Lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày có hơn 4100 người tử vong vì bệnh lao và gần 28.000 người mắc. Kể từ năm 2000, với những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại bệnh lao, ước tính khoảng 66 triệu người đã được chữa khỏi.
“Tại Việt Nam, chấm dứt bệnh lao có nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia cho biết.
*Đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2022 trên toàn cầu là “Invest to end TB. Save lives” (Tập trung nguồn lực, chấm dứt bệnh lao, cứu sống triệu người). Chủ đề nhấn mạnh về việc đưa ra nhu cầu cấp thiết hiện nay là cần đầu tư, kêu gọi, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao, đạt được các cam kết chấm dứt bệnh lao do các nhà lãnh đạo toàn cầu đưa ra, và mục tiêu nhân văn nhất là cứu sống hàng triệu người trên thế giới không đáng phải chết vì bệnh lao. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến tiến trình đạt được cam kết trong giai đoạn cuối bị ảnh hưởng.
Theo báo cáo năm 2021 của Tổ chức Y tế thế giới, mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác chống lao trong thời gian qua, bệnh lao vẫn đang tiếp tục là một trong các vấn đề sức khoẻ cộng đồng chính trên toàn cầu. Đại dịch COVID-19 đã đảo ngược nhiều năm (5-8 năm) tiến bộ trong việc cung cấp các dịch vụ lao thiết yếu và giảm gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu. Các mục tiêu phòng, chống lao toàn cầu đến năm 2020 hầu hết đều chưa đạt được, mặc dù cũng có một số quốc gia và khu vực vẫn đạt được những thành công nhất định.
Tác động rõ ràng nhất là sự sụt giảm đáng kể trên toàn cầu về số lượng bệnh nhân mới được phát hiện và báo cáo. Con số này giảm từ 7,1 triệu người năm 2019 xuống 5,8 triệu người năm 2020, giảm 18% so với mức năm 2019 và thấp hơn rất nhiều so với con số khoảng 9,9 triệu người ước tính mới mắc lao năm 2020. Ấn Độ, Indonesia và Philippines là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Việc giảm khả năng tiếp cận với chẩn đoán và điều trị lao đã dẫn đến gia tăng số ca tử vong do lao. Ước tính năm 2020 có 1,3 triệu ca tử vong do lao và 214.000 ca ở những người dương tính với HIV. Nghĩa là tổng số ca tử vong do lao, kể cả lao/HIV là khoảng trên 1,5 triệu người. Đây là những con số tương đương mức độ tử vong năm 2017. Việc giảm tỷ lệ mắc bệnh lao đạt được trong những năm trước gần như đã dừng lại.
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, trên cơ sở chủ đề của thế giới, áp dụng vào tình hình thực tế tại Việt Nam, chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2022 của Việt Nam là “Giảm thiểu tác động của COVID-19 -Tập trung nguồn lực -Tăng cường phát hiện bệnh lao”.
“Trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến tiến trình thanh toán bệnh lao vào năm 2030, chủ đề trên nhấn mạnh năm 2022 này sẽ là lúc để chúng ta giảm thiểu những tác động của dịch bệnh,thích ứng an toàn với dịch bệnh trong bối cảnh mới, đặc biệt là tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống lao, trong đó tăng cường, chủ động sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao là một bước đi điển hình, đột phá có ý nghĩa vô cùng thiết thực trong bối cảnh hiện nay”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung khẳng định.
*Tác động nặng nề đến hoạt động chống lao
Kể từ khi được công bố là “đại dịch toàn cầu” bởi WHO vào cuối tháng 1/2020, virus SARS-CoV-2 đã có tác động tiêu cực lớn đến sự phát triển của toàn xã hội, không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, tâm lý người dân và các dịch vụ, ngành y tế cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng không mong muốn này.
Do vừa phải đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên, vừa đảm nhiệm công tác phòng, chống dịch COVID-19 (giám sát dịch, hỗ trợ các tuyến, cách ly người nhiễm và nghi nhiễm, điều trị người nhiễm, hỗ trợ các tuyến trong phòng, chống dịch…) nên rất nhiều cơ sở y tế xuất hiện tình trạng quá tải kéo dài. Các cơ sở y tế, các đơn vị chống lao trên toàn quốc đương nhiên không nằm ngoài tác động chung đối với toàn ngành Y tế.
“Trong 2 năm qua, Bệnh viện Phổi Trung ương cũng như hầu hết các Bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi trên cả nước tích cực tham gia công tác chống dịch COVID-19. Hầu hết các can thiệp chống lao được áp dụng cho dịch COVID-19 do có những điểm tương đồng. Chính vì vậy, nhiều địa phương đã chuyển công năng Bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi sang điều trị COVID-19. Điều này đã tác động hết sức nặng nề đến hoạt động chống lao trong cả nước, thậm chí làm gián đoán, đứt gẫy mạng lưới chống lao các tuyến, người bệnh lao không biết đến đâu để chẩn đoán, phát hiện, điều trị, làm gia tăng nguồn lây lao trong cộng đồng, tăng số người mắc và tử vong”, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay.
Vì vậy, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao, Chương trình Chống lao quốc gia có công văn yêu cầu các địa phương củng cố hệ thống y tế phòng chống lao tại tất cả các tuyến (tỉnh, huyện, xã) song song với kế hoạch ứng phó với dịch COVID-19, đặc biệt là tuyệt đối không chuyển đổi công năng điều trị COVID-19 vượt quá 50% số giường điều trị của các bệnh viện chuyên khoa.
*Bệnh lao cần được quan tâm đúng mức
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao (báo cáo WHO 2020).
Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa – nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.
Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.
“COVID-19 và lao đều là hai căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung chia sẻ.
Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng.
Hiện tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, xấp xỉ 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc.
Bệnh lao được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sẽ giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử vong, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao./.
Bích Thủy
Một số bài viết khác:
ĐẺ KHÔNG ĐAU – KĨ THUẬT GIÚP CÁC MẸ TRẢI QUA QUÁ TRÌNH SINH CON AN TOÀN, NHẸ NHÀNG
Thư cảm ơn
HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYÊN ĐỀ PHẪU THUẬT & BỆNH LÝ TAI MŨI HỌNG LẦN II TẠI TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN VÂN ĐỒN
Chủ động phòng, chống bệnh sởi – Bảo vệ sức khỏe cộng đồng
CƠ HỘI THĂM KHÁM CÙNG CHUYÊN GIA THĂM DÒ CHỨC NĂNG TUYẾN TRUNG ƯƠNG
BSCKII. TÔ THỊ THÚY HẰNG niềm hy vọng cho bệnh nhân mắc các bệnh về Thần kinh – Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng