tim mạch, ung bướu…
Cùng với đó, Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa tiếp tục phát huy hiệu quả trong đào tạo rút kinh nghiệm chuyên môn, cập nhật các phác đồ chẩn đoán, điều trị mới từ tuyến tỉnh, Trung ương cho tuyến huyện, nhờ kết nối trực tuyến, giúp những bệnh nhân nặng tại địa phương được các bác sĩ tuyến trên hỗ trợ chuyên môn kịp thời. Ngành Y tế Quảng Ninh cũng duy trì mô hình nguồn nhân lực chất lượng cao sử dụng chung với nhiều cán bộ y tế giỏi thuộc nhiều lĩnh vực, chuyên ngành của các đơn vị y tế tuyến tỉnh sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho tuyến huyện.
——————————–
Theo Sức Khỏe Quảng Ninh
Một số bài viết khác:
Chuyển đổi số: Cơ hội tinh gọn cấp tỉnh
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN CHIỀU CAO TRONG 1000 NGÀY ĐẦU ĐỜI
Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai
NGÀY SỨC KHỎE THẬN THẾ GIỚI 13/3 – PHÁT HIỆN SỚM, BẢO VỆ SỨC KHỎE THẬN
Gạt nước mắt, người vợ trẻ hiến tạng của chồng, hồi sinh sự sống hai người khác
Giáo dục giới tính cho trẻ theo lứa tuổi – Nền tảng bảo vệ sức khỏe sinh sản