Ung thư cổ tử cung (CTC) là một trong những nhóm bệnh ung thư gây tử vong cao ở phụ nữ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày có khoảng 14 ca mắc mới ung thư CTC, trong đó có khoảng 7 ca tử vong. Ung thư CTC gây tổn thương nặng đến tử cung và bệnh thường có diễn tiến âm thầm kéo dài, rất dễ nhầm lẫn với bệnh phụ khoa khác nếu không được tầm soát kỹ.
Để tìm hiểu rõ hơn về bệnh này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Lê Thị Liên, Khoa Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh.
PV: Xin chào bác sĩ. Thưa bác sĩ, hiện nay ung thư cổ tử cung đang là vấn đề quan tâm của tất cả chị em phụ nữ. Trước tiên xin bác sĩ cho biết ung thư cổ tử cung là gì?
Bác sĩ Lê Thị Liên: Ung thư cổ tử cung là loại ung thư xảy ra ở các tế bào lót của cổ tử cung. Cổ tử cung là phần dưới của tử cung (dạ con), nối tử cung với âm đạo. Cổ tử cung được bao phủ một lớp mô mỏng được tạo thành từ các tế bào ở cổ tử cung. Ung thư bắt đầu khi các tế bào lót ở cổ tử cung phát triển không kiểm soát và lấn át các tế bào thường, tạo thành khối u trong cổ tử cung.
Cổ tử cung được cấu tạo bởi hai phần và được bao phủ bởi 2 loại tế bào khác nhau. Các tế bào tuyến bao phủ ở trong ống CTC dẫn vào tử cung. Tế bào vảy bao phủ phần bên ngoài của cổ tử cung – nơi bác sĩ có thể nhìn thấy khi khám bằng mỏ vịt. Nơi hai loại tế bào này gặp nhau trong cổ tử cung có tên là vùng chuyển tiếp. Hầu hết ung thư ở cổ tử cung bắt đầu từ các tế bào ở vùng chuyển tiếp.
PV: Nguyên nhân nào có thể gây nên ung thư cổ tử cung, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Lê Thị Liên: Nguyên nhân ung thư cổ tử cung đã được xác định rõ, đó là do âm đạo và cổ tử cung bị nhiễm trùng dai dẳng bởi virus thuộc họ virus gây u nhú ở người (HPV), lây truyền trong quá trình quan hệ tình dục. Có hơn một trăm loại (chủng) HPV (bao gồm cả những loại gây ra mụn cóc lành tính trên da như tuýp 6,11). Ung thư CTC thường gặp nhất là tuýp 16, 18, 31, 33 và 45 gây ra các tổn thương tân sinh nội biểu mô CTC hoặc ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn, ung thư dương vật, ung thư thanh quản…
Trong đó HPV 16 gây ra khoảng 60% các trường hợp ung thư CTC, HPV 18 khoảng 10% các trường hợp ung thư CTC.
HPV sau khi nhiễm vào biểu mô cổ tử cung sẽ gây ra các thay đổi ở biểu mô lát/hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung. Phần lớn các tổn thương này tự thoái triển về bình thường sau một thời gian tương đối ngắn hoặc không tiến triển đến dạng nặng hơn. Nếu người phụ nữ nhiễm HPV nguy cơ cao và phối hợp với các yếu tố hiệp đồng khác, tổn thương ban đầu có thể tồn tại và tiến triển trong khoảng 10 – 20 năm qua các giai đoạn tân sản nội biểu mô để hình thành ung thư CTC.
Có trên 90% trường hợp nhiễm HPV sẽ đào thải virus trong vòng 2 năm, khoảng 10% các trường hợp vẫn còn virus HPV sau 3 năm.
Một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung bao gồm:
- Quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục với nhiều người (điều này làm tăng nguy cơ nhiễm nhiều chủng virus HPV).
- Sự hiện diện của các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác (nhiễm chlamydia, lậu, giang mai,…).
- Không khám phụ khoa định kỳ.
- Hút thuốc, dùng thuốc tránh thai với thời gian dài
- Tuổi tác: sau 35 tuổi nguy cơ mắc ung thư CTC càng cao
- Giảm khả năng phòng vệ miễn dịch do bệnh (ví dụ: HIV/AIDS) hoặc do điều trị (hóa trị ung thư, liệu pháp sinh học cho các bệnh tự miễn, điều trị chống thải ghép).
PV: Như vậy, chị em phụ nữ có thể nhận biết các dấu hiệu cơ bản của ung thư cổ tử cung như thế nào, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Lê Thị Liên: Khi chị em mắc ung thư CTC ở giai đoạn đầu hoặc có những tổn thương về tiền ung thư thì thường không có hay có ít các triệu chứng đặc hiệu nào về bệnh. Dấu hiệu ung thư CTC chỉ xuất hiện rõ ràng khi các tế bào ác tính phát triển nhanh và xâm lấn vào các tổ chức lân cận. Khi hiện tượng này xảy ra, các triệu chứng ung thư CTC bao gồm:
– Đau vùng chậu: Tự dưng chị em thấy những cơn đau bất thường ở vùng bụng dưới hoặc đau khi giao hợp… Những cơn đau này có thể liên quan đến các bệnh khác nhưng cũng có thể cảnh báo nguy cơ mắc ung thư CTC.
– Dịch âm đạo có màu bất thường: Dịch âm đạo bỗng dưng có màu vàng, xanh như mủ hoặc lẫn màu hồng của máu và gây ra mùi khó chịu, trường hợp này có thể phụ nữ đang gặp một số bệnh, có thể là do ung thư buồng trứng hay viêm vòi trứng, ung thư CTC…
– Chảy máu bất thường: Chảy máu sau khi quan hệ tình dục, chảy máu khi đã mãn kinh, chảy máu ngoài kỳ kinh hoặc kỳ kinh kéo dài bất thường. Một số trường hợp bệnh nhân chảy máu sau khi thụt rửa âm đạo hoặc khám vùng chậu. Lưu ý, mức độ chảy máu ở mỗi người là khác nhau, có người chảy nhiều, có người chảy ít.
– Thiếu máu: Thiếu máu có thể xảy ra với bệnh ung thư CTC Thiếu máu thường khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi, giảm cân không rõ nguyên nhân và mất cảm giác ngon miệng.
– Bất thường trong tiểu tiện: tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu.
PV: Xin bác sĩ cho biết trong cơ thể chị em thì ung thư cổ tử cung phát triển như thế nào?
Bác sĩ Lê Thị Liên: Khi ung thư cổ tử cung ở giai đoạn xâm lấn và nếu không được phát hiện, các tế bào ung thư sẽ xâm lấn dần sang tử cung và các bộ phận lân cận (âm đạo, trực tràng, bàng quang) rồi di chuyển theo đường tuần hoàn của bạch huyết vào các hạch bạch huyết. Nếu không được điều trị, các tế bào này sau đó sẽ đi vào máu để định cư và nhân lên trong gan, phổi, xương, não,… Những khối u thứ phát này được gọi là “di căn”.
Tùy thuộc vào kết quả kiểm tra bác sĩ có thể xác định giai đoạn phát triển của ung thư cổ tử cung. Bệnh có thể phát hiện từ giai đoạn 0 đến giai đoạn 4.
Giai đoạn 0 – ung thư tại chỗ
– Ở giai đoạn này, người bệnh không hề có bất cứ dấu hiệu, triệu chứng nào nên thường chỉ phát hiện thông qua thăm khám và sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Giai đoạn I: TB ung thư hoàn toàn khu trú tại CTC
– Được chia thành giai đoạn IA và IB với mức độ tiến triển bệnh nặng dần Giai đoạn IA:
– IA1: Vùng ung thư chỉ có thể được nhìn thấy bằng kính hiển vi và sâu ≤3 mm; bề rộng <7 mm
– IA2: Vùng ung thư chỉ có thể được nhìn thấy bằng kính hiển vi <3 mm; bề sâu ≤5 mm; Không lan đến các hạch bạch huyết lân cận; Không lan đến các cơ quan xa.
Giai đoạn IB: Ung thư đã lan rộng hơn 5mm nhưng vẫn giới hạn ở CTC. Không lan đến các hạch bạch huyết lân cận. Không lan đến các cơ quan xa.
Được chia thành IB1 (khối u ≤ 4cm), IB2 (khối u > 4cm).
Giai đoạn II: Khối u xâm lấn ra ngoài CTC nhưng chưa lan tới 1/3 dưới âm đạo và chưa đến thành bên tiểu khung.
– IIA: xâm lấn 2/3 trên âm đạo, chưa xâm lấn dây chằng ngang CTC
– IIB: xâm lấn dây chằng ngang CTC
Giai đoạn III: Khối u đã xâm lấn đến thành bên khung chậu, xâm lấn tới 1/3 dưới âm đạo hoặc xâm lấn niệu quản, dẫn đến giãn đường tiết niệu.
Giai đoạn IV: xâm lấn bàng quang, trực tràng, xâm lấn các tạng khác ở vùng chậu và di căn xa.
PV: Để giúp phòng tránh ung thư cổ tử cung, bác sĩ có lời khuyên gì dành cho các chị em phụ nữ?
Bác sĩ Lê Thị Liên: Cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung tốt nhất là:
– Tiêm ngừa vắc xin HPV: Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, phụ nữ trong độ tuổi từ 9-26 và tốt nhất là chưa quan hệ tình dục nên tiêm ngừa vắc xin HPV để phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Loại vắc xin này có thể phòng ngừa ung thư cổ tử cung đến 80%, bạn cần tiêm đúng liệu trình theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất.
Hiện tại Việt Nam có 2 loại vác xin tiêm phòng ung thư CTC đó là loại nhị giá phòng 2 tuýp HPV (16 và 18); vác xin loại tứ giá phòng 4 tuýp HPV đó là 6, 11, 16 và 18.
– Không quan hệ tình dục quá sớm, không có nhiều bạn tình.
– Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ đúng cách: Vệ sinh vùng kín sạch sẽ và đúng cách sẽ giúp bạn ngăn ngừa viêm nhiễm phụ khoa. Ngoài ra bạn cũng cần chú ý không nên mặc quần lót quá chật làm ảnh hưởng xấu đến “cô bé”, nên vệ sinh vùng kín sạch sẽ trước và sau khi quan hệ tình dục, không nên quan hệ tình dục khi có kinh nguyệt vì dễ yếu và bị viêm nhiễm trong thời gian này.
– Tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ cho dù đã tiêm vắc xin HPV thì vẫn cần phải tầm soát ung thư CTC để phát hiện những tổn thương tiền ung thư.
– Đến khám tại cơ sở chuyên khoa khi có dấu hiệu bất thường như: ra máu sau giao hợp, khí hư bất thường…
PV: Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ thông tin!
Nguồn: Ngọc Phượng, Mạnh Hùng – CDC QN
Một số bài viết khác:
Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn hưởng ứng Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10/2024: Vận động và sinh hoạt điều độ để có sức khỏe và phòng tránh bệnh tật
Xuất hiện văn bản giả mạo Sở Y tế Quảng Ninh thành lập đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm
Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn tập huấn công tác xã hội trong Bệnh viện năm 2024
Trung tâm Y tế Vân Đồn tổ chức tập huấn phát hiện – can thiệp sớm trẻ khuyết tật
Phòng ngừa tăng huyết áp gây đột quỵ
Khi nào nên nhổ răng khôn?