NGÀNH Y TẾ SƠ KẾT CÔNG TÁC Y TẾ 9 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ TRIỂN KHAI CÁC NHIỆM VỤ 3 THÁNG CUỐI NĂM 2024

Ngày 09/10/2024, Sở Y tế Quảng Ninh tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành “Sơ kết công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024; Tổng kết công tác ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 của Ngành Y tế”.

Dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu trung tâm có đồng chí Nguyễn Trọng Diện, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế. Cùng dự có các đồng chí trong Ban Giám đốc Sở, đại diện lãnh đạo: Bảo hiểm xã hội tỉnh; Ban Bảo vệ sức khoẻ cán bộ; Thường trực Công đoàn ngành; Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển, Uông Bí; Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh; thủ trưởng/phụ trách các cơ quan, đơn vị, lãnh đạo các phòng chức năng thuộc Sở cùng đại diện các đơn vị trực thuộc dự họp tại 26 điểm cẩu trong tỉnh.

heo báo cáo tại Hội nghị, 9 tháng năm 2024, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn đang được theo dõi và kiểm soát chặt chẽ song song với các hoạt động kiểm dịch y tế quốc tế. Số ca mắc COVID-19 ghi nhận 300 ca tại 10/13 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 01 ca nhập cảnh. Đối với các dịch bệnh khác như: dại, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm mùa,… ghi nhận các ca mắc lẻ tẻ trong cộng đồng, không ghi nhận các ổ dịch lớn cũng như sự bùng phát và lan rộng không kiểm soát của dịch bệnh; Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt 68,16% (đạt 75,7% kế hoạch).

Về công tác khám chữa bệnh (KCB), hiện nay mạng lưới KCB các tuyến tiếp tục được củng cố, ổn định và phát triển. Trong 9 tháng đầu năm, toàn Ngành đã triển khai khám chữa bệnh cho 237.919 lượt người, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2023. Tại các bệnh viện đã thực hiện xây dựng các quy trình kỹ thuật, phác đồ điều trị theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, nhiều kỹ thuật của tuyến Trung ương đã được triển khai thực hiện tại Bệnh viện tuyến tỉnh và một số Bệnh viện tuyến huyện, hoạt động chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ tuyến dưới được tích cực triển khai. Ngành tiếp tục giải pháp sử dụng chung nguồn nhân lực chất lượng cao, kết hợp với hoạt động chỉ đạo tuyến và hỗ trợ chuyên môn giữa các đơn vị trong tỉnh, qua đó chất lượng dịch vụ y tế và công tác khám chữa bệnh ngày một nâng lên, tạo sự tin tưởng, hài lòng của người bệnh và nhân dân. Tỷ lệ chuyển tuyến là 3,55%, thấp nhất trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Công tác phát triển nguồn nhân lực được đẩy mạnh. Tính đến thời điểm hiện tại, các đơn vị y tế đã thu hút được 65 bác sĩ theo 02 Nghị quyết về chính sách thu hút, đào tạo nhân lực y tế của tỉnh (Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND, ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh). Trong đó có 10 bác sĩ tại các bệnh viện đặc thù; 51 bác sĩ tại các trung tâm Y tế (gồm 46 bác sĩ đa khoa, 05 bác sĩ chuyên khoa) và 07 bác sĩ đa khoa tại các trạm y tế (đang thực hiện hợp đồng chờ tuyển dụng viên chức trong năm 2024); Sở Y tế đã phê duyệt cho 111 viên chức, người lao động đi đào tạo đại học và sau đại học; Triển khai kiểm tra sát hạch và hoàn thiện hồ sơ đề nghị tiếp nhận viên chức đối với 636 trường hợp lao động hợp đồng tại các cơ sở y tế trực thuộc. Sở Y tế cũng đã xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực ngành Y tế Quảng Ninh năm 2024 trình UBND tỉnh phê duyệt.

Công tác Dược, mua sắm, quản lý thuốc, công tác quản lý trang thiết bị, vật tư y tế, hợp tác quốc tế được đẩy mạnh. Ngành tiếp tục chú trọng phát triển chuyên môn sâu, đặc biệt ở lĩnh vực ghép tạng và tế bào gốc, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ qua thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở và cấp tỉnh, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Hiện nay, 14/20 đơn vị y tế đã áp dụng bệnh án điện tử (trên tổng số 96 đơn vị y tế đã công bố BAĐT của cả nước).

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo các phòng chuyên môn của Sở đã cùng thảo luận, giải đáp, tháo gỡ vướng mắc với đại diện các đơn vị y tế những vấn đề về nhân lực; mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế; giải ngân vốn đầu tư công; vấn đề thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các đơn vị tự chủ và tự chủ một phần…
Một trong những nội dung quan trọng được đánh giá, thảo luận tại Hội nghị sơ kết là công tác ứng phó và khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra vào tháng 9/2024 vừa qua đối với Ngành Y tế Quảng Ninh. Theo thống kê sơ bộ thiệt hại về cơ sở vật chất hạ tầng của tất cả các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là khoảng 90 tỷ đồng, chưa kể thiệt hại về trang thiết bị y tế, cây xanh… Báo cáo chung tại Hội nghị ghi nhận, trong những ngày cấp bách ứng phó mưa lũ, với điều kiện khó khăn về thông tin liên lạc, phương tiện vận chuyển và tổn thất nặng nề về cơ sở vật chất, các đơn vị y tế vừa tập trung tổng lực cho công tác dọn dẹp, khắc phục thiệt hại; đồng thời vừa nỗ lực vừa đảm bảo duy trì hoạt động thường quy, tập trung nhân lực, trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư, công tác vận chuyển cấp cứu phục vụ tối đa cho người bệnh. Những bệnh nhân bị tổn thương trong và sau bão đều được tiếp cận với hệ thống y tế. Công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm sau bão được triển khai kịp thời. Từ ngày 06/9 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ổ dịch bệnh truyền nhiễm cũng như vụ ngộ độc thực phẩm nào phát sinh sau bão lũ.
Đồng chí Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, cơn bão số 3 (YAGI) gây ra những thiệt hại nghiêm trọng nhưng qua đó cũng thể hiện năng lực ứng phó của Ngành Y tế Quảng Ninh. Nhờ việc chủ động trong công tác chỉ đạo, quán triệt và triển khai các nhiệm vụ sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 3 gắn với giám sát, kiểm tra thực địa công tác phòng chống bão tại đơn vị và địa phương trước và sau bão kịp thời, đặc biệt là tinh thần chủ động, trách nhiệm, hết lòng vì bệnh nhân của cán bộ, nhân viên, người lao động toàn ngành y tế nên việc chăm sóc, điều trị, cấp cứu cho nhân dân trong và sau bão luôn được duy trì đảm bảo. Đồng chí cũng biểu dương tinh thần “tương thân tương ái”, đoàn kết của toàn thể cán bộ, nhân viên Ngành Y tế Quảng Ninh trong khó khăn vẫn sẵn sàng chia sẻ, ủng hộ 1 ngày lương giúp đỡ nhân dân bị thiệt hại do bão số 3. Tổng số tiền quyên góp trong toàn Ngành đến thời điểm này là 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn đóng góp ủng hộ trên 1,7 tỷ đồng quỹ “Mái ấm công đoàn” để giúp đỡ nhân viên y tế trong ngành có hoàn cảnh khó khăn sửa chữa, xây mới nhà ở.
Việc khẩn trương tiếp tục rà soát, khắc phục hậu quả do bão số 3 và hỗ trợ cán bộ, nhân viên Ngành Y tế thiệt hại do bão cũng như có hoàn cảnh khó khăn là một số nhiệm vụ của Ngành Y tế trong 3 tháng cuối năm 2024. Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế cũng đề nghị: Các đơn vị quan tâm rà soát kế hoạch, chỉ tiêu năm 2024 của đơn vị để đẩy nhanh tiến độ thực hiện từ nay đến cuối năm; Thực hiện mua sắm thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm tập trung cấp địa phương; Duy trì hoạt động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt kiểm soát các bệnh đang bùng phát có nguy cơ tử vong, không để dịch bùng phát do nguyên nhân chủ quan gây ra; Nâng cao năng lực khám chữa bệnh, tiếp tục chuyển giao các kỹ thuật y tế mới trong KCB cho tuyến huyện, xã; Chủ động tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số y tế và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành các hoạt động chuyên môn; Đồng thời lưu ý một số vấn đề liên quan công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, tài chính, tuyển dụng; công tác y tế liên quan các sự kiện quan trọng của tỉnh trong 3 tháng cuối năm 2024.
Tại Hội nghị, 10 tập thể, 25 cá nhân của Ngành Y tế có thành tích xuất sắc trong phòng, chống, khắc phục hậu quả bão, lụt được UBND tỉnh tặng Bằng khen; 29 tập thể và 114 cá nhân được Sở Y tế tặng Giấy khen.
Cũng nhân dịp này, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV (Chi nhánh Cẩm Phả) đã ủng hộ 150 triệu đồng cho 3 đơn vị y tế: Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả, Trung tâm Y tế Thành phố Cẩm Phả và Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn.
– Theo Sức khoẻ Quảng Ninh –

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *